1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

“Nếu có thêm nữ, đội hình Chính phủ sẽ đẹp hơn”

(Dân trí) - “Trong Chính phủ có 28 người thì chỉ có mình tôi là nữ. Tôi thấy đội hình như thế chưa được đẹp lắm và tôi ước gì có 3 hay 5 nữ thì tốt hơn” - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân tâm sự với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội.

Sẽ học ở cấp dưới 

 

Bà đã từng làm Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bí thư tỉnh uỷ, Thứ trưởng bộ Thương mại, nay sang làm Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Cảm giác của bà khi đến với một lĩnh vực tương đối mới?

 

Mấy năm nay, tôi được chuyển qua mấy đơn vị công tác và đó là điều vừa lo vừa mừng. Mừng vì mình được kinh qua nhiều việc khác nhau vừa kinh tế vừa xã hội. Thực tiễn của nhiều năm công tác có thể giúp cho mình có cái nhìn mới, giúp cho công việc mới tốt hơn.

 

Đang làm về mảng kinh tế, nay chuyển sang làm mảng xã hội, bà thấy thế nào?

 

Tất nhiên là tôi được đào tạo và đã có ít nhất mấy mươi năm làm ở lĩnh vực kinh tế tài chính ngân sách và có hơn ba năm làm Bí thư tỉnh uỷ. Từ tất cả những gì đã làm, tôi cho rằng khi nhiệm vụ ở lĩnh vực mới này không quá khó khăn.

 

Khi làm ở Bộ Tài chính, Thương mại hay Bí thư tỉnh uỷ, tất cả những vấn đề, những chủ trương chính sách, đường lối của Đảng, bao giờ kinh tế cũng đi liền với xã hội; mục đích của chúng ta là tăng trưởng kinh tế phải tạo ra một công bằng xã hội. Bất cứ một chính sách nào đều nhằm phục vụ cho nhân dân và đa số nhân dân đều thuộc đối tượng Bộ LĐ-TB&XH quản lý.

 

Còn nhớ trước đây tôi làm ngân sách, đã nhiều lần tham gia nghiên cứu chính sách cho các đối tượng thuộc bộ LĐ-TB&XH. Thêm nữa, những năm ở tầm vĩ mô làm chính sách giúp mình có thêm kinh nghiệm khi về địa phương lãnh đạo.

 

Còn khó khăn thưa bà?

 

Tất nhiêm một khó khăn không tránh khỏi là người mới, việc cũng mới, môi trường công tác mới,... Chắc chắn tôi phải học hỏi nhiều từ những người đi trước, đặc biệt là bộ máy mà tôi sẽ cộng tác. Tôi sẽ học ngay từ cấp dưới của mình, những người giúp việc cho mình để tạo ra sự đồng thuận cao, đoàn kết nhất trí từ nghiên cứu ban hành chính sách cho tới chỉ đạo điều hành, quản lý thực hiện chính sách đó.

 

Từ thực tế ở địa phương, bà cảm thấy lĩnh vực nào của Bộ cần quan tâm nhất hiện nay?

 

Tôi thấy chính sách với thương binh liệt sĩ, người có công và vấn đề việc làm cần được quan tâm. Dân số Việt Nam rất trẻ mà việc thiếu việc làm, đặc biệt ở nông thôn, là một vấn đề nhân dân đòi hỏi. Phải đào tạo ra những lao động kỹ thuật có thể làm đúng sức mình ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trong nước hoặc ở nước ngoài. Đó là trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH.

 

Chuyển sang vấn đề đã được nói rất nhiều là lương. Với thực tế giá cả hiện nay, mức lương của công chức, người làm công là rất thấp, thưa bà?

 

Chúng ta đều biết điều đó. Nhưng muốn tăng lương, muốn nâng mức thu nhập lên thì phải phù hợp với túi tiền của chúng ta, với trình độ phát triển và ngân sách. Chúng ta không thể đi vay nợ để trả lương. Vấn đề là chúng ta quản lý ngân sách như thế nào để có nguồn thu vào và có cơ sở để trả lương cao. Vì thế đề án tiền lương phải có bước đi...

 

Tuy nhiên, người ta cũng nói, trong quản lý của mình còn nhiều sơ hở thất thoát, chưa chặt chẽ, nếu quản lý tốt hơn thì chúng ta có thể tăng lương. Điều đó về mặt lý thuyết là đúng và hôm nay chúng ta (Quốc hội - PV) đang thảo luận làm thế nào quản lý ngân sách tốt hơn, kinh tế phát triển tốt hơn, để có nguồn trả lương cho người lao động.

 

Cố gắng lắng nghe

 

Bà có thể nói gì khi trong 28 thành viên của Chính phủ chỉ có một mình bà là người của phái đẹp?

 

"Chắc chắn người tiền nhiệm và tôi sẽ có một cuộc bàn giao trao đổi kỹ và những điều tâm niệm, bức xúc của người tiền nhiệm sẽ chuyển lửa vào tôi để tôi cố gắng tiếp tục những công việc mà chị đang làm, đang tâm huyết mà không còn thời gian để làm nữa".

Điều đó là rất đáng buồn. Chính phủ khoá này ít hơn khoá trước hai nữ. Hôm qua tôi có nói vui: Mình được giao trách nhiệm là vinh dự cho bản thân, nhưng buồn vì mình... lẻ loi. Trong Chính phủ có 28 người thì chỉ có mình tôi là nữ. Tôi thấy đội hình như thế chưa được đẹp lắm và tôi ước gì, trong 28 thành viên Chính phủ có 3 hay 5 nữ thì tốt hơn. Nói cách khác, có thêm nữ thì đội hình sẽ đẹp hơn. Nhưng tôi cũng cho là đã có sự lựa chọn, cân nhắc giữa trình độ, độ tuổi, cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực cộng với năng lực của cán bộ nữa.

 

Nguyên tắc trong xử lý công việc và cuộc sống của bà?

 

Tôi có nguyên tắc là cố gắng lắng nghe nhiều ý kiến, kể cả ý kiến khác, ý kiến mới để nghiên cứu và đưa ra một quyết định hợp lý nhất; quyết định đó nếu có sự đồng thuận của đa số thì rất tốt. Nếu suy nghĩ của mình là đúng, mình nên thuyết phục tất cả các đồng sự khác nghe theo và phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Tôi nghĩ chỉ như thế mới làm được việc.

 

Trong trường hợp có nhiều ý kiến đáng quan tâm nhưng khác với suy nghĩ của mình hoặc mình chưa nghĩ ra thì nên ghi nhận tiếp thu để học hỏi.

 

Bà thấy trách nhiệm xã hội của mình thế nào khi đảm nhận cương vị mới?

 

Lớn lắm! Thậm chí tôi cảm thấy trách nhiệm của tôi còn nặng nề hơn những lĩnh vực tôi đã từng kinh qua, vì đối tượng của mình rất lớn. Hàng ngày nghe đài, xem báo chúng ta thấy có nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ LĐ-TB&XH.

 

Nhưng có một điều, đang làm kinh tế chuyển sang làm xã hội, tôi thấy cái tâm mình rất thanh thản. Tôi nghĩ mình phải cố gắng làm sao cho xã hội tốt hơn, những đối tượng mình quản lý tốt hơn.

 

Xin cảm ơn bà!

 

Cấn Cường (ghi)