1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngã rẽ nào cho những cảnh đời… “rong”?

(Dân trí) - Mới đây, một số cơ quan của Hà Nội đã bàn và thống nhất việc cấm bán hàng rong trên phố, trừ các ngõ phố không tên. Hàng chục ngàn người lao động nghèo khổ đang đứng trước “thử thách” rất lớn, nếu lệnh cấm chỉ được cụ thể “đơn thuần” bằng một quyết định.

Những người “rong” vẫn đang đầu tắt mặt tối với công việc thường ngày của mình và đề xuất về việc cấm bán rong với nhiều người như là một điều gì đó… chưa từng được nghe.

“Liêu xiêu” một gánh bún

Cả cái quán bún riêu của chị Quýnh (phố Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, Đống Đa) quây gọn trong đôi quang gánh. Gánh bún riêu đều đặn mỗi sáng ngồi ghé quán cà phê số 92 Văn Miếu đã gần 2 năm nay.

Ngã rẽ nào cho những cảnh đời… “rong”? - 1
Gánh bún riêu là nguồn sống của 4 mẹ con chị Quýnh.

Gánh bún là nơi bám trụ cuộc sống của 4 mẹ con chị Quýnh. Bà chủ hàng thành thực, ngày cũng lãi được 40.000-50.000đ. Khoản tiền sinh hoạt của cả gia đình ấy tính từ 3-4 giờ sáng lụi cụi giã, lọc cua, ninh nước dùng, thái
rau, rán đậu.
 
Chỉ có cô con gái lớn học lớp 11 sáng sáng giúp chị gánh dọn hàng từ con ngõ sâu hún hút khu chợ Ngô Sĩ Liên ra đường trước khi đến trường. Quãng thời gian một mình thực hiện “trách nhiệm phụ huynh” gần như sẽ dài mãi vì còn hai đứa nhỏ, một mới học lớp 6, một lớp 9.

Ngoài yến bún bán vài tiếng đồng hồ mỗi sáng, chị Quýnh cũng có một nguồn thu khác từ việc rửa bát thuê buổi chiều nhưng mọi thứ giá cả đều tăng, chỉ có giá công lao động vẫn rẻ như bèo, cố cả tháng mới thêm được 400.000đ. Cuộc sống của 4 mẹ con chẳng lấy gì làm dư dật.

Bà chủ bún riêu góc đường tỏ vẻ rất bất ngờ khi nghe nói đến đề xuất “dẹp” nghề hàng rong mà gánh bún của chị thuộc diện đó. Chị ngơ ngác: “Chết dở. Không cho bán hàng nữa thì biết làm gì, xoay gì để nuôi cả nhà?”.

Trước khi mở hàng bún, chị có góp sức làm một hàng cơm trên phố Quốc Tử Giám nhưng hơn 1 năm trước, hàng cơm phải dẹp vì chủ nhà lấy lại địa điểm.

Chị Quýnh cười buồn, vẻ chấp nhận: “Cùng bất đắc dĩ mới phải ra đường ngồi. Nhưng nếu nhà nước cứ áp quy định xuống thì đành chấp nhận dù đời sống không biết sẽ còn khó, còn khổ đến mức nào”.

Bỏ hàng rong, “bịt” đường… học?

Gánh cháo sườn “hàng xóm” với chị Quýnh xem chừng còn… tâm trạng hơn với tin tẩy chay hàng rong. Ngồi bán cháo là một bà cụ móm mém, tuổi đã ngoài 70. Một mình với gánh cháo rong chiếm một góc rất nhỏ ở nách cửa một hiệu thuốc mỗi sáng, bà Quy (xóm 5 - Ngô Tất Tố) đã bám trụ vỉa hè gần chục năm nay để nuôi các cháu.

Ngã rẽ nào cho những cảnh đời… “rong”? - 2
Hơn 70, bà Quy vẫn phải bám vào gánh cháo sườn để nuôi 2 cháu.

