1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chống tham nhũng:

Mở rộng hơn đối tượng kê khai tài sản

(Dân trí) - Theo Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền, Chính phủ cho rằng, chưa cần thiết phải thành lập cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, tới đây hàng loạt các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả phòng chống tham nhũng sẽ được áp dụng.

Dự thảo chiến lược phòng chống tham nhũng đến năm 2010 và định hướng hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững là những nội dung của phiên họp Chính phủ ngày 18/11.

Bổ nhiệm tinh gọn, dễ bãi nhiệm, miễn nhiệm

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, Trần Văn Truyền, dự thảo chiến lược Quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp. Cụ thể là tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền; hoàn thiện chế độ công vụ, công chức; hoàn thiện cơ chế quản lí kinh tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lí tham nhũng…

Ông Truyền cho biết, tại phiên họp, Chính phủ đã cơ bản thống nhất với dự thảo chiến lược và giao ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện. Riêng phương án lập cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng, Chính phủ cho rằng, việc này chưa cần đặt ra, bởi lẽ chúng ta đã có cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán... Nếu các cơ quan này làm tốt cũng đã thực hiện được hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng. 

Về việc xây dựng hệ thống thang đánh giá bước tiến của công tác phòng chống tham nhũng qua các giai đoạn, ông Truyền cho biết, sẽ có điều tra, khảo sát để xác định cơ chế. “Chúng tôi thấy rất cần việc này, chúng tôi sẽ tham khảo các nước và có khả năng sẽ làm được”, ông Truyền nhấn mạnh.

Tổng thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, việc khen thưởng những người phòng chống tham nhũng hiện vẫn còn là vấn đề “bức xúc”. Theo ông Truyền, những người đương đầu với tham nhũng là những người dễ bị động tới lợi ích của chính mình, thậm chí bị đe doạ tính mạng. Vì thế, cần phải xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng, tránh việc người chống tham nhũng vừa làm vừa e ngại bị trù dập.

Việc xử lí người đứng đầu trong trường hợp để xảy ra tham nhũng đã có qui định nhưng chưa thực hiện được, tới đây sẽ được khắc phục. Vấn đề này liên quan đến qui trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm hiện nay phải trải qua nhiều bước. Việc bổ nhiệm cần thực hiện tinh gọn, gắn với phân định trách nhiệm, từ đó mới có thể qui trách nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm được.

Riêng về kê khai tài sản, thu nhập, ông Truyền cho biết, sẽ mở rộng hơn về phạm vi và cũng có những điểm khác hơn về nội dung kê khai. Ngoài ra, những đối tượng đã kê khai tài sản, nhưng phát sinh thêm tài sản tiếp tục kê khai, sẽ bổ sung thêm những đối tượng mới phải kê khai.

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập còn chậm, ông Truyền nhìn nhận, do mới thực hiện nên còn lúng túng. Đến nay, việc này cơ bản đã thực hiện xong, duy chỉ có việc một số địa phương chưa báo cáo lên Trung ương.

Giảm nghèo: Không theo cách “ấn” tiền xuống

Cũng tại phiên họp lần này của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã trình bày định hướng về cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao. Theo đó, ngân sách Trung ương sẽ tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho 61 huyện có tỉ lệ hộ nghèo trên 50%.

Về mục tiêu, phấn đấu đến 2010, giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn hiện hành ở các huyện này xuống dưới 40%, đến 2015 giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống bằng mức trung bình của tỉnh và năm 2020 bằng mức trung bình của khu vực.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Lê Bạch Hồng, chương trình sẽ lấy người nghèo, đồng bào dân tộc làm chủ. Cách làm không phải là từ trên “ấn” tiền xuống mà thực hiện từ dưới lên.

Các xã, huyện xây dựng kế hoạch để tỉnh, Bộ duyệt rồi hỗ trợ ngân sách thực hiện. “Các bộ, ngành Trung ương chỉ ra cơ chế chính sách rồi duyệt kế hoạch của địa phương”, ông Hồng nhấn mạnh.
 
Mạnh Cường