1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Máy phát điện - “quả bom” trong nhà

Nắng nóng, cắt điện liên tục khiến người dân đổ xô đi mua máy phát điện. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, máy phát điện có thể trở thành một “quả bom” gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Trường hợp gia đình chị Nguyễn Minh Hà ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội đang được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vì ngộ độc khí CO2, là một ví dụ.

 

Người nhà chị Nguyễn Minh Hà kể lại: Cách đây ít hôm, chồng chị Hà mua một máy phát điện chạy bằng xăng tại phố Trường Chinh. Nhà chị Hà rộng 40m2, cao 5 tầng và thường xuyên đóng kín cửa. Máy phát điện đặt ở tầng 1, vợ chồng chị và hai con ở tầng 4 và 5.

 

Một buổi tối, mẹ chị Hà đến nhà con gái chơi nhưng bấm chuông mãi không được, bà nhờ hàng xóm phá cửa vào nhà thì phát hiện cả nhà đã bất tỉnh. Máy phát điện đã tắt nhưng trong phòng nồng nặc mùi khí CO2. Người chị Hà đã trắng nhợt, chồng chị và hai con đều trong trạng thái lơ mơ, đau đầu, buồn nôn và không nhớ gì. Chị Hà được đưa đi cấp cứu tại BV Bạch Mai, còn chồng và 2 con chị vì nhẹ hơn nên được đưa đến bệnh viện khác gần nhà.

 

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai - cho biết, khi tới viện, chị Hà vẫn trong tình trạng hôn mê, não bị tổn thương, có các bằng chứng cho thấy chị đã bị co giật nhiều và suy hô hấp nặng tại nhà. Sau khi điều chị tích cực 5