1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Một tấm gương y đức

(Dân trí) - Thưa quý vị độc giả, quý vị thấy gì từ bức ảnh này? Một bữa tiệc trà gia đình? Vâng, đúng là một bữa tiệc trà gia đình, một bữa tiệc mừng năm mới 2013, với trung tâm là chiếc bánh ga-tô hình tròn mầu hồng có ghi hàng chữ mầu trắng “Mừng Năm Mới”...

Một tấm gương y đức

 
Điều cần thưa ngay là những người ngồi quanh bàn tiệc không phải là MỘT GIA ĐÌNH, mà là mấy gia đình không cùng họ hàng, không phải bạn hữu, không “đồng hương đồng khói”... nhưng họ cùng tụ tập để đón chào năm Mới NHƯ TRONG MỘT GIA ĐÌNH!

 

Vậy họ quan hệ với nhau như thế nào? Xin thưa, ngoài gia đình bác sĩ chủ nhà (*), còn lại đều là gia đình các bệnh nhân - các cháu nhỏ mắc căn bệnh hiểm nghèo: ung thư! Có người sẽ nói: “Vậy là chuyện các gia đình bệnh nhân đến “tết” bác sĩ đây!”. Trong cái bối cảnh chung trong đó có ngành y tế, việc quà cáp phong bao... cho cán bộ nhà nước đã quá phổ biến, thì suy nghĩ trên không có gì là lạ.

 

Lạ lại ở chỗ: Bác sĩ Tuyết Lan (người đang đứng cắt bánh trong tấm ảnh) cũng như nhiều bác sĩ điều dưỡng khác trong Khoa Ung bướu – Bệnh viện Nhi trung ương là những người chưa một lần cầm phong bì hay bất cứ thứ quà cáp nào của gia đình bệnh nhân. Ngay cái việc gặp mặt đón mừng năm Mới như thế này (đã diễn ra nhiều năm), không phải do các gia đình bệnh nhân đề xuất, mà do chính bác sĩ Tuyết Lan chủ động mời.

 

Lại có người sẽ hỏi: “Mấy gia đình bệnh nhân ấy là thế nào mà được các Bác sĩ quan tâm thế?”. Vâng, đấy là mấy gia đình “thường dân” có con em là những bệnh nhân nặng, mặc dù được Khoa và Bệnh viện tận tình cứu chữa nhiều năm nay, nhưng khả năng cứu khỏi hoàn toàn, có nhưng khá mong manh.

 

Tại sao bác sĩ Tuyết Lan lại chọn dịp đầu năm để tổ chức cuộc họp mặt này? Bác sĩ không nói ra nhưng mọi người đều hiểu: Đó vừa là dịp mừng đã qua được một năm đấu tranh vất vả chống đỡ bệnh tật, vừa là dịp để bác sĩ cùng các gia đình trao đổi với nhau kinh nghiệm chăm sóc con cháu, những cháu bé không may mắc căn bệnh hiểm nghèo, không chỉ  cần sự chăm sóc chữa chạy khoa học, tận tình mà còn cần được quan tâm chăm sóc về mặt tâm lý, tình cảm.

 

Quan tâm chữa trị chu đáo tận tình cho bệnh nhân, đã là một việc vừa thuộc trách nhiệm nghề nghiệp, vừa mang tính ân nghĩa. Quan tâm cả đến việc động viên bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhằm giúp họ vững tâm vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình điều trị, thì thật sự là một nghĩa cử cao đẹp về Y ĐỨC mà bệnh nhân cùng gia đình các cháu vô cùng cảm phục. Bác sĩ - Tiến sĩ Tuyết Lan và đồng nghiệp của bà đã làm được điều đó! Quả thật sau những lần gặp mặt nói trên, các bé bệnh nhân và gia đình đều được khích lệ để vững tin tiếp tục cùng bác sĩ chống chọi với bệnh tật. 

 

Không tin? Vâng, nhiều người sẽ nói thế. Nhưng rất mừng đây lại hoàn toàn là sự thật. Khẳng định thế vì người viết bài này là một trong các gia đình đã được nhận cái ân tình đạo lý THẦY THUỐC như MẸ HIỀN mà Bác Hồ đã kỳ vọng.

 

Trần Huy Thuận

 

---------------

(*) Bác sĩ, Tiến sĩ Phùng Tuyết Lan, Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi trung ương.