1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mua bán đất công ở hồ Trị An: Những biến tướng

Qua mấy lần chuyển nhượng, đất hồ Trị An đổi chủ nhưng giữ nguyên trạng. Một số trường hợp tuy không bán nhưng cho thuê, nuôi cá để tránh tiếng…

Mua bán đất công ở hồ Trị An: Những biến tướng - 1

Trại cá này trước kia thuộc về gia đình nguyên trưởng công an huyện Định Quán, tuy đã trả lại phần đất lấn chiếm, nhưng thực tế người chủ vẫn sử dụng bình thường.

 

Đổi chủ

 

Ngoài trại cá ở xã La Ngà đã bán cho ông Mai kiếm được gần tỉ bạc, trước đó, ông Tư Đức bán thêm một trại cá nữa (cũng đứng tên vợ) rộng khoảng 1,7ha, nằm ở xã Phú Ngọc cho bà Sỹ với giá 400 triệu. Bà Sỹ, sau ít năm nuôi cá, cũng bán lại trại này cho một người ở Sài Gòn với giá một tỉ.

 

Giống như ông Tư Đức, có ông Ch., cán bộ lãnh đạo thuộc lực lượng vũ trang huyện Định Quán đã bán trại cá. Năm 2008, ông Ch. bán khoảng 3ha trại cho vợ chồng ông Tâm bà Oanh (người cùng địa phương) với giá 600 triệu đồng.

 

Một số người nay đã về hưu, nhưng tại thời điểm 2004 - 2005 vẫn còn đương chức, cũng đã tranh thủ bán trại. Trại cá của ông Tư (công an tỉnh) cũng đã được đổi chủ vào năm 2007 sau khi ông huy động hàng trăm xe ben đổ đất, biến chỏm đất nhô lên giữa lòng hồ thành một cù lao rộng 1,4ha và đắp thêm bờ để có thêm khoảng 6ha hồ cá. Cái trại “một mình một cõi” này được chia làm hai phần. Phần 1ha được  ông Thơi bỏ ra 350 triệu mua, phần còn lại ông Phước bỏ 1,1 tỉ mua được 5ha hồ và cái cù lao.

 

Cho thuê

 

Sau năm 2004, khi vụ “xẻ thịt” lòng hồ bị phanh phui, việc hùn hạp mở trại cá đã không còn phù hợp vì cần có người nhà đứng tên, như vậy không kín đáo. Vài ba năm nay, các khu hồ được cho thuê, thu tô mỗi năm.

 

Đáng kể nhất là ông Tô Công Hiệu, nguyên Phó Bí thư thường trực huyện Định Quán, từ lâu đã cho thuê 30ha trại. Người thuê mở quán nhậu, karaoke tên Bích Ngọc, phần mặt nước vẫn nuôi cá. Nhiều người dân cho biết, quán này là nơi các chủ trại thường tụ tập ăn nhậu mỗi khi thăm trại.

 

Ngay phía ngoài trại của ông Hiệu, là một trại rộng hơn 50ha, vào loại lớn nhất ở khu vực này, do ba quan chức hùn hạp từ nhiều năm trước, nay họ cũng cho một người phụ nữ ở gần đó thuê nuôi cá. Mỗi năm tiền tô 100 triệu đồng, giá như vậy, nhiều người cho rằng quá rẻ, chỉ bằng giá trông coi trại giùm.

 

Một vị chủ tịch xã cũng dính líu ít nhiều đến việc lấn chiếm lòng hồ là ông Trần Thành, nay là Chủ tịch HĐND xã Phú Ngọc, cũng đã cho thuê một trại rộng 5ha. Tương tự, các trại cá của nguyên cán bộ viện Kiểm sát tỉnh và thanh tra tỉnh cũng đã cho thuê mướn…

 

Điều dễ thấy nhất là hiện nay, chỉ còn lại trại của bà Trương Thị Nguyệt, nguyên Bí thư huyện Định Quán (rộng hơn 10ha, đứng tên con) còn trực tiếp nuôi cá. Nhiều năm trước, khi bà Nguyệt còn đương chức, đường vào trại của bà dài hơn 2km đã được tráng nhựa, ngành điện lực đã bỏ ngân sách ra cả nhiều trăm triệu đồng chôn 25 cột bê tông, kéo dây, và lắp ba bình hạ thế để phục vụ trại nuôi heo, cá của bà.

 

Bao giờ hồ được trả nguyên trạng?

 

Trước nạn bao chiếm lòng hồ thuỷ điện Trị An, từ lâu ngành điện lực đã cảnh báo, với tổng diện tích bị lấn chiếm gần 600ha, trong đó nhiều ao hồ lớn hàng chục hecta, thể tích nước bị chiếm giữ là 30 triệu mét khối, tương ứng với 1,17% thể tích hữu ích, tương đương 4,27 triệu kWh điện sản xuất từ lượng nước này.

 

Nếu tình trạng bao chiếm không được ngăn chặn và xử lý kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều mặt, như không đẩy được nước mặn xâm nhập vào vùng hạ lưu trong mùa khô; làm cản dòng chảy, bồi lắng lòng hồ nhanh, giảm khả năng phát điện của nhà máy; việc ngăn dòng để nuôi trồng thủy sản, thu hẹp dòng chảy có thể gây lụt cục bộ ở một số khu vực; thức ăn thừa của thuỷ sản gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường làm mài mòn nhanh tua bin, thiết bị của nhà máy mau hỏng…

 

Còn một vấn nạn nữa mà ngành điện lực không nhắc đến, đó là nỗi bức xúc, bất bình của người dân nơi đây trước nạn bao chiếm lòng hồ trái phép. Tiếp đến, người vi phạm chỉ bị xử lý xuê xoa, nhẹ nhàng, nặng nhất là cảnh cáo. Đất lấn chiếm thì trả lại trên danh nghĩa như việc xoá quyền sở hữu một phần đất của ông Tư, nhưng trên thực tế, chủ đời sau vẫn tiếp tục sử dụng phần hồ cá thuộc vùng đất đã bị xoá quyền.

 

Tuy không bùng phát như ba năm trước nhưng hàng chục hộ dân vẫn gửi đơn từ tố cáo đến các cơ quan chức năng, yêu cầu thực hiện đúng theo những gì thanh tra kết luận. Chỉ tiếc, những gì người dân tố cáo, thỉnh nguyện vẫn chưa được người có quyền xem xét, xử lý thấu đáo.

 

Trong bản kiểm điểm của mình, ông Tô Công Hiệu hứa sẽ thực hiện tốt các quy định bảo vệ lòng hồ Trị An, sau khi xin được giữ trại thêm năm năm nữa để… gỡ vốn vì ông đã trót đầu tư 400 triệu, nếu phá bằng bờ bao ngay, ông sẽ không trả nợ được.

 

Cũng không ít quan chức đã xin và hứa như vậy, nhưng đã năm năm trôi qua, họ vẫn bao chiếm trái phép lòng hồ và trục lợi trên phần công thổ quốc gia, bất chấp tất cả.

 

Theo Khởi Khánh

 Sài Gòn tiếp thị