1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mua vé tàu Tết qua tin nhắn: Khách tốn tiền, ai hưởng lợi?

(Dân trí) - Sau ba ngày triển khai bán vé tàu Tết qua tin nhắn, Trưởng ga Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Thanh Phương, đánh giá: “Cơ bản là thành công”. Trong khi đó, hành khách ai cũng than trời vì có khi nhắn đi hàng chục cái tin, tốn nhiều tiền mà vẫn không mua được vé.

Thành công vì... ga vắng khách

 

Nhìn những hàng ghế trống ở sảnh lầu 1, nơi bán vé tàu Tết, bà Phương chia sẻ niềm vui cùng các phóng viên: “Chỉ hôm đầu là đông khách vì hành khách chưa quen. Hôm thứ 2 đã ổn định dần. Đến hôm nay thì rất ít khách đến nhà ga, hầu hết mọi người đến đây đều là người đã đặt được chỗ và đến lấy vé”.

 

Mấy ngày nay, lượng khách trung bình có mặt tại khu mua vé tàu Tết chỉ dao động trên dưới 100 người. Theo bà Phương, đó là sự thành công của phương thức bán vé tàu Tết bằng tin nhắn SMS. Vì mọi người đã quen và ở nhà nhắn tin đặt vé, khi đã đặt được chỗ thì mới đến ga thanh toán tiền, nhận vé.
 
Mua vé tàu Tết qua tin nhắn: Khách tốn tiền, ai hưởng lợi? - 1
Hình thức bán vé tàu Tết qua tin nhắn giúp ga Sài Gòn năm nay tránh được cảnh đông nghịt, chen chúc.

 

Bà Phương cho rằng: “Như vậy là cơ bản đã thành công. Người dân không phải chịu cảnh xếp hàng chờ đợi, chen lấn nhau để mua vé như các năm trước. Họ cũng tiết kiệm được tiền bạc, thời gian để đến ga chờ mua vé trực tiếp như trước đây”.

 

Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận là phương thức mua vé này còn một tồn tại lớn là phản hồi chậm vì lượng tin nhắn đặt vé quá nhiều. Chính khuyết điểm này khiến nhiều hành khách đã mất tiền oan.

 

“Xin vui lòng chờ kết quả phản hồi…”

 

Tình trạng phổ biến chung là khi hành khách nhắn tin đặt chỗ, hệ thống sẽ trả lời tự động là: “Xin quý khách vui lòng chờ kết quả phản hồi sớm nhất”. Nhưng đa phần sau mấy tiếng đồng hồ hành khách mới nhận được tin phản hồi là chỗ mình đặt còn hay hết và có hướng dẫn tiếp theo.

 

Trong thời gian mấy tiếng đó, hầu hết hành khách đều rất sốt ruột nên tiếp tục nhắn thêm nhiều tin nhắn đặt chỗ khác. Chính điều này tạo nên số lượng tin nhắn đặt chỗ ảo rất nhiều. Khách tốn nhiều tiền mà có khi vẫn không đặt được chỗ.
 

Ngày 1/12, anh Nguyễn Văn Sơn muốn mua 3 vé đi Huế, đến ga từ 7h sáng, chờ đúng 8h là nhắn tin đặt vé nhưng mất cả buổi vẫn không được việc. Anh than: “Ban đầu tôi không biết, nhắn sai cú pháp hoài, tốn tiền mà không được gì. Sau nhắn lại thì tin không gửi đi được. Tôi nhắn cả trăm lần vẫn vậy”.

 

Anh Nguyễn Vinh Hiển (ngụ tại phường 21, quận Bình Thạnh) cũng không khá hơn, cả ngày 3/12 anh chỉ lo nhắn tin đặt vé tàu đi Vinh ngày 28 Tết. Nhắn đi nhắn lại cả chục tin mà vẫn chỉ nhận được tin nhắn là chỗ anh muốn đặt không còn. Tốn tiền, mất thời gian mà chỉ mua được sự bực mình.

 
Ai hưởng lợi?
 

