1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nên đóng cửa những trạm thu phí nào?

Từ ngày 1.1, TPHCM áp dụng thu phí Quỹ Bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện song song với việc thu phí ở các trạm hiện hữu. Điều này khiến dư luận cho rằng xảy ra tình trạng “phí chồng phí”.

Do vậy, UBND TP vừa  chỉ đạo rà soát, sắp xếp lại các trạm thu phí, trong đó cũng xem xét phương án đóng cửa.

 

Rà soát, sắp xếp lại các trạm thu phí

 

Hiện có đến 6 trạm thu phí nằm ở các cửa ngõ ra vào TP đang thu phí và một trạm thu phí đã xây dựng xong dự kiến hoạt động trong thời gian tới. Trước thực trạng này, UBND TP vừa chỉ đạo rà soát sắp xếp lại các trạm thu phí giao thông trên địa bàn. Theo đó, trạm thu phí trên đại lộ Nguyễn Văn Linh (Cty liên doanh Phú Mỹ Hưng quản lý), TP yêu cầu rà soát kỹ nội dung hợp đồng đã ký kết, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp.
Trạm thu phí cầu Phú Mỹ nên xem xét dừng thu phí
Trạm thu phí cầu Phú Mỹ nên xem xét dừng thu phí
 

 Với trạm thu phí đường hầm sông Sài Gòn, chi phí cho bộ máy quản lý, duy tu sửa chữa sau này sẽ do Quỹ Bảo trì đường bộ TP đảm nhận. Tuy nhiên, UBND TP cho rằng, việc xem xét trạm thu này còn phải dựa trên cơ sở pháp lý của hiệp định đã ký, chỉ đạo của Thủ tướng, quy hoạch hệ thống các trạm thu phí...

 

Các trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội, đường Kinh Dương Vương, cầu Bình Triệu II (do Cty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP - CII - quản lý) cũng được yêu cầu rà soát lại hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí, hợp đồng đầu tư.

 

Ít nhất 3 trạm có thể xem xét dừng thu

 

Hiện các cơ quan tham mưu cho TP đang nghiên cứu, rà soát và chưa đề xuất giải pháp xử lý cụ thể đối với các trạm thu phí. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV cũng như phân tích của chuyên gia thì có ít nhất 3 trạm thu phí nên xem xét đóng cửa.

 

Thạc sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông từng làm việc tại Sở GTVT) cho rằng, trước mắt TP có thể xem xét việc dừng thu phí giao thông đối với trạm thu phí đường Kinh Dương Vương. Bởi năm 2002, TP chuyển nhượng quyền thu phí hoàn vốn đường Điện Biên Phủ (trạm thu phí Xa lộ Hà Nội) và đường Kinh Dương Vương trị giá 1.000 tỉ đồng cho CII.

 

Theo tính toán trong năm 2013, CII có thể thu phí hoàn vốn cho khoản chuyển nhượng này, vì vậy có thể nhân đó TP xem xét chấm dứt thu phí đường Kinh Dương Vương. Riêng trạm thu phí Xa lộ Hà Nội, vừa qua CII ký hợp đồng ứng cho TP 1.000 tỉ đồng để xây cầu Rạch Chiếc mới và hợp đồng đầu tư BOT mở rộng xa lộ Hà Nội (hơn 2.000 tỉ đồng) nên khó có thể dừng trạm này.

 

Một trạm thu phí khác, TP cũng cần tính toán đến việc dừng thu phí là trạm trên đường Nguyễn Văn Linh. Theo tìm hiểu của PV, chủ yếu trạm này thu phí phục vụ mục đích duy tu, bảo dưỡng tuyến đường Nguyễn Văn Linh do Cty liên doanh Phú Mỹ Hưng đầu tư xây dựng. Thật ra, trước đây từng có đề xuất bỏ trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh, song điều khiến TP đắn đo lúc bấy giờ là nếu bãi bỏ trạm thì ngân sách phải chịu một khoản tiền để duy tu, bảo dưỡng hằng năm thay cho nhà đầu tư.

 

Tuy nhiên, kể từ 1.1.2013, khi Nhà nước áp dụng thu phí Quỹ Bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện, nếu đóng cửa trạm thu phí này, TP vẫn có thể sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ để duy tu, sửa chữa tuyến đường như mục tiêu đặt ra của việc hình thành quỹ.

 

Bên cạnh đó, việc không hiệu quả của trạm thu phí BOT cầu Phú Mỹ thời gian qua cũng nên xem xét đóng cửa. Thu phí từ 1.4.2010, nhưng doanh thu khá thấp không đủ để trả nợ, lãi vay đầu tư nên vừa qua chủ đầu tư xin trả lại cầu Phú Mỹ cho TP.

 

Theo thạc sĩ Phạm Sanh (từng là thành viên tổ điều hành xây dựng cầu Phú Mỹ), vốn đầu tư của dự án chủ yếu được vay từ NH nước ngoài. Thời gian qua, khi chủ đầu tư không đảm bảo khoản thu phí để trả nợ, lãi vay thì TP đã phải ứng tiền cho chủ đầu tư trả nợ. Vì vậy, nhân câu chuyện nhà đầu tư xin trả lại cầu, TP nên tính toán mua lại dự án và dừng việc thu phí, bởi nếu tiếp tục kéo dài thì TP lại rơi vào tình thế gánh nợ thay cho nhà đầu tư.

 

Theo Trần Phan

Lao Động