Bắc Giang:

“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm

(Dân trí) - Tọa lạc trên khuôn đất thiêng nhìn ra ngã ba Phượng Nhỡn, nơi hội tụ giữa sông Thương và sông Lục Nam, tựa lưng vào dãy núi Cô Tiên, trong suốt nhiều thế kỷ, chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang là tiền trạm để phật tử hành hương về đỉnh Yên Tử huyền thoại.

Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc thôn Đức La - Trí Yên - Yên Dũng - Bắc Giang nên còn gọi là chùa Đức La với lễ hội La nổi tiếng được xây dựng từ thời Lý đến thời Trần. Tọa lạc nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương, chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục đầu giang - Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Vì thế mà suốt gần ngàn năm trôi qua, dân gian có câu: “Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”.
 
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 1
Chùa Vĩnh Nghiêm gần nghìn năm tuổi, u tịch dưới bóng thông cổ thụ. (Ảnh: Anh Thế)

Bao quanh chùa là núi non trong đó có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo đền Kiếp Bạc. Cả 3 vị Tam tổ của thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều thụ giới ở chùa Vĩnh Nghiêm, lấy nơi này làm trung tâm Phật giáo thời Trần.

Tọa lạc trên mảnh đất khoảng 1 ha, bao quanh khuôn viên chùa vốn là luỹ tre dày đặc. Chùa được kiến trúc trên một trục, hướng đông nam gồm 4 khối: Toà Thiên đường, toà Thượng điện, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà tổ đệ nhị và một số công trình khác. Từ ngày dựng chùa, hai bên đường được trồng thông để thành chốn tùng lâm, có cây đường kính gần 1m tạo ra vẻ u tịch, thanh tịnh cho nơi cửa Phật.
 
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 2
Những mộc bản kinh Phật vô giá mấy trăm năm tuổi.

Trong chùa có rất nhiều tượng pháp, đủ loại tượng: Tượng Phật, tượng các vị Tổ dòng Trúc Lâm, tượng các vị sư Tổ sau này, tượng Hộ pháp, tượng La Hán… Trong số những đồ thờ tự ở đây có chiếc mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn.

Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên có các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá như: Sa di tăng sa di tì tỉ khiêu ly (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chí quán, Giới kinh ni... do các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho khắc tạc từ những năm giữa thế kỷ XVIII (triều vua Lê Cảnh Hưng) đến đầu thế kỷ XX.
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 3
Cùng với những mộc bản kinh Phật bằng gỗ thị, chùa còn có một kho cuốn thư cổ hàng trăm năm tuổi.
 
Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3.000 bản khắc bằng loại gỗ thị. Mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Nôm, chữ Hán. Người xưa chọn gỗ thị để tạc chữ. Đây là loại gỗ trắng, thớ gỗ mịn, lại ít cong vênh. Khi gỗ còn tươi rất mềm, khi khô lại trở nên dai bền hiếm có. Vì vậy mà các nghệ nhân xưa đã khắc ngay khi gỗ mới được xẻ thành ván. Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh - Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm - thì tất cả ván làm mộc thư đều được lấy xẻ từ thị trồng trong khuôn viên nhà chùa. Cho dù trải qua hàng trăm năm nhưng đến bây giờ vẫn còn gốc của những cậy thị lớn mà các vị sư tổ đã cho đốn làm mộc thư. Đây là những bản khắc có niên đại sớm nhất, nhiều sách nhất, chữ chuẩn đẹp nhất và đạt đến độ tinh xảo, trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta.
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 4
Kho mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đang tiếp tục được gửi hồ sơ lên UNESCO đề nghị công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Hoàng Thị Hoa - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang - cho biết: “Với những giá trị đặc biệt quan trọng của kho tư liệu vô giá Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm, UBND tỉnh Bắc Giang đã giao cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đầu tư bảo tồn và khai thác di tích như trùng tu tôn tạo và in sao các mộc bản kinh Phật ra băng đĩa… để phục vụ công tác dịch thuật và nghiên cứu”.

Hiện hồ sơ Mộc bản kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang đang được Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm giao cho Bộ Ngoại giao phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục hoàn thiện, đệ trình lên UNESCO xem xét, đưa vào danh mục Di sản Tư liệu thế giới.

Dưới đây là một số hình ảnh PV Dân trí ghi lại trong dịp thăm kho Mộc bản kinh Phật vô giá của chùa Vĩnh Nghiêm:
 
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 5
Đại Đức Thích Thanh Vịnh giới thiệu về bộ Mộc bản kinh Phật vô giá của nhà chùa.
 
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 6
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 7
Hai mặt trang đầu một bộ mộc bản trong kho Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm. 
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 8
Trang mộc bản ghi lại tên chùa Vĩnh Nghiêm bằng chữ Hán.
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 9
Một mộc bản đặc biệt được dùng trong nghi thức an táng xưa.
 
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 10
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 11
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 12
Những "bảo vật" được lưu giữ suốt mấy trăm năm trong tủ gỗ.
 
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 13
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 14
Những cuốn thư cổ có niên đại hàng trăm năm cũng là bảo vật vô giá của nhà chùa.
 
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 15
Một bản sắc phong của nhà Nguyễn cho ngôi chùa Vĩnh Nghiêm còn được lưu giữ lại trong chùa. 
 
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 16
Kiến trúc bằng gỗ được trạm khắc tinh xảo cũng là điểm nổi bật nơi đây.
 
“Mục sở thị” kho Mộc bản kinh Phật vô giá chùa Vĩnh Nghiêm - 17
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng về thăm kho mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm. (Ảnh tư liệu).
 
Anh Thế - Quốc Đô