1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mùa mưa lũ, lại trăn trở bến đò Chôm Lôm!

(Dân trí) - Sau vụ đắm đò kinh hoàng ở bến Chôm Lôm (Con Cuông, Nghệ An) hồi tháng 10/2006, cứ đến mùa mưa lũ hàng năm, vấn đề ATGT đường thủy lại “nóng” trở lại, đặc biệt là ở các huyện miền núi.

Dọc các bến đò ngang trên dòng sông Lam vào một chiều cuối tháng 5/2008, thời điểm này học sinh đã nghỉ hè nên lượng khách qua sông chỉ đếm đầu ngón tay. Bước chân lên mạn thuyền của ông Võ Văn Cảnh tại bến đò Bãi Ổi, xã Chi Khê, tôi phần nào yên tâm bởi trên thuyền đã có áo phao và người lái đò còn cho tôi xem chứng chỉ lái đò.

 

Ông Cảnh tâm sự, nghề lái đò thu nhập hạn chết, mỗi ngày làm việc vất vả cũng chỉ thu về chừng 40.000 đồng. Trong khi hàng tháng ông Cảnh đã phải nộp cho chính quyền địa phương 150.000 đồng tiền sửa chữa thuyền, máy; chưa kể chi phí nhiên liệu.

 

Tôi nhìn lên 2 bên bến đò, cơ sở vật chất hầu như không có gì. Một bên không có nhà chờ dành cho khách, bên kia có dựng 4 cọc gỗ, đặt lên mấy tấm lợp proximăng rất tạm bợ, xiêu vẹo. Đến một số bến đò khác trên dòng sông Lam, cũng không có gì khá hơn; thậm chí nhiều bến còn rất nguy hiểm bởi đường lên xuống bến dốc khá cao.

 

Trao đổi nỗi trăn trở đò ngang với ông Nguyễn Quốc Trung, Trưởng phòng Hạ tầng kinh tế kỹ thuật, Phó Ban ATGT huyện Con Cuông, được biết trên địa bàn huyện hiện có 8 bến đò trên sông Lam và sông Giăng. Cuối tháng 5/2008, Ban ATGT huyện tiến hành kiểm tra các bến đò và kết quả là: 6/8 bến chưa được cấp phép mở bến vì chưa đủ điều kiện; 6/8 phương tiện tại 6 bến đò ngang đã hết hạn đăng kiểm an toàn kỹ thuật; 8/8 bến thiếu cầu lên, xuống đò, nhà chờ, bảng nội quy, quy chế hoạt động của bến (do lũ năm 2007 cuốn trôi); một số người có hợp đồng lái phương tiện nhưng lại giao phương tiện cho người không có chứng chỉ chuyên môn lái, vì thu nhập quá thấp, thậm chí không có thu nhập.

 

Những bất cập đó, khách qua lại không mấy ai quan tâm, chỉ đến khi xảy ra sự cố thì mới đặt câu hỏi. Ban ATGT huyện đã lập dự trù kinh phí phục vụ ATGT trong mùa mưa bão năm 2008 lên Ban ATGT tỉnh để hỗ trợ. Trong lúc chờ kinh phí của tỉnh, huyện đã lập dự trù kinh phí (52 triệu đồng), đề nghị UBND huyện tạm thời trích ngân sách để sớm khắc phục.

 

Đến nay, Ban ATGT huyện đã xây dựng phương án đảm bảo an toàn tại các bến đò. Khi có mưa bão, chính quyền các địa phương có trách nhiệm bố trí lực lượng dân quân tự vệ túc trực trên bến đò 24/24 giờ trong ngày để chỉ đạo điều hành, không cho lái đò tự tiện chở khách qua sông khi không đảm bảo an toàn, lực lượng này sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố trên sông.

 

Ông Hoàng Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, cho biết: UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan tăng cường kiểm tra trên các bến đò dọc sông Lam, khe suối trước, trong và sau mùa mưa lũ, tuyệt đối không được để sự cố tai nạn đáng tiếc xảy ra trên các bến đò. Nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của người lái đò vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa bão (từ tháng 9 - tháng 11), UBND huyện sẽ cân đối ngân sách hỗ trợ kinh phí cho mỗi lái đò 300 nghìn đồng/tháng.

 

Nguyễn Hoàng