1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Mỏ khai thác “bắn” đá hộc vào nhà dân

(Dân trí) - Nhà anh Hùng đang ăn cơm bất thình lình bị một tảng đá hộc cả chục cân rơi xuống qua mái nhà. Ông Bảy mỗi khi cày ruộng lại vấp la liệt đá to đá nhỏ. Xí nghiệp đá trả lời: Dân cứ lượm đá mang đến, xí nghiệp sẽ... đền bù theo số lượng(!).

Mỏ khai thác “bắn” đá hộc vào nhà dân - 1

Ông Ngô Bảy đang bê cả hòn đá to mà phía xí nghiệp khai thác đã "bắn" xuống ruộng nhà ông.

 

 
Thời gian gần đây, người dân ở thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) luôn sống trong nơm nớp lo âu về tình trạng khai thác đá của mỏ đá Phú Gia thuộc Công ty cổ phần Cơ khí - xây dựng công trình Thừa Thiên Huế - Xí nghiệp Coxano Chân Mây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng, ruộng vườn, nhà cửa của dân. 

 

Đầu tháng 11, chúng tôi tới thăm mỏ đá Phú Gia. Con đường dẫn vào mỏ đá lổm nhổn đá hộc, ổ gà, bùn sình lầy... Ông Ngô Bảy ở thôn Phú Gia cho biết: Khi mới đi vào hoạt động, tại mỏ đá xảy ra một vụ tai nạn lao động làm anh Hồ Trọng Ngoạn là người của thôn tử vong. “Chúng tôi ngày ngày chứng kiến cảnh xe ben, xe tải ra vào quần quật, nhiều khi xe còn chạy cả đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ của bà con” - ông Bảy nói thêm. Đáng sợ hơn, có lúc xí nghiệp khai thác đá làm đá hộc bay tứ tung, văng xuống cả nhà, ruộng vườn của dân ở quanh mỏ đá. Nhà ông Bảy cách mỏ đá của xí nghiệp 500m, bị đá hộc bay làm vỡ cả ngói.

 

Mỗi khi xí nghiệp nghiền đá dăm, bụi từ mỏ đá lại bay mù mịt vào khu dân cư. Nhiều nhà đang ăn cơm bị bụi đá bám đầy vào thức ăn. Kéo theo đó, nguồn nước sinh hoạt của người dân bắt từ trên đỉnh núi về cũng bị ô nhiễm nặng; nhiều đường ống dẫn nước bị mìn của xí nghiệp phá gãy đôi.
 
Hộ anh Nguyễn Hùng sống cách mỏ đá chưa đầy 100m bức xúc: “Cách đây mấy hôm, gia đình tôi đang ăn cơm thì một hòn đá hộc nặng chừng 10kg bất thình lình rơi từ trên mái nhà xuống. May mà không ai bị thương. Mấy đứa nhỏ từ đó không dám ở nhà”.

 

Vừa qua phía xí nghiệp còn đào múc đất xung quanh triền núi dẫn đến sạt lở đất nghiêm trọng khi trời mưa to. Đất trôi bồi xuống ruộng khiến gần 20 hộ dân xung quanh mỏ đá không thể trồng lúa được. Nhiều thửa ruộng khi người dân cải tạo đất cày phải những hòn đá lớn tới 25-30kg, đá nhỏ thì "găm" đầy ruộng, nhặt không xuể; rừng keo, tràm của những hộ dân cũng bị đá hộc tàn phá. Bà con nơi đây khốn khổ vì đá mà không biết kêu ai. “Kiến nghị với thôn thì thôn nói lên xã. Lên xã, xã lại bảo đang chờ huyện giải quyết”, một người dân bức xúc.
 
Mỏ khai thác “bắn” đá hộc vào nhà dân - 2
Mỏ đá Phú Gia hoạt động ngay sát ruộng và nhà dân.

 

Trao đổi với Dân trí, ông Vương Đình Cẩm, Bí thư xã Lộc Tiến, thừa nhận tình trạng dân nêu là có thật. Ông phân trần: “Phía xã đã liên hệ với xí nghiệp và xí nghiệp hứa sẽ đền bù cho dân”, nhưng bao giờ đền bù thì... không ai biết.

 

Chúng tôi đem thắc mắc trên tới hỏi lãnh đạo Xí nghiệp Coxano Chân Mây thì nhận được câu trả lời: bà con cứ lượm đá từ ruộng được bao nhiêu đưa đến xí nghiệp, xí nghiệp sẽ có đền bù thiệt hại theo số lượng (?!).
 
“Chúng tôi cần đất để canh tác, chứ cứ đợi đá rơi xuống ruộng lại đi lượm đưa đến xí nghiệp chờ đền bù thì biết đền bù đến khi nào?” - một người dân thốt nỗi bức xúc ra thành lời.

 

Đại Dương - Phi Hoàng