1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỷ đồng cho ngư dân

(Dân trí) - Nghỉ giữa giờ phiên họp sáng 2/6 tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bị “vây” bên hành lang hội trường về câu chuyện 10.000 tỷ đồng nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi hỗ trợ ngư dân đóng mới và sửa chữa tàu biển.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Nguồn vốn hỗ trợ ngư dân đã có, có thể giải ngân bất cứ lúc nào.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: "Nguồn vốn hỗ trợ ngư dân đã có, có thể giải ngân bất cứ lúc nào" (Ảnh: Phương Thảo).
 
Quốc hội đang thảo luận về phương án dành 16.000 tỷ đồng cân đối ngân sách TƯ chi cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân. Được biết, Chính phủ cũng sẽ dành ra một gói tín dụng lớn để hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu mới, sửa chữa tàu hiện có. Kế hoạch triển khai gói tín dụng này ra sao, có khả thi hơn những chính sách đã áp dụng thử nghiệm vừa qua tại Quảng Ngãi nhưng ngư dân vẫn chưa mặn mà?

Vấn đề hỗ trợ cho ngư dân để đánh bắt xa bờ, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã có chủ trương dành một nguồn vốn đủ lớn để có thể giúp đỡ cho ngư dân đóng mới, cải hoán tàu hiện có, đảm bảo công suất cao hơn, độ chắc chắn an toàn của tàu lớn hơn để đảm bảo đánh bắt xa bờ, nâng cao năng suất đánh bắt. Mặt khác điều này cũng góp phần thực hiện quyền chủ quyền của đất nước chúng ta trên Biển Đông.

Để thực hiện chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng các ngân hàng thương mại có thể dành ra một nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng.

Thủ tướng cũng có kết luận lãi suất cho vay đến ngư dân từ phía ngân hàng khoảng 5%, ngoài ra Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm 2%. Nghĩa là ngư dân chỉ phải trả 3%, ngoài ra chính quyền địa phương các cấp, từ nguồn ngân sách của mình có thể hỗ trợ thêm cho ngư dân trong tỉnh mình thêm nữa thì sẽ càng tạo điều kiện hơn cho ngư dân.

Tất cả các con tàu đóng mới này đều được bảo hiểm. Chính phủ sẽ hỗ trợ 70% chi phí bảo hiểm cho ngư dân.

Ngoài chủ trương chung như vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu đối với các mô hình có thể quản lý tốt, thì có thể cho ngư dân vay đến 0% lãi suất. Nhưng với điều kiện phải quản lý thật tốt để đảm bảo các tổ chức tín dụng có thể thu hồi được nợ gốc của mình.

Thảo luận về việc này tại phiên họp Chính phủ tháng 5 vừa qua, tập thể Chính phủ đã thống nhất với dự thảo Nghị định về việc này. Tuy nhiên, được biết, đến thời điểm này Nghị định vẫn chưa được ký. Liệu khi nào gói tín dụng hỗ trợ này có thể giải ngân, đến được tay ngư dân?

Hiện Thủ tướng đã chỉ đạo, giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ trì để xây dựng nghị định của Chính phủ về vấn đề này. Trong phiên họp vừa rồi của Chính phủ, dự thảo ban đầu của Nghị định này đã được thảo luận và Chính phủ đã có kết luận, làm sao đẩy nhanh soạn thảo Nghị định này để có một khuôn khổ pháp lý thống nhất. Trên cơ sở đó có thể triển khai trên toàn quốc một cách có hiệu quả chủ trương này.

Chúng tôi hy vọng rằng, với tình hình diễn biến trên Biển Đông hiện nay cũng như với sự nỗ lực của các Bộ, ngành thì nghị định này sẽ sớm ra đời để có thể trực tiếp giải ngân được đến ngư dân.

Còn về mặt tiền tệ, chúng tôi khẳng định rằng nguồn vốn đó đã sẵn sàng và có thể giải ngân bất cứ lúc nào khi có đầy đủ cơ sơ pháp lý của Chính phủ.

Với những vụ việc tàu cá Việt Nam liên tiếp bị tàu Trung Quốc chủ động đâm va gây hư hỏng, thậm chí là chìm tàu như vừa qua, ngân hàng đánh giá mức độ rủi ro thế nào đối với việc cho vay đầu tư đóng mới, sửa chữa tàu cá? Hướng giải quyết cho vấn đề này?

Bình thường tất cả các con tàu ra khơi đều được bảo hiểm thì coi như tai nạn trên biển là bất khả kháng, như vậy sẽ được đền bù. Do vậy chính sách bảo hiểm là một chính sách hết sức quan trọng trong thời gian tới để giữa ngân hàng và ngư dân có thêm cơ sở để xử lý rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Xin cảm ơn Thống đốc!

P.Thảo (ghi)