Theo ga Sài Gòn thì qua 3 ngày đã có gần 70.600 tin nhắn đúng gửi đến tổng đài nhưng chỉ có gần 4.900 tin nhắn thành công, mua hơn 9.000 vé. Như vậy, để mua được 1 vé, hành khách mất trung bình khoảng 7 tin nhắn đặt chỗ (tương đương 14.000 đồng) và 1 tin nhắn quyết định mua vé (10.000 đồng), tổng 24.000 đồng tiền nhắn tin.

  

Như vậy, với con số 27.000 vé được bán lẻ qua hệ thống nhắn tin SMS, tổng cộng số tiền dịch vụ nhắn tin mà hành khách chi ra có thể lên đến 648 triệu đồng (27.000 vé x 24.000 đồng).

 

Tính toán trên chỉ dựa vào số liệu tin nhắn đặt chỗ đúng mà khách hàng đã gửi, chưa tính số tin nhắn sai cú pháp, tin xem giá vé, giờ tàu... Chỉ tính ngày đầu tiên, tổng đài nhận được hơn 47.600 tin thì chỉ có gần 24.000 tin nhắn đúng, chiếm gần 50%. Theo cách tính như trên, số tiền dịch vụ nhắn tin để mua vé tàu phải lên đến khoảng 1 tỷ đồng.
 

Về số tiền này, bà Nguyễn Thị Thanh Phương khẳng định Ga Sài Gòn không thu một đồng nào. Ga chỉ hợp đồng với Công ty Tư vấn nghiên cứu xã hội truyền thông làm dịch vụ bán vé tàu qua tin nhắn nhằm mục đích phục vụ khách mua vé tàu Tết được tiện lợi, trật tự, dễ dàng hơn.

 

Trao đổi về số tiền quá lớn phải chi cho việc nhắn tin (so với con số 27.000 vé được bán), ông Trần Anh, Giám đốc Công ty Tư vấn nghiên cứu xã hội truyền thông, cho biết phần lớn số tiền này thuộc về đơn vị viễn thông cung cấp đường truyền cho hệ thống, công ty của ông chỉ hưởng một tỉ lệ nhỏ nhất định tuỳ thuộc vào doanh số của dịch vụ.

 

Tuy nhiên, thông thường một tin nhắn dịch vụ của bất kỳ mạng viễn thông nào giá cũng chỉ chừng 300 đồng. Với 1 tin nhắn hành khách gửi đi, nhiều nhất hệ thống sẽ phản hồi 2 tin (1 tin yêu cầu hành khách chờ phản hồi, 1 tin báo còn vé hay không). Như vậy mỗi tin nhắn khách hàng gửi đi thì chi phí cho dịch vụ viễn thông cao nhất chỉ là 1.000 đồng.

 

Trong khi đó, phí dịch vụ mỗi tin công ty thu là 2.000 đồng; chưa kể tin nhắn quyết định mua vé của hành khách phí dịch vụ lên tới 10.000 đồng. Khoản chênh lệch này liệu có phải là một “tỉ lệ nhỏ” như lời ông Trần Anh nói?
 

Để việc nhắn tin mua vé của hành khách hiệu quả hơn, Trưởng ga Sài Gòn Nguyễn Thị Thanh Phương khuyến cáo:

 

- Thay vì đặt vé cụ thể là “ngồi cứng, ngồi mềm, nằm lạnh tầng 1....”, hành khách nên đặt lệnh mua vé “ngồi, nằm...” chung chung thì sẽ có cơ hội được phản hồi nhanh hơn và cơ hội còn vé nhiều hơn.

 

- Hành khách chỉ nên nhắn tin đặt chỗ 1 lần và chờ tổng đài phản hồi. Nhắn nhiều lần sẽ làm ảnh hưởng cả hệ thống.

 

- Hành khách nên xem kỹ cú pháp trước khi nhắn tin, tránh đánh mất cơ hội vì nhắn sai.

 

- Hành khách nên đặt vé đến các ga chính, vì các ga này có nguồn vé nhiều hơn các ga lẻ.

 

Tùng Nguyên