1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ninh Thuận:

Nắng như "phang", đất "nứt toác", nước cạn khô... nông dân gồng mình chống hạn!

(Dân trí) - Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, tính đến nay, mực nước tích ở 20 hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh đã giảm thêm 3 triệu m3 so với tuần trước. "Cơn khát" ở Ninh Thuận đã bước vào "đỉnh điểm", dù mùa khô chỉ mới bắt đầu.

Ninh Thuận: Cơn "khát" bắt đầu!

"Khát nước" khiến những cánh đồng trở nên khô "rong róc"!

Báo cáo tình hình hạn hán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết: Tính đến hiện nay, tình hình hạn hán đang tiếp tục diễn ra, mực nước tích ở 20 hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh đã giảm 3 triệu m3 so với tuần trước. Tổng mực nước hiện chỉ còn 61,45 triệu m3, đạt 32% dung tích thiết kế.

Những cánh đồng khô rong róc còn in hằn vết cày của mùa khô năm trước
Những cánh đồng khô rong róc còn in hằn vết cày của mùa khô năm trước

Chạy dọc các tuyến đường vùng nông thôn Ninh Thuận, người ta dễ dàng nhìn thấy những cánh đồng khô rong róc còn in hằn vết cày của mùa khô năm trước. Đã lâu lắm không có mưa, thậm chí những lũ tiểu mãn còn chưa được tích tụ. Hàng loạt các hồ nước nhỏ dưới 1 triệu m3 nước trong tỉnh đã khô kiệt đáy

Có mặt tại hồ Tân Giang, một trong những hồ chứa nước lớn thuộc huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Chúng tôi ghi nhận tình hình thực tế mức nước ở hồ chứa nước này hiện chỉ gần 1/2 so với dung tích của hồ là 13 triệu m3 nước.

Theo chia sẻ từ nhân viên ban quản lý hồ cho biết: "Hiện chúng tôi chỉ mở khoảng 2 cm để nước về giúp cho người dân trồng đậu và bắp. Trong khi nước vẫn không đủ để giúp cho người dân có thể canh tác lúa. Trước nửa tháng nay, mức nước là 8 triệu m3 thì hiện tại chỉ còn gần 6 triệu m3 nước."

Hồ chứa nước lớn nhất Ninh Thuận giờ chỉ còn chưa đầy 30% dung tích chứa nước
Hồ chứa nước lớn nhất Ninh Thuận giờ chỉ còn chưa đầy 30% dung tích chứa nước

Tiếp tục chúng tôi di chuyển đến hồ Sông Sắt, một hồ chứa nước có dung tích chứa nước lớn nhất tỉnh Ninh Thuận với dung tích hơn 69 triệu m3. Tại đây, mức nước hiện đã giảm đi rất nhiều chỉ vào khoảng dưới 30% dung tích của hồ.

Nước hồ Sông Sắt đang giảm nhanh và tiến về lòng hồ
Nước hồ Sông Sắt đang giảm nhanh và tiến về lòng hồ

Đứng ngay chân đập, chị Pi Năng Thi Đêm (ngụ huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) chỉ tay về phía giữa thành đập và nói: "Mới đây nước hồ còn ở chỗ đó giờ thì xuống tới đây rồi thì nước đâu mà làm ruộng, đi làm bậy bạ để ăn qua ngày. Những mùa trước mình còn làm ruộng, năm nay không có nước, mình để ruộng hoang thôi, câu mấy con cá để có đồ ăn qua bữa. Đợi có mưa, có nước thì mới có cái để làm ruộng. Giờ chỉ biết trông chờ vào những con cá, con tép..."

Trong khi chị nói, đứa con gái nhỏ của chị đã giật được 2 con chú cá rô con, đây sẽ là nguồn dinh dưỡng để cải thiện bữa ăn và đảm bảo sức khoẻ cho họ để chống chọi với mùa hạn kỷ lục được dự báo sẽ diễn ra vào tháng 3 tới đây.

Nỗ lực chuyển đổi để tồn tại

Cũng theo báo cáo mới nhất của Sở NN&PT Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, hiện nay hoạt động sản xuất vụ Đông - xuân 2015, 2016 đang diễn ra đúng theo kế hoạch, tính đến nay toàn tỉnh đã chuyển đổi được 760ha/1.031ha cây trồng cạn; trong đó, cây đậu xanh 525ha, cây bắp 92ha, cỏ chăn nuôi 102ha, dưa hấu 7ha.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất vẫn đang xảy ra, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Ninh Thuận: Chuyển đổi cây trồng để tồn tại

Cách hồ Tân Giang không xa, ngay trên mảnh ruộng của ông Nguyễn Ngọc Hùng (thôn La Chữ, xã Phước Hữu, huyện Thuận Nam), cả gia đình ông đang gồng mình dưới cái nắng như lửa đốt giữa trưa nắng để bổ những nhát cuốc vào lớp đất khô quánh, lên luống cho ngày xuống giống bắp sắp tới.