Bà cụ vội vã phân trần, chỉ ngồi bán chút xíu giờ mọi người đi ăn sáng, cố kiếm 20.000-30.000đ mỗi ngày. Vài năm trước mạnh chân khỏe tay cụ còn bán được nhiều, nhưng mỗi năm thêm già yếu, lượng cháo nấu bán ngày càng rút đi.

Bà Quý cố lảng không nói lý do vì sao đã ngoài 70 mà vẫn phải gánh cháo đi bán để nuôi cháu. Chị bún riêu thì rỉ tai, cả trai và con dâu bà cụ đã bị bắt, thụ án mấy năm nay vì buôn bán phi pháp. Hai đứa cháu một 13, một 16 tuổi đang đi học đành phó mặc bà cụ chìa vai ra gánh đã gần chục năm.

Gánh cháo góc hè có lẽ là lựa chọn duy nhất đối với bà để có thể kiếm đồng ra đồng vào nuôi hai đứa cháu. Dù nhà ngay gần chợ nhưng bà Quý cũng không thể “mua” được một chỗ ngồi ở đó, lại còn đủ các khoản thuế hàng tháng, hàng kỳ. Bà cụ phân trần, nếu không vì hoàn cảnh, bà cũng đâu muốn cuối đời rồi còn phải khổ. Ngoài gánh cháo nấu sáng, tuổi bà như thế, muốn đi làm ôsin cũng không ai dám thuê.

Giọng gần như chua xót, bà Quý “bác” lại, nếu không bán cháo, không biết làm gì để lo đời sống của 3 bà cháu, bọn trẻ có lẽ lại… bế tắc. Có thể xã hội sẽ lo được cho bà vài ba năm cuối đời nhưng còn hệ lụy kéo theo 2 “cái tàu há mồm” nữa, các cháu sẽ biết bấu víu vào đâu.

Bà cụ già hấp háy đôi mắt nhoèn nhoèn nước: “Có muốn đề ra quy định gì thì cũng xin suy đi tính lại vì nhiều người dân mình giờ hãy còn nghèo lắm”.

Khắp các con ngõ, góc đường Hà Nội, đâu cũng gặp những cảnh đời thúng mủng, quang gánh bán rong. Rất nhiều, rất nhiều các bà, các chị ở nông thôn, tỉnh xa buộc phải chấp nhận cuộc sống xa nhà, lên Hà Nội buôn thúng bán bưng vì làm ruộng không đủ sống.

 
Ngã rẽ nào cho những cảnh đời… “rong”? - 3
Vừa bán rong, họ vừa là khách... bình dân của nhau.

Chị Đào Thị Hạnh (31 tuổi, quê Dốc Lã, Hưng Yên) vào nghề bán bún đậu rong đã được vài năm. Chị em cùng làng, cùng xóm mách bảo, dắt díu nhau lên Hà Nội, cùng thuê nhà, “khai nghiệp”, rong ruổi khắp các đường phố để kiếm dăm ba chục nghìn mỗi ngày gửi về nuôi con. Số tiền chắt bóp, bòn nhặt được từ nghiệp buôn thúng bán bưng nơi thành thị thật khó, thật cực nhưng còn đủ lo cho bọn trẻ ăn học. Nếu chỉ ở nhà bám vào mảnh ruộng nghèo thì con cái chỉ có đường… thất học.

Hầu hết những người được hỏi chỉ biết cười buồn, nhiều người còn ngơ ngác khi nghe nói về đề xuất “xóa sổ” hàng rong của thành phố. “Nếu cấm hàng thì chúng tôi chết dở, cả gia đình chẳng biết trông gì để sống. Mà công việc này, tôi nghĩ đều là làm ăn lương thiện cả, chẳng hại đến ai, nhà nước sẽ còn đau đầu hơn nhiều với những việc làm ăn phi pháp” - chị Nguyễn Thị Phượng (Lục Nam, Bắc Giang) bán hoa rong mạnh dạn nêu ý kiến.

Kim Tân - Thái Anh