1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội:

Ngang nhiên lập “bốt”, chặn cầu thu phí

(Dân trí) - Theo phản ánh của người dân huyện Quốc Oai (Hà Nội), 2 năm nay, tại điểm đầu cầu Tình Lam địa phận xã Đại Thành tồn tại một “bốt thu phí” lạ kỳ: căng dây thừng; phương tiện nào qua cầu cũng phải nộp phí: 10.000 đồng/ô tô; 2.000 đồng/xe máy; 1.000 đồng/xe đạp.

Chặn cầu, thu phí phương tiện “vô tội vạ”
Người dân cho biết “bốt” lúc nào cũng có người đứng canh, chỉ cần có phương tiện đi qua là người này chạy đến thu tiền. Nhiều người thắc mắc hỏi vé cầu đường bộ hay đòi xem bảng giá quy định của nhà nước thì đều bị người thu tiền gạt phắt; cho rằng việc thu tiền qua cầu đã thành thông lệ từ nhiều năm nay, nếu không muốn mất tiền thì quay lại đi đường khác.
 
Ngang nhiên lập “bốt”, chặn cầu thu phí - 1

Mỗi xe ô tô đều phải nộp cho chủ "bốt" 10.000 đồng mới được qua cầu. (Ảnh: Anh Thế)

Theo quan sát của PV Dân trí, “bốt” thu phí “độc nhất vô nhị” này chỉ cách đầu cây cầu phía làng Tình Lam chừng trên dưới 10m, án ngữ ngay tại ngã 3 trên con đường huyện lộ đi qua trụ sở UBND xã Đại Thành.

“Bốt” thu phí đơn giản đến mức... khó tưởng tượng: một đoạn dây thừng một đầu được buộc chắc chắn vào chân chiếc ghế gỗ nhỏ, một đầu thả lỏng, do người thu phí cầm căng ra. Sau khi các phương tiện đã trả tiền phí, người này sẽ thả dây chùng xuống để các xe có thể qua lại.

Ngạc nhiên hơn nữa, khi chúng tôi đi từ bên kia cầu sang, dù đã cố tình dừng lại trên cầu để quan sát xung quanh xem có biển chỉ dẫn hay bảng giá quy định việc thu phí hay không nhưng tuyệt nhiên không thấy. Khi xe máy chúng tôi vừa qua cầu đã gặp ngay một người đàn ông chừng 30 tuổi, tay cầm dây căng lên ngăn cản, miệng liên hồi giục khách nộp tiền qua cầu. Chiếc xe máy của chúng tôi được tính phí 2.000 đồng.

 
Ngang nhiên lập “bốt”, chặn cầu thu phí - 2
Hai đầu cầu tuyệt nhiên không có một tấm biển, bảng quy định nào về việc thu phí các phương tiện khi qua cầu. (Ảnh: Quốc Đô)

Ngang nhiên lập “bốt”, chặn cầu thu phí - 3
"Bốt" thu phí có một không hai.

Tranh thủ vừa nộp tiền vừa hỏi han, được biết người canh “bốt” tên Oai, đã có thâm niên ngồi đây canh cầu, thu tiền 2 năm nay. Anh Oai cho biết, việc thu tiền phương tiện qua cầu đã thành thông lệ ở xã Đại Thành này, anh chỉ thu tiền thôi, ai cần thắc mắc thì lên xã mà hỏi.

Theo lời anh Oai, từ khi cây cầu xi măng bắc qua sông Đáy này hoàn thiện và đi vào sử dụng cách đây khoảng 2 năm, UBND xã Đại Thành đã cho đấu thầu lập “bốt” thu phí. Anh rể của anh Oai là người trong làng đã trúng “gói thầu” thu phí phương tiện qua cầu trong vòng 5 năm với số tiền 360 triệu đồng.

Sau đó, anh Oai là người nhận khoán lại với mức 500.000 đồng một ngày. Theo lời anh Oai thì hầu như tháng nào anh cũng thu vượt khoán, tùy theo ngày nhưng hầu như ngày nào anh cũng thu được số tiền trên dưới 600 ngàn đồng. Theo lịch là cứ 15 ngày anh phải nộp khoán một lần.
 