Ông bảo, từ mùa trước đến nay không có mưa vì thế khi được nhà nước hỗ trợ giống bắp và đậu xanh, ông đã chuyển đổi cây trồng sống sót qua mùa hạn mà theo ông là rất lớn sắp tới. Trong cái gió phằng phặt, ông bảo: "Gió như thế này thì đậu xanh cũng khó hi vọng gì, chỉ trông chờ vào đám đất này có thể là nguồn thu chính cho gia đình cho mùa vụ thu sắp tới."

Người dân đang gồng mình để chống chọi hạn hán. Việc chuyển đổi cây trồng sẽ giúp họ duy trì cuộc sống của họ
Người dân đang gồng mình để chống chọi hạn hán. Việc chuyển đổi cây trồng sẽ giúp họ duy trì cuộc sống của họ

Tuy nhiên, để có nước cho đám bắp, ông chỉ tay về phía lùm cây cách nơi đang đứng 300 mét và nói: "Đó là nơi đặt giếng bơm của tôi và thằng em, khoan rất nhiều lần mới tìm được một nơi có nước như thế. Nước chạy được cho vùng đất hơn một mẫu, thật may giá dầu năm nay đã giảm hơn một nửa so với năm ngoái để chạy máy bơm chứ không giá như năm ngoái chỉ biết đứng khóc."

Cách đám ruộng của ông Hùng khoảng 500 mét phía bên kia con đường đất, một nhóm nhóm nông dân đang gồng hết mình để dò tìm mạch nước để giải khát cho những mẫu đất trồng dưa hấu gần đây.

Nhóm nông dân đang đưa tìm mạch nước để tưới cho đám dưa hấu đang khát nước
Nhóm nông dân đang đưa tìm mạch nước để tưới cho đám dưa hấu đang "khát" nước

Ông Trương Văn Thọ, chủ của đám dưa hấu đang "khát" nước cho biết: những mùa này chuyển đổi sang trồng cây dưa hấu để duỳ trì cho cuộc sống thay vì chờ đợi để ruộng bỏ hoang. Mặc dù vậy, đã khoan đến lỗ thứ 3 rồi mà chưa tìm được mạch nước. Nếu khoan tiếp mà không được thì đành phải sử dụng tiếp những giọt nước cuối cùng trong giếng khoan cũ... chứ nhiều vùng trên tỉnh này khoan mãi cũng đâu có nước".

Cây trồng cạn được xem là cứu tinh của những vùng đất thiếu nước, "Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa", vì thế việc canh tác dưa hấu hay đậu xanh vào những thời điểm như thế này sẽ là cách sử dụng hệ thống nước ngầm hợp lý. Tất nhiên, câu chuyện về nguồn nước đủ để bảo cho phát triển nông nghiệp là một bài toán khó cho toàn huyện cao nhất Ninh Thuận như Bác Ái với phần lớn là người đồng bào Raglay. Một trong những dự án hồ nông nghiệp Tân Mỹ, được xem là một trong những hồ nông nghiệp lớn nhất nước đang trong quá trình hoàn thành là những bước đi của việc phát triển nông nghiệp bền vững này.

Là một địa phương đã quá thấm thía với những thiệt hại mà hạn hán đem lại, nông dân Ninh Thuận đã chủ động rất nhiều trong việc hạn chế những thiệt hại này từ chuyển đổi cây trồng đến việc dự trữ thức ăn cho gia súc, đó cũng là một bước tiến có thể hi vọng đợt hạn lớn sắp tới sẽ không gây ra những thảm cảnh như đợt hạn cách đây 11 năm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát vừa đưa ra nhận định: Nếu như năm 2015 được xem là năm nắng nóng gay gắt nhất trong vòng 60 năm qua ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, khiến đời sống sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn thì ngay trong đầu năm 2016, tình hình hạn hán ở khu vực này còn được nhận định sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, thậm chí khốc liệt hơn cả năm ngoái. Hạn hán và xâm nhập mặn năm nay sẽ lên mức kỷ lục và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân. (Theo tintuc.vn)

Quốc Phan - Nam Thụ

Nắng như "phang", đất "nứt toác", nước cạn khô... nông dân gồng mình chống hạn! - 6