1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mẹ già nuôi 13 người trong một gia đình bị dioxin hủy hoại

(Dân trí) - Người mẹ già tuổi 60 ấy ngày đêm tần tảo chăm sóc chồng và 7 đứa con tàn tật do di chứng chất độc da cam. Hiện tại, cả gia đình dâu rể, con cháu của bà lên đến 13 người, nhưng mọi việc trong ngoài một tay bà quán xuyến.

Người vợ, người mẹ ấy là bà Mai Thị Rách (59 tuổi, ở ấp Thông Lưu B, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu).

 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tình thương, bà Rách kể lại câu chuyện đời mình trong đau đớn, tủi hờn. Bà bảo bây giờ bà cũng không còn nhớ ông Ngô Văn Dẫu (chồng bà) đi chiến trường nào và bị thương ở đâu; bởi sau hàng chục năm lo cho những đứa con thiểu năng, giờ bà cũng … gần giống chúng.

 

Bà chỉ nhớ rằng, đám cưới do đơn vị tổ chức, ngày rước dâu bị địch phát hiện “có Việt cộng”, cả tiểu đoàn địch lùng sục nên phải sơ tán. Cô dâu, chú rể hơn một tháng sau mới có dịp “động phòng hoa chúc”.

 

Chiến tranh kết thúc. Rơi nước mắt vì vui mừng. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì ông Ngô Văn Dẫu bỗng dưng trí nhớ kém hẳn. Lúc đầu không để ý, sau càng nặng thêm, đến nỗi không phân biệt được đâu là tiền, đâu là giấy.

 

Rồi những đứa con lần lượt ra đời, lúc đầu cũng bụ bẫm như bao nhiêu đứa trẻ khác, nhưng càng lớn thì trí nhớ của chúng càng mất đi. Đến năm 1993 bà mới biết chính xác chất độc da cam quái ác là thủ phạm tàn phá gia đình bà từ nhiều năm qua.

 

Các con bà gồm: anh Ngô Văn Hai (SN 1974), chị Ngô Thị Ba (SN 1976), anh Ngô Văn Tài (SN 1977), anh Ngô Văn Mun (SN 1981), anh Ngô Văn Mỹ (SN 1983), anh Ngô Văn Mỹ Lài (SN 1985) và anh Ngô Văn Mỹ Ốn (SN 1987) đều dần trở thành tật nguyền.

 

Bà biết tên các con nhờ vào sổ hộ khẩu nhưng để phân biệt tên từng đứa gắn với từng con người cụ thể thì bà không nhớ nổi, bởi tất cả 7 đứa con bà có khuôn mặt gần giống nhau. Thật ra bà cũng chẳng cần phân biệt làm gì, bởi chúng nó đều giống nhau là... chẳng hiểu gì cả. Đã mấy chục năm, tối bà kêu tất cả vào nhà đóng cửa lại, sáng thức dậy cho con ăn rồi căn dặn từng đứa một không được đi xa nhà. Được cái, cả 7 đứa con của bà không phá phách xóm giềng nên ai cũng thương.

 

Nuôi 7 đứa con chỉ với 3 công đất đã là quá sức với một gia đình bình thường, đối với bà Rách vừa kiếm cái ăn vừa cùng lúc chăm sóc cho con quả là quá sức. Khi các con còn nhỏ, ông Dẫu còn tỉnh táo, đôi lúc đi làm thuê khắp xóm để tìm miếng cơm, chia sẻ gánh nặng cùng vợ. Rồi người đàn ông này cũng sụp đổ theo căn bệnh của những đứa con và một phần chất độc hoành hành cơ thể. Ông không còn khả năng để trở thành một người bình thường được nữa. Mỗi lần nhìn chồng, con bị căn bệnh quái ác hành hạ, 3 công đất ruộng cũng lần lượt “khoác áo” ra đi. Thấy gia đình chị quá khổ, người em của bà Rách cho mượn hơn 1 công đất để bà trồng lúa nuôi các con qua ngày.

 

Số phận chưa buông tha gia đình bà Rách. Thấy đứa con gái Ngô Thị Ba còn tỉnh táo, bà gả chồng cho chị. Rồi lần lượt 2 đứa em chị Ba cũng lấy vợ. Nhưng hiện chỉ vợ anh Ngô Văn Mỹ Ốn còn ở với chồng, còn người con dâu kia chỉ ở với chồng được mấy ngày đã xách áo ra đi.

 

Gả chồng, cưới vợ cho con chưa được niềm vui trọn vẹn thì 2 hai đứa cháu ngoại (đứa 5 tuổi, đứa 6 tuổi) và 1 đứa cháu nội (2 tuổi) của bà Rách hiện cũng có triệu chứng không bình thường. Bà Rách buồn tủi nói, lý ra bà không nên gả chồng, cưới vợ cho con, nhưng vì thấy chúng nó tỉnh táo hơn những đứa khác nên lập gia đình để nó có nơi nương tựa. Khổ nỗi con rể, con dâu cũng không bình thường, đúng là “nồi nào úp vun nấy”.

 

Nhờ khoản tiền trợ cấp mỗi tháng của chồng và các con, cộng với hơn 1 công đất ruộng, bà Rách không còn phải chạy gạo từng lon lo cái ăn cho con. Tuy nhiên, cách đây 4 năm, khi đi Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu khám bệnh, bác sĩ phát hiện bà bị bệnh tiểu đường type 2. Bà rưng rung nước mắt: “Căn bệnh của tôi chết nay sống mai. Chỉ tội cho cha con chúng nó. Nếu tôi chết rồi, không biết cha con chúng nó sống ra sao. Ai nấu nước trà cho ổng uống, nấu cơm cho cả nhà, giặt đồ, đóng cửa...”. Cũng vì không ai trông coi, vào ngày 30 Tết năm 2008, người con trai cả của bà là Ngô Văn Hai ngã xuống ao thiệt mạng.

 

Ông Phạm Văn Khanh, cán bộ Ban văn hóa xã hội thị trấn Châu Hưng (Vĩnh Lợi), cho biết, địa phương đã xác nhận cấp 6 sổ trợ cấp gồm chồng và 5 đứa con cho gia đình bà Rách. Hai người con còn lại, một đã chết, người còn lại mặc dù mời đến trung tâm y tế khám để có kết quả xét cấp sổ trợ cấp nhưng anh ta chưa chịu đi. Sắp tới, sẽ cho kiểm tra dâu, rể, các cháu còn lại, nếu phát hiện bệnh sẽ cho hưởng chế độ chính sách theo quy định.

 

Chiến tranh đã qua đi nhưng trong gia đình bà Rách, một “cuộc chiến” khác đang “quần nát” từng số phận trớ trêu.

 

Huỳnh Sử

TTXVN