Theo quan sát của chúng tôi, trừ những người dân địa phương đã quá quen với khâu nộp lệ phí cầu này, còn hầu hết người tham gia giao thông khi bị chặn thu tiền đều tỏ ra hết sức ngạc nhiên và bất bình. Tuy nhiên, để tránh gặp rắc rối và mất thì giờ, hầu hết các chủ phương tiện đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nhanh tay móc ví nộp tiền.

Người dân bất bình. Chính quyền... chờ hỏi ý kiến!

Vừa đánh lái chiếc ô tô qua cầu, anh Thân Văn Minh ở Mỗ Lao - Hà Đông - Hà Nội đã bị “nhân viên thu phí” chặn ngay trước mũi xe, gõ cửa yêu cầu nộp 10.000 đồng. Anh Minh nhất quyết không nộp vì không thấy biển bảng hay vé thu phí theo qui định của Bộ Tài chính. Anh định quay xe lại đi đường khác nhưng vì đường quá hẹp nên đành ngậm ngùi trả tiền trong bức xúc.

Trao đổi với PV Dân trí, anh Minh cho biết: “Tôi từ Hà Đông đến xã Đại Thành tìm mua đất, vừa qua cầu đã bị chặn thu tiền vé trong khi người thu không hề đưa thông báo hay vé theo quy định của nhà nước. Như thế này khác gì kiểu ăn chặn tiền như báo chí từng phản ánh tại các điểm đen mãi lộ”.

 
Ngang nhiên lập “bốt”, chặn cầu thu phí - 4

Ông Trần Hữu Hinh: "Việc giăng dây thu tiền phương tiện qua cầu là sai quy định nhưng vì lý do ngân sách địa phương quá eo hẹp...". (Ảnh: Anh Thế)

Về sự việc trên, ông Trần Hữu Hinh - Chủ tịch UBND xã Đại Thành - cho biết: “Cầu Tình Lam bắc qua sông Đáy được thành phố Hà Nội cấp kinh phí hỗ trợ gần 1 tỷ đồng để xây dựng. Cầu được hoàn thành năm 2009 với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng, trong đó có sử dụng ngân sách xã hơn 200 triệu đồng”.

Ông Hinh khẳng định, việc thu phí phương tiện qua cầu là việc làm tự ý của người thu và một vài người là người nhà của lãnh đạo UBND xã Đại Thành. Việc này đã tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn nhưng UBND xã Đại Thành cũng chưa có báo cáo lên huyện Quốc Oai hay xin phép lên cơ quan các cấp trực thuộc thành phố Hà Nội.

Ngang nhiên lập “bốt”, chặn cầu thu phí - 5

Cứ đứng căng dây thu tiền, mỗi ngày người đàn ông này thu được khoảng 600.000đ. .(Ảnh: Quốc Đô)

Ông Hinh phân trần, tình trạng người đứng “bốt” thu tiền các phương tiện qua cầu tồn tại từ thế hệ lãnh đạo khóa trước. Theo đó, do tình hình ngân sách địa phương khó khăn nên UBND xã đã tạm cho đấu thầu thu phí cầu trong 5 năm. Một hộ dân trong xã trúng thầu và đến nay mới chỉ tiến hành thu phí được 2 năm.

"Trước phản ánh của người dân, chúng tôi sẽ liên hệ với ông Nguyễn Văn Lân là người trong xã đã trúng gói thầu thu phí qua cầu để thanh lý hợp đồng trước thời hạn càng sớm càng tốt" - ông Hinh cam kết.
 
Khi phóng viên hỏi: Việc xây cầu đã được thành phố Hà Nội cấp kinh phí cùng với ngân sách địa phương để giúp nhân dân đi lại thuận tiện; tại sao UBND xã còn cho đấu thầu thu phí phương tiện qua cầu? Số tiền thu được từ việc đấu thầu, UBND xã sử dụng làm gì? Ông Hinh im lặng một lúc rồi cho biết: "Tiền vẫn nằm trong ngân sách xã, chúng tôi chưa sử dụng để làm gì ngoài việc tu bổ cầu và sắp tới báo cáo lên huyện xin ý kiến chỉ đạo" (?!).

Quốc Đô - Anh Thế