1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nậm Giải gượng mình sau lũ dữ

(Dân trí) - Chúng tôi trở lại Nậm Giải sau trận lũ kinh hoàng hôm 5/10, thấy quang cảnh vẫn nhuốm cảnh đau thương, hoang tàn của vùng “rốn lũ”; xóm làng tiêu điều, xác xơ; bà con Nậm Giải đang gượng dậy với bao khó khăn chồng chất.

Nậm Giải đau thương

 

Trận lũ quét kinh hoàng ngày 5/10 đã cướp đi 13 sinh mạng của dân bản Pục, bản Méo. Những ngày sau đó ở Nậm Giải là những trận mưa như trút, là tiếng gào thét của dòng sông chảy cuồn cuộn. Sau hơn 20 chục ngày, dòng Nậm Giải vẫn chảy xiết, như muốn đe dọa mọi người muốn qua sông.

 

Hành trình trở lại vùng “rốn lũ”, đường vào Nậm Giải đầy rẫy những ổ gà, ổ voi, cây cối nằm ngỗn ngang chắn đường; nhiều đoạn đường vẫn in hằn vết “lở loét”, nhão nhoét bùn lầy. Đường vào Nậm Giải chỉ khoảng 30km nhưng có đến gần 30 điểm sạt lở ngáng đường.

 

Nậm Giải gượng mình sau lũ dữ - 1

Có hàng chục điểm sạt lở trên đường khiến việc giao

thông đi lại ở Nậm Giải rất khó khăn.

 

Có mặt tại xã Nậm Giải, trước mắt chúng tôi là những ngôi trường, UBND xã, nhà dân… đổ nát, xác xơ, tiêu điều, ngổn ngang,… Bà con vẫn bị ám ảnh bởi sự ra đi của 13 người dân xấu số.

 

Không khí lo lắng, đau thương bao trùm khắp các bản làng nơi đây. Mọi ngõ ngách bùn đất đục ngầu; tất cả cây cối, hoa màu, vườn tược đều đã bị lũ cuốn theo sông về với biển. Và trên tất cả là sự mất mát người thân, nỗi đau chia ly vẫn chưa thể nguôi ngoai. Đâu đó vẫn vang lên tiếng hờn khóc, những gương mặt thất thần thảng thốt.

 

Ông Ngân Văn Miếu (bản Méo) vô hồn nhìn về phía dòng sông, như chưa thể tin vào những gì đã trải qua. Trận lũ kinh hoàng đã cướp đi của ông 6 người thân: 3 con trai, 2 cháu ngoại và 1 cháu nội. Gặm nhấm nỗi đau quá lớn, mắt ông ầng ậc nước: “Nỗi đau này trời xanh có thấu hiểu!”.

 

Nậm Giải gượng mình sau lũ dữ - 2

Cầu Tràn bản Mờ là điểm "đen" trên cung đường vào Nậm Giải.

 

Bản Pục cũng không thiếu những cảnh buồn thương. Gia đình ông Lô Văn Lâm và bà Lô Thị Tâm, cả hai cùng tử nạn trong trận lũ quét. Hay trường hợp của 2 em Lô Văn Sơn và Lô Thị Minh, phút chốc mất cả cha lẫn mẹ. Ông nội của 2 em là thương binh hạng 2/4, bà nội già yếu không còn khả năng lao động. Tương lai các em cũng mịt mờ như dòng nước lũ ngoài kia.

 

Ông Ngân Văn Tình - Bí thư xã Nậm Giải - phờ phạc sau nhiều đêm thức trắng “chiến đấu” với dòng lũ, giọng khàn đục: “Bản Pục và bản Méo gần 120 hộ với gần 600 nhân khẩu đang đối diện với cái đói, vì toàn bộ diện tích lúa của 2 bản đều bị xóa sạch. Lũ đến bất ngờ quá! Hoa màu, cây cối, vườn tược, nhà cửa đều bị lũ cuốn trôi. Cuộc sống của dân bản bao năm qua vẫn dựa vào chòi nương, ruộng rẫy, giờ trên những thửa ruộng đã bị cát vùi gần hết. Dân đã nghèo, giờ lại càng thêm túng quẫn”.

