1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Minh bạch khi xây dựng quy định mới để tránh phản ứng

(Dân trí) - Để tránh những quy định gây phản ứng kiểu “ngực lép không được điều khiển xe máy”, cần nâng cao chất lượng việc làm chính sách theo hướng minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trước khi xây dựng một quy định… TS.Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.

TS Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế TƯ (CIEM) phát biểu trong lễ ra mắt chương trình cải thiện chất lượng chính sách, viết tắt PERQ tại Hà Nội, ngày 11/8.
 
Chương trình nhằm thúc đẩy hệ thống quản lý thể chế tại Việt Nam thông qua việc cung cấp cho các cơ quan nhà nước, Quốc hội, người dân và doanh nghiệp nguồn lực cần thiết để thực hiện công tác phân tích, cải thiện chất lượng chính sách và văn bản pháp luật.
 
TS.Cung cho rằng, một số chức năng điều hành vẫn còn bỏ ngỏ tại Việt Nam. Phân tích chức năng hoạch định chính sách, ông Cung nêu lại ví dụ việc đề xuất quy định “ngực lép” không được điều khiển xe máy gây nhiều tranh cãi thời gian trước.
 
Minh bạch khi xây dựng quy định mới để tránh phản ứng  - 1
Quy định "ngực lép không được điều khiển xe máy" từng gây nhiều phản ứng.

Theo đó, xuất phát từ nhu cầu giảm số tai nạn giao thông và tử vong trên đường, cơ quan quản lý lĩnh vực dự kiến đưa ra quy định “Cấm người nặng dưới 40kg, cao dưới 1,45m và có vòng ngực nhỏ hơn 73cm điều khiển xe máy”.

TS. Cung phân tích, biện pháp can thiệp “cấm người ngực lép điều khiển xe máy” không dựa vào quan điểm hoặc chính sách của Chính phủ trên cơ sở phân tích về hiện trạng và môi trường xã hội. Quy định này vì thế không đạt được kết quả dự kiến để giải quyết nhu cầu một cách thực tế.

Phó Viện trưởng CIEM khái quát, cần nâng cao chất lượng theo hướng minh bạch và có trách nhiệm giải trình trước khi xây dựng một quy định sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.

Cố vấn trưởng về cải cách thể chế tại Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (USAID/VNCI) – ông Faisal Naru lại nhìn nhận vấn đề thể chế từ chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế Thế giới năm 2009 - 2010, Việt Nam xếp thứ 75 trong tổng số 133 quốc gia, tụt 5 hạng so với năm 2008 và 7 bậc so với năm 2007.
 
Điều thú vị, theo ông Faisal Naru là thứ hạng của Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong năm 2010-2011, tăng 15 bậc, lên vị trí 59 trong tổng số 139 quốc gia.
 
“Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu do doanh nghiệp tại Việt Nam có khả năng thích ứng và trình độ phát triển cao cũng như do các thay đổi trong môi trường kinh tế toàn cầu chứ không phải do môi trường cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện” – ông Faisal Naru đánh giá.

Cố vấn trưởng về cải cách thể chế phân tích, thực tế, báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2010-2011 cho thấy gánh nặng quy định, tính hiệu quả của hệ thống pháp luật và tính minh bạch của công tác hoạch định chính sách của Việt Nam đều giảm so với năm trước. Gánh nặng quy định của Chính phủ tụt 14 hạng, hiệu quả của hệ thống pháp luật trong giải quyết tranh chấp tụt 12 hạng, tính hiệu quả của hệ thống pháp luật trong phản biện quy định tụt 10 hạng, tính minh bạch của công tác hoạch định chính sách tụt 20 hạng.

Ông Faisal Naru cho rằng, gánh nặng và “rừng” quy định gây khó khăn lớn trong quản lý và nâng cao chất lượng xây dựng quy định, thể chế của Việt Nam tác động tới người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Cải cách thủ tục hành chính, theo ước tính của Văn phòng Chính phủ, nếu thực hiện đầy đủ các kiến nghị đơn giản hóa thủ tục thì tổng chi phí tuân thủ tiết kiệm được lên tới 1,45 tỷ USD/năm. Nhưng thực tế, người dân và doanh nghiệp vẫn chưa thể cảm nhận được sự “giải thoát khỏi những gánh nặng hành chính”.

Cũng theo cảm nhận, tham nhũng Việt Nam vẫn cao và sự thiếu minh bạch vẫn đang là một vấn đề. Việt Nam xếp hạng 120/180 quốc gia trong Bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận về tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế thực hiện.

Để cải cách thể chế, ông Faisal Naru kiến nghị, sự can thiệp của nhà nước chỉ nên được xem là phương án cuối cùng khi các phương án can thiệp khác không đủ mạnh hoặc không có khả năng đạt được mục tiêu như mong muốn. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với chương trình cải cách hành chính truyền thống.

Chương trình cải thiện chất lượng chính sách (PERQ) là sử dụng chiến lược quảng bá, truyền thông kết hợp giữa việc tạo điều kiện thuận lợi, bồi dưỡng nâng cao năng lực thông qua đào tạo, tập huấn, huy động tình nguyện viên làm đại sứ để kết nối chương trình với xã hội, và khai thác nguồn lực trực tuyến.

PERQ là chương trình do CIEM và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) phối hợp xây dựng. PERQ sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý loại bỏ các quy định tạo gánh nặng chi phí không cần thiết cho cộng đồng, cản trở đổi mới và kìm hãm cạnh tranh.

P.Thảo