1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ:

Ngọn cờ đầu hiệu triệu nhân sĩ, trí thức yêu nước

(Dân trí) - Nhắc đến cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ là nhắc đến vị Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, người đã hiệu triệu đông đảo đồng bào các giới, các tôn giáo tại miền Nam tụ hội dưới ngọn cờ chung đấu tranh thống nhất đất nước.

Sức hiệu triệu của một trí thức lớn

 

Tham dự lễ tang của luật sư Nguyễn Hữu Thọ năm 1996, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết trong sổ tang: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước, một nhà hoạt động chính trị và xã hội mà tiếng tăm vươn khỏi ranh giới quốc gia, là một luật sư tài năng, một ngọn cờ tập hợp quần chúng đầy uy tín, một người Việt Nam trung hiếu, một nhân cách khả kính”.
 


Ngọn cờ đầu hiệu triệu nhân sĩ, trí thức yêu nước - 1

Cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

 

Là một luật sư giỏi tốt nghiệp hạng ưu tại Pháp, năm 1946, luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhận chức Chánh án Tòa án tỉnh Vĩnh Long. Nhưng trước tình thế đất nước, ông từ chức và lên Sài Gòn mở văn phòng luật sư.

 

Trong quá trình hành nghề tại Sài Gòn, ông đã tham gia bào chữa, bênh vực quyền lợi cho nhiều người dân bị chính quyền thực dân và tay sai đàn áp, trong đó có nhiều chiến sĩ cách mạng, trí thức yêu nước.

 

Với những hành động đó, trong mắt chính quyền thực dân, ông trở thành một phần tử nguy hiểm. Nhưng với giới trí thức miền Nam thì ông là một nhân sĩ có uy tín lớn, là hậu thuẫn lớn cho chiến sĩ cách mạng. Với uy tín đó, ông đã thu hút được nhiều trí thức miền Nam tham gia phong trào cách mạng, chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

 

Luật sư Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TPHCM cho rằng: “Vai trò của luật sư Nguyễn Hữu Thọ thể hiện rất rõ trong cuộc biểu tình phản đối khi chiếc tàu đầu tiên của thực dân Mỹ cập bến Sài Gòn vào năm 1950. Sau năm 1960, luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam thì càng có nhiều đóng góp hơn cho phong trào yêu nước”.

 

Và ông nhận định: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức lớn, tiêu biểu của miền Nam, là ngọn cờ đầu triệu tập những nhân sĩ, trí thức và đồng bào miền Nam tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc. Theo tôi, sức mạnh quân sự cũng rất quan trọng trong việc đem đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng sức mạnh tinh thần, sức mạnh của nhân dân cũng đóng góp rất lớn đến chiến thắng 30/4/1975”.
 
Ngọn cờ đầu hiệu triệu nhân sĩ, trí thức yêu nước - 2
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (người đứng) làm trưởng phái đoàn đại biểu các giới - đi thăm đồng bào Bàu Sen (Chợ Lớn) bị hoả hoạn tháng 2/1951

 

Hết lòng vì dân chủ và công bằng xã hội

 

Sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, năm 1976, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI và giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 4/1980, ông được giao cương vị Quyền Chủ tịch nước. Đến tháng 7/1981 được Quốc hội khóa VII bầu làm Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam.

 

Năm 1983, tại Ðại hội MTTQVN lần thứ hai, luật sư được cử làm Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN. Tháng 11/1988, tại Ðại hội lần thứ ba MTTQVN, ông được cử giữ chức vụ Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN. Tại đại hội lần thứ tư MTTQVN (tháng 8/1994), đại hội đồng ý đề cử ông vào cương vị Chủ tịch danh dự Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN.

 

Luật sư Lê Hiếu Đằng nhận xét: “Sau giải phóng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ cũng là người có rất nhiều ý kiến đóng góp xây dựng dân chủ và công bằng xã hội. Đất nước dù có thống nhất, độc lập mà không có dân chủ, công bằng xã hội thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa gì”.
 
Ngọn cờ đầu hiệu triệu nhân sĩ, trí thức yêu nước - 3
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thăm Giải phóng quân

 

 

Luật sư Lê Hiếu Đằng khâm phục nói: “Khi đó, hoài bão mà luật sư Nguyễn Hữu Thọ đấu tranh cả đời để đạt được là làm sao thực hiện được quyền dân chủ, công bằng xã hội để làm sao cho người dân được hưởng quyền lợi chính đáng của mình, được hưởng thành quả của cách mạng”.

 

Và ông tâm sự: “Rất tiếc là mục tiêu dân chủ đến bây giờ vẫn còn nhiều hạn chế. Để thực hiện được hoài bão mà luật sư Nguyễn Hữu Thọ đeo đuổi suốt cuộc đời lúc sinh tiền, chúng ta còn phải cố gắng nhiều hơn nữa”.

 

Trong sổ tang tại lễ tang luật sư Nguyễn Hữu Thọ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng viết: “Anh hãy yên nghỉ bởi những gì có thể làm thì anh đã làm hết sức mình, những gì dang dở thì các thế hệ tiếp theo tiếp tục hoàn thành”.
 

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từng giữ những trọng trách như Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam…

 

Ông sinh ngày 10/7/1910 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An; mất ngày 24/12/2006 tại TPHCM. Hôm nay 10/7/2010, Chính phủ tổ chức Lễ kỷ niệm cấp Nhà nước nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông tại Hội trường Thống nhất - TPHCM.

 

Tùng Nguyên