 

Nậm Giải “đói” chữ

 

Sau lũ, nhiều trường học hoang tàn, bàn ghế ngổn ngang nằm cùng bùn rác; sân trường như vừa qua một trận oanh tạc thời chiến. Trường mầm non, cấp 1, cấp 2 Nậm Giải được xây dựng kiên cố nhưng nhiều phòng học vẫn bị cuốn theo dòng nước. Hầu hết sách vở, thiết bị dạy học và đồ dùng, tài sản cá nhân của giáo viên, học sinh ở trường nội trú đã bị cuốn sạch.

 

Nậm Giải gượng mình sau lũ dữ - 3

Trường học tan hoang sau lũ dữ.

 

Nậm Giải những ngày này, các nẻo đường từ bản làng đến trường đều nham nhở, đường đến trường phải lội qua con suối mà cơn lũ vừa tạo ra, học sinh phải vịn nhau thành “dây người” để vượt qua, nguy hiểm rình rập từng bước chân.

 

Nhưng vượt lên tất cả, không khí khôi phục lại trường lớp diễn ra hối hả. Từ trường mẫu giáo đến trường tiểu học, THCS, THPT, thầy cô cùng phụ huynh, các học sinh bì bõm trong bùn, cứu bàn ghế, sách vở, dọn dẹp trường lớp; mong các em sớm được đến trường.

 

Mặc dầu khẩn trương khắc phục hậu quả sau lũ nhưng chỉ mới 80% các em học sinh được đến trường; việc dạy và học cũng còn nhiều khó khăn. Các thầy cô cho biết đã đi đến từng gia đình vận động cho các em đến trường nhưng vì dân bản còn đang buồn đau vì mất người, mất, bố mẹ lo ăn còn chưa đủ, nhiều em vì thế bị “cắt suất” đi học.

 

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

 

Bão lũ đi qua, nỗi lo lớn nhất của người dân Nậm Giải là bệnh tật và đói rét. Huyện Quế Phong đã cử các lực lượng xung kích xuống địa bàn Nậm Giải giúp bà con khắc phục sự cố giao thông, dựng lại nhà cửa, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, công tác cứu trợ cho bà con vùng lũ hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi Nậm Giải có địa hình tương đối phức tạp, giao thông đi lại cách trở.

 

Nậm Giải gượng mình sau lũ dữ - 4

 Gần 100% lúa ở hai bản Pục và Méo bị cát vùi sâu từ 0,5-1m nhưng chưa có cách nào để khắc phục. 

 

Hiện, các yếu phẩm cứu trợ vẫn chưa đến được với một số hộ gia đình ở bản Pục, bản Méo. Bà con vùng lũ nhiều gia đình vẫn đang phải chịu cảnh đói và rét. Vấn đề đáng lo nữa là nhiều người dân ở đây đang có triệu chứng ốm “dây chuyền”. Sau cơn lũ, môi trường ô nhiễm, phát sinh các bệnh lây lan qua đường tiêu hoá, bệnh da liễu và bệnh lây nhiễm do côn trùng.

 

Trong mấy ngày vừa qua, cán bộ đã khẩn trương tiến hành khử trùng các giếng nước bị ô nhiễm ở 6 xã bị ảnh hưởng của lũ là Nậm Giải, Châu Kim, Mường Nọc, Quế Sơn, Tiền Phong, Hạnh Dịch. Ngoài ra, các xã cũng cập nhật tình hình và lên kế hoạch dự trù thuốc phòng chữa bệnh cho dân.

 

Ông Lê Phi Hùng, Trưởng phòng y tế huyện Quế Phong cho biết: “Nguy cơ bùng phát dịch sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên hiện ở Nậm Giải dịch bệnh vẫn chưa có vấn đề gì”. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện đã có 40 người dân Nậm Giải bị ốm sau lũ.

 

Nguyễn Duy - Nguyên Nghĩa