1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Ngành văn hóa không ủng hộ việc treo đèn lồng tràn lan, tùy tiện"

(Dân trí) - "Nhìn dưới góc độ văn hóa và quản lý văn hóa, Ngành văn hóa không đồng ý với việc treo đèn lồng tràn làn, tùy tiện, bất chấp điều kiện kinh tế, không gian kiến trúc đô thị, bất chấp lối sống, tập tục truyền thống văn hóa ngày xuân của người Việt Nam".

Từ những phản ứng xung quanh việc treo đèn lồng tràn lan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hoài Chung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hóa về vấn đề này, dưới góc nhìn của một người quản lý văn hóa.
 
"Ngành văn hóa không ủng hộ việc treo đèn lồng tràn lan, tùy tiện" - 1
Đèn lồng giăng khắp nơi

Việc treo đèn lồng là chủ trương của chính quyền địa phương hay chỉ là một chút ngẫu hứng của cơ quan chức năng, thưa ông?

Đến thời điểm này, Sở VHTTDL chưa thấy có một văn bản chỉ đạo nào của bất cứ một cấp chính quyền nào về việc chỉ đạo treo đèn lồng trên địa bàn Thanh Hóa và thực ra Nhà nước ta cũng chưa có một văn bản nào, quy định nào về việc nghiêm cấm hoặc nhất trí cho treo đèn lồng. Nó không giống như quy định cấm đốt pháo, thả đèn trời. Chính vì vậy, việc treo hay cấm treo và chế tài xử lý đối với việc này hầu như chưa có văn bản hướng dẫn nào. Việc treo đèn lồng của nhân dân là tự phát và nó tùy theo nhu cầu thẩm mỹ của từng hộ gia đình.
 
Tuy nhiên trong thực tế có nhiều khu phố đặt ra thành chủ trương để vận động, kêu gọi, thu tiền chung của các hộ gia đình để treo cho khu phố mình. Và những gia đình nào không đồng tình thị bị bài bác, bài xích, thậm chí là lên án cho rằng không có tinh thần tập thể. Chính vì trong tâm lý sống vì làng xóm cho nên nhiều người cũng chấp nhận nộp tiền treo đèn lồng theo trào lưu chung, xu thế chung, phong trào chung của khu phố, của phường. Chứ thực ra bản thân người ta cũng không tự nguyện.

Nhiều người nhận xét việc treo đèn lồng tràn lan ở Thanh Hóa thời gian qua nhìn rất phản cảm, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Nhìn dưới góc độ văn hóa và quản lý văn hóa thì Ngành văn hóa không đồng ý với việc treo đèn lồng một cách tràn làn, tùy tiện, bất chấp điều kiện kinh tế, không gian kiến trúc đô thị, bất chấp lối sống, tập tục truyền thống văn hóa ngày xuân của người Việt Nam. Như chúng ta đã biết, đèn lồng xuất phát từ Trung Quốc, nhưng ngay ở Trung Quốc người ta cũng không treo tràn lan như ở Việt Nam mà người ta hay treo ở những khu phố buôn bán, thương mại hoặc ở những khu phố cổ. Thậm chí đến bây giờ người ta hay gán đèn lồng với hình ảnh những khu ăn chơi.
 
Nhưng đối với Việt Nam chúng ta, việc treo đèn lồng trở thành xu thế tràn lan, từ thành phố bây giờ tràn xuống cả nông thôn. Và người ta không chỉ treo trong nhà mà còn treo cả ngoài đường. Ngay cả một số trục đường quốc lộ, người ta giăng tràn ra đường. Việc làm này đã gây ra những tác hại: Thứ nhất, nó là sự học tập, bắt chước một cách không có chọn lọc, lai căng văn hóa nước ngoài; Thứ hai là đúng lúc đang kêu gọi tiết kiệm điện, dành điện phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, thì việc treo đèn lồng tràn làn như thế rất tốn kém điện; Thứ ba, một số địa phương cùng với việc treo đèn lồng dọc đường quốc lộ rồi kết hoa, giăng đèn cản trở tầm nhìn giao thông, gây phân tán gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông; Thứ tư là từ chỗ một số địa phương, phố phường bắt buộc mọi người cùng treo gây bức xúc cục bộ trong nhân dân không chấp nhận việc làm này.
 
Đèn lồng thường treo dưới công trình kiến trúc cổ, có mái đặc biệt như ở Hội An chẳng hạn, vì Hội An vừa là khu phố cổ, vừa là thương cảng giao lưu, giao thoa về văn hoa giữa Việt Nam với các nước như Ấn Độ và Trung Quốc, cho nên treo đèn lồng là rất hợp. Hơn nữa đèn lồng ở Hội An là đèn lồng nội địa, do Việt Nam sản xuất. Còn như chúng ta đã thấy, đèn lồng ở Thanh Hóa chủ yếu mua giá rẻ của Trung Quốc treo tràn lan nên không phù hợp. Trong khi đó chúng ta đang kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, thì mình lại bỏ tiền ra mua hàng giá rẻ của Trung Quốc.
 
Việc treo đèn lồng ở Thanh Hóa theo tôi là đáng phải lên án, suy ngẫm. Người ta chỉ treo cho bằng bạn bằng bè, chứ không để ý có phù hợp, túi tiền của mình có cho phép hay không. Thực ra giá trị nó không lớn nhưng cần xem xét về bản lĩnh văn hóa của chúng ta.

Có nhiều ý kiến cho rằng trong khi các thành phố khác như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... sử dụng điện chiếu sáng tràn lan thì ở Thanh Hóa việc treo đèn lồng là quá bình thường, ông có nhận xét gì?

So sánh là vô cùng, vì Hà Nội, TPHCM hay Hải Phòng… là những đô thị lớn, và nhu cầu tiêu thụ điện để phục vụ thắp sáng làm đẹp đô thị là nhu cầu tất yếu. Những nhu cầu chính đáng, thiết thực thì dù có tốn vẫn cứ cần. Còn những nhu cầu không chính đáng, không thiết thực thậm chí phản văn hóa thì đáng lên án. Nhìn ở góc độ văn hóa khi cần thiết thì một xu cũng cần phải tiết kiệm.
 
"Ngành văn hóa không ủng hộ việc treo đèn lồng tràn lan, tùy tiện" - 2
Trên đèn đường, dưới đèn lồng

Mặc dù Sở đã ra văn bản chỉ đạo, nhưng hầu như các địa phương vẫn chưa chấn chỉnh, vậy ông nghĩ sao về vấn đề này? Ngành có biện pháp như thế nào trong thời gian tới?

Do chưa có văn bản, quy định nào về mặt pháp lý để có những chế tài quy định được phép hay không được phép treo đèn lồng. Còn ngành văn hóa không thể ra một văn bản bắt buộc mang tính pháp lý được. Công văn của Sở chỉ nhằm cảnh báo về mặt văn hóa, thẩm mỹ đối với người dân, xã hội làm sao khi tiếp thu văn hóa nước ngoài trong khi tổ chức hoạt động, phục vụ nhu cầu của mình phù hợp với tập tục, lối sống và tiếp xúc của người Việt Nam. Công văn còn nhằm yêu cầu các địa phương nắm bắt kịp thời, có biện pháp ngăn chặn các khu dân cư ép người dân treo đèn lồng để không tràn lan hơn nữa. Năm ngoái chỉ lác đác một vài khu phố, nhưng năm nay tràn lan khắp nơi. Nếu không chấn chỉnh kịp thời thì năm sau còn tràn lan hơn nữa.

Điều đáng mừng là ngay trong Hội nghị giao ban đầu xuân sáng mùng 4 Tết, sau khi nghe báo cáo của ngành, Chủ tịch tỉnh đồng tình rất cao và cho rằng việc này là rất dở. Yêu cầu địa phương rà soát để không tái diễn ở Tết năm sau. Bên cạnh đó, cùng với việc phê phán văn hóa lai căng, mình cũng cần khuyến khích lại những trò chơi văn hóa dân gian như cây nêu, chọi gà, chọi trâu, các trò chơi ngày xuân khác.

Tôi thấy rất lạ là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh lân cận không treo tràn lan mà Thanh Hóa lại treo? Cái đáng suy nghĩ là nó thành trào lưu, xu hướng. Điều đáng xem xét, suy nghĩ ở đây là đi đâu cũng thấy gia đình văn hóa, khu phố văn hóa nhưng để đi tìm văn hóa đích thực thì không thấy đâu cả.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Duy Tuyên