1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày xuân đi ngắm “cá thần”

(Dân trí) - Suối cá thần Văn Nho cách TP Thanh Hóa hơn 100km, tại bản Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước. Đây là một trong ba suối cá thần được phát hiện tại Thanh Hóa cùng với suối cá Cẩm Lương, Cẩm Liên của huyện Cẩm Thủy.

Nơi đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, từ lâu, người dân đã phát hiện một hang nước có rất nhiều cá. Điều thú vị là cá nơi đây cũng giống như cá được phát hiện ở hai xã Cẩm Lương và Cẩm Liên, huyện Cẩm Thuỷ mà lâu nay người dân và du khách được tận mắt chứng kiến.


Suối cá Văn Nho có từ rất lâu đời, người dân nơi đây đã có ý thức bảo vệ từ trước đến nay, không ai dám đánh bắt vì họ cho rằng đây là “cá thần”. Nơi đây vốn là một dòng suối tự nhiên bắt nguồn từ hang dưới chân núi hoang sơ với cây cối um tùm ở bản Chiềng Ban.

Từ lâu một con đập đã được xây dựng ngăn dòng nước cách cửa hang hơn chục mét. Hàng ngày, người dân trong bản vẫn ra suối giặt giũ, rửa rau và mang thức ăn cho cá.

Đàn cá ở đây cũng rất dễ gần.
Đàn cá ở đây cũng rất dễ gần.

Loài cá nơi đây cũng chẳng khác cá tại suối cá thần Cẩm Thủy. Chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng huyện Bá Thước đã đề ra kế hoạch nhằm bảo vệ và phát triển nơi đây thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của địa phương.

Thời gian gần đây, đàn cá có dấu hiệu sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều. Vào mùa này, nước ở hang cá Văn Nho không sâu nên rất dễ để quan sát đàn cá tung tăng bơi lượn. Nhiều khách du lịch từ các địa phương sau khi nghe cũng đã tìm về đây để được chứng kiến hang cá thần này.

Con đường vào hang cá thần Văn Nho còn nhiều khó khăn, từ trung tâm xã vào toàn đường đất. Khung cảnh nơi đây còn rất hoang sơ. Bình thường thì cá rất ít ra khỏi hang như hai suối cá ở huyện Cẩm Thủy, nhưng mỗi lần cho cá ăn thì từng đàn kéo ra rất nhiều.

Theo người dân địa phương thì đây là một con suối ngầm chảy qua núi, bắt đầu từ cây số 8 ở đường 217 về đến Chiềng Ban. Suối cá Chiềng Ban có thể được xuất hiện trước hai suối cá ở Cẩm Thủy. Phía sâu trong núi còn có một cái hang rộng khoảng 50m2 với trần hang khá cao chính là nơi đàn cá tập trung với số lượng đông nhất. Muốn vào được hang phải lặn qua một cửa hang ngầm.

Có thông tin cho rằng, những hang cá ở Bá Thước và Cẩm Thủy có thông với nhau. Tuy nhiên, theo người dân địa phương thì khả năng đó là rất ít. Có thông tin cho rằng, đây là suối cá thần thứ ba ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, cũng chưa ai xác định việc hang cá thần Văn Nho được phát hiện trước hay suối cá ở Cẩm Thủy được phát hiện trước.

Cũng theo người dân địa phương, thời Pháp thuộc có đóng quân gần suối cá, không biết vì lý do gì mà họ lại không đánh bắt cá ở suối cá này, ngược lại còn lập bàn thờ trong một hang động nằm phía trên suối cá khoảng 10m để thờ cá. Với người dân địa phương, không ai bảo ai, nhưng bà con có ý thức bảo vệ suối cá, không ai dám xuống suối đánh bắt cá cả. Đây thực sự đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với nhiều du khách.

Hang cá Văn Nho còn rất hoang sơ.
Hang cá Văn Nho còn rất hoang sơ.
Cũng đã có nhiều du khách đến đây thưởng ngoạn và ngắm cá thần.

Cũng đã có nhiều du khách đến đây thưởng ngoạn và ngắm cá thần.
Cũng đã có nhiều du khách đến đây thưởng ngoạn và ngắm "cá thần". Vào mùa mưa, dù nước tràn quan đập, nhưng đàn cá không theo dòng nước đi.

Duy Tuyên - Bá Phương