1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mối tình trên đường ra trận Điện Biên Phủ

(Dân trí) - Kết thúc chiến dịch Điện Biên, anh bộ đội Nguyễn Đức Lộc nên duyên với cô dân công Trần Thị Ảnh. Tình yêu được vun đắp và thử thách trong chiến tranh càng gắn kết ông bà với nhau. Mối tình hơn 60 năm như thể mới được nhen lên từ ngày hôm qua.

Mối tình 60 năm như thể mới được nhen lên từ hôm qua bởi những lời bông đùa của bà Ảnh.

Mối tình 60 năm như thể mới được nhen lên từ hôm qua bởi những lời bông đùa của bà Ảnh.

Đã bước qua cái tuổi xưa nay hiếm nhưng nhìn tình cảm của ông bà dành cho nhau, nhiều người không khỏi mơ ước. Căn gác nhỏ luôn rộn tiếng đùa của bà và tiếng cười của ông. “Bà ấy ngày xưa nghịch lắm!”, ông nói. Bà lườm yêu: “Chẳng phải ngày xưa ông yêu tôi vì tôi nghịch à?”. Tôi cứ ngỡ như mình đang được trò chuyện với một cặp vợ chồng son chứ không phải hai vợ chồng đã có tới gần 60 năm chung sống. Họ đã từng có một tình yêu đẹp, một tình yêu được ươm mầm và nảy nở ngay trong chiến dịch Điện Biên lịch sử.

Ông Nguyễn Đức Lộc (SN 1929) và bà Trần Thị Ảnh (SN 1931) vốn là người cùng làng (xã Hưng Dũng, nay là phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An). Giữa hai gia đình đã có đính ước tuy nhiên, Lộc và Ảnh vẫn còn e dè, chưa dám thổ lộ tình cảm. Vì tình yêu lớn dành cho đất nước, Lộc tạm gác thứ tình cảm riêng tư của mình lại. Năm 1952, Nguyễn Đức Lộc lên đường tòng quân, biên chế vào đại đội 124 - D555, trung đoàn 151, sư đoàn 351 công pháo.
Cuối năm 1952, Nghệ An thành lập đoàn TNXP (đại đội Cù Chính Lan) tham gia vận tải lương thực phục vụ đoàn quân chủ lực, cô gái Trần Thị Ảnh xung phong vào đoàn quân. Ngày ấy thư từ liên lạc hết sức khó khăn, Nguyễn Đức Lộc không hề biết được rằng người con gái mình yêu cũng đang góp công sức, mồ hôi và thậm chí cả xương máu của mình cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại này. Còn Ảnh, bên cạnh hành trang là lòng yêu nước, cô luôn mang trong mình ước nguyện được gặp anh, ngay chính trên con đường cả hai đang hướng về Điện Biên.

Đại đội TNXP Cù Chính Lan nhận nhiệm vụ phối hợp với sư đoàn 351 làm đường giao thông từ Mộc Châu đi Xiêng Khoảng (Lào). Cả công trường vang tiếng hát mở đường, tiếng cuốc, tiếng xẻng. Trách nhiệm của Trung đội trưởng Trần Thị Ánh lại càng nặng nề và hiểm nguy hơn. Vậy nhưng, mỗi đoàn quân đi qua, đôi mắt cô gái xứ Nghệ ấy vẫn không quên dõi theo, hi vọng biết đâu anh Lộc đang ở trong đoàn quân đó.

Bà Trần Thị Ảnh.
Bà Trần Thị Ảnh.

Đúng như mong ước của Ảnh, đơn vị của Lộc hành quân lên Thượng Lào, dừng chân nghỉ ngay gần đơn vị TNXP của Ảnh. Lính trận, chuyện riêng tư cũng thành chuyện chung, tình cảm của Lộc dành cho Ảnh đã được cả đơn vị biết. Lần này, gặp đoàn TNXP Nghệ An, các anh lính trẻ tranh thủ hỏi thăm giúp Lộc. Nghe người lính nói giọng Nghệ hỏi đúng tên mình, Ảnh giật mình, luống cuống hỏi lại. Khi người lính trẻ cho biết tiểu đội phó Nguyễn Đức Lộc đang ở trong lán chỉ huy cách đây 2 cây số, Ảnh xin phép chỉ huy để đi tìm.

“Khi đó đang là mùa mưa, đường trơn nhẫy những bùn đất. Tôi chẳng kịp đi, cứ nhằm hướng chỉ của anh lính trẻ mà chạy. Đường mới làm, đất đá lổn nhổn, bùn sục lên tận cổ chân, chạy cứ trầy lên trật xuống, chân tóe cả máu…”, bà Ảnh nhớ lại. Vào tới lán thì được tin anh Lộc đã lên đường hành quân. Quên cả bàn chân đang rớm máu, Ảnh lại đuổi theo. Khi đuổi kịp đoàn quân, nhìn thấy Lộc, cô chỉ biết đứng nhìn trân trân mà không thể nói được lời nào.

Nỗi ngượng ngùng qua nhanh và được khỏa lấp bằng những lời thăm hỏi quê nhà. Lúc ấy, không cần phải nói ra, cả hai người cũng đã cảm nhận hết tình cảm mà người kia dành cho mình. Phải đuổi theo cho kịp đoàn quân, Lộc từ biệt Ảnh để lên đường. Nhìn bàn chân trần rớm máu của Lộc, Ảnh không đành lòng, rút ngay đôi dép cao su dưới chân đưa cho anh. Không để cho một người con gái bé nhỏ, mềm yếu chân trần lội đường núi, Lộc nhất quyết không nhận.

“Anh cầm lấy mà đi, đường còn xa, đi chân trần răng mà chịu được. Đơn vị em có người được phát 2 đôi dép, em về mượn được thôi”, Ảnh thuyết phục. Dùng dằng mãi, cuối cùng, Ảnh đành dúi đôi dép cao su vào tay Lộc, không quên chiếc lạt giang để xâu quai dép mỗi khi bị tụt rồi chạy đi. Cầm đôi dép vẫn còn ấm hơi chân của Ảnh, Lộc rưng rưng xúc động, không ngờ giữa núi rừng, giữa khốc liệt của chiến tranh lại được nhận sự quan tâm chân thành từ người con gái mình thầm yêu trộm nhớ. Và kỷ vật của Ảnh cũng đã theo anh đi khắp các chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch Điện Biên Phủ sau này. 

Ông Nguyễn Đức Lộc.
Ông Nguyễn Đức Lộc.

“Gặp nhau giữa chiến trường, tặng nhau vật kỷ niệm rồi chia tay mỗi người một ngả đi làm nhiệm vụ, trong lòng chúng tôi nặng trĩu nhớ thương. Thỉnh thoảng chúng tôi mới nhận được tin nhau, cũng chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng. Dù ở nơi đâu, dù trong nhiệm vụ và hoàn cảnh khó khăn như thế nào, tôi cũng dồn hết sức cho công việc bởi tôi biết Ảnh đặt rất nhiều niềm tin vào tôi, vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến”, ông Lộc tâm sự.

Chiến dịch Điện Biên toàn thắng, Trần Thị Ảnh trở về tham gia công tác địa phương. Anh lính trẻ Nguyễn Đức Lộc được cấp trên cử sang Trung Quốc rồi về Cao Bằng tiếp tục học về kỹ thuật công binh. Lại nói về Trần Thị Ảnh, có nhiều thành tích trong phục vụ chiến đấu và là người có năng lực hoạt động đoàn thể nên được cử lên huyện đảm trách công tác phụ nữ. Gia đình neo người, Ảnh xin nghỉ về nhà đỡ đần cha mẹ đẻ và thay anh Lộc chăm sóc bố mẹ.

Năm 1955, đơn vị cho phép Lộc về quê tổ chức đám cưới. Hết 12 ngày phép, Nguyễn Đức Lộc tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ, công việc gia đình, đỡ đần 2 bên nội ngoại đều do một mình Ảnh lo liệu. Đến năm 1965, ông Lộc được chuyển công tác về quê nhà, lúc này hai vợ chồng mới được gần nhau. “Cả đời binh nghiệp đi đây đi đó, một mình bà ấy quán xuyến, chăm nom, dạy dỗ 3 đứa con nên người. Giờ tóc đã bạc, răng đã long nhưng trong ngôi nhà chưa khi nào ngớt tiếng bông đùa của bà ấy và tiếng cười của mấy cha con, ông cháu chúng tôi”, ông Lộc tự hào nói về người vợ của mình.

Bà Ảnh lại ngâm nga mấy câu hát thuộc từ thời tham gia chiến dịch Điện Biên. Tiếng hát không còn trong, không còn vang xa như trước nhưng nhìn ánh mắt âu yếm ông Lộc dành cho bà, chúng tôi hiểu rằng tình cảm chân thành được vun đắp qua khói lửa chiến tranh vẫn thắm đượm trong tâm hồn của hai người lính này.

Hoàng Lam