1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngộ độc thực phẩm - Chuyện dài kỳ

(Dân trí) - Thông tin về những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và hàng loạt cảnh báo về sự nguy hại của những loại thực phẩm độc hại vẫn liên tục được đưa ra. Người tiêu dùng lo lắng cho sức khỏe của mình nhưng họ không thể ngừng ăn và chỉ còn cách trông chờ vào các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, đối với nhà quản lý, những vấn đề này vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

 

Gánh nặng tại cộng đồng

 

Theo PGS.TS. Trần Đáng, Cục trưởng Cục VSATTP - Bộ Y tế, từ năm 2000 đến nay đã có hơn 1.300 vụ ngộ độc với hơn 34.000 nạn nhân, làm chết 370 người. Ngoài ra, hơn 6.000 người đã mắc với 115 người tử vong do các căn bệnh truyền qua đường thực phẩm như tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy và thương hàn. Tuy nhiên số liệu này chỉ phản ánh được một phần nhỏ của gánh nặng thực tế.

 

Một nhà khoa học ngành Y tâm sự, cách đây chừng 20 năm, tìm được một trường hợp suy thận để cho sinh viên học không phải chuyện dễ. Nay con số bệnh nhân suy thận gấp không phải hàng chục, hàng trăm, mà là hàng ngàn lần. Rõ ràng gánh nặng về ngộ độc thực phẩm cần phải được tập trung xem xét như một vấn nạn của quốc gia.

 

BS Đinh Thị Dụ, giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, vài năm trở lại đây, trung tâm luôn trong tình trạng quá tải. Đặc biệt vào những ngày nghỉ, dịp lễ hội, số bệnh nhân tăng lên gấp nhiều lần với nhiều nguyên nhân khác nhau như ngộ độc rượu, thuốc, thức ăn đường phố, thức ăn ôi thiu, rau chứa thuốc sâu, phân đạm, … Gần đây nhất là vụ ngộ độc tập thể của các giáo viên tại một trường tiểu học do ăn liên hoan tại nhà hàng! 

 

Câu chuyện không có hồi kết

 

Cũng theo TS. Trần Đáng, ở nước ta, hầu hết các nguyên liệu thực phẩm được sản xuất theo quy mô hộ gia đình. Ngoài ra khoảng 90% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng ở quy mô vừa và nhỏ, sản phẩm bày bán nhỏ lẻ. Khái niệm “quản lý chất lượng thực phẩm” dường như không đi vào cuộc sống.

 

Thật kinh hoàng khi người sản xuất nước tương thủ công điềm nhiên thông báo, hoá chất acid clohydric (HCl) và xút (NaOH) là hoá chất thực phẩm sử dụng cho sản xuất nước tương!

 

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, 70% số mẫu rau ăn lá và ăn quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; nhiều mẫu rau như cải, muống, dưa chuột,… còn tồn dư phân hữu cơ và hoá chất độc hại bị cấm sử dụng; một số mẫu quả như cam, xoài đều tìm thấy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

 

Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: Kết quả điều tra về sự tồn dư hoá chất vi sinh vật và kim loại nặng trong một số loại nông sản ở nước ta từ năm 2001 đến nay đã ở mức nghiêm trọng. Tồn dư thuốc BVTV ở rau và quả rất đáng lo ngại, đặc biệt như quả lê, táo nhập từ Trung Quốc đã tìm thấy dư lượng thuốc bảo quản vượt quá mức cho phép gần 50%.

 

Một cán bộ quản lý của Cục Bảo vệ thực vật cho hay; tiến hành phỏng vấn các hộ trồng rau để bán, hầu hết trả lời hông hề có khái niệm về thuốc trừ sâu được phép sử dụng, loại thuốc phù hợp với từng loại rau và thế nào là thời gian cách ly. Nhưng nhiều người trong số họ trồng rau ăn cho gia đình ở những mảnh vườn riêng, không phun thuốc!

 

Còn kết quả nghiên cứu 428 mẫu thịt gia súc, gia cầm do Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) chuyển đến, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã phát hiện 11% số mẫu có chứa hoóc môn kích thích tăng trưởng.

 

Trong khi đó, chế tài và cơ chế vận hành hệ thống VSATTP vẫn chưa đồng bộ và triệt để. Bánh phở, bánh cuốn có hàn the, formol… thường xuyên được tìm thấy, từ quán cóc vỉa hè đến những nhà hàng sang trọng có tên tuổi.

 

Ở một số quốc gia như Australia hay Singapore, cơ sở kinh doanh chỉ một lần vi phạm quy định về VSATTP là phải đối đầu với hình thức xử phạt rất nghiêm khắc, thậm chí có thể bị đóng cửa và cấm kinh doanh trong một thời gian dài. 

 

Thanh Trầm - Văn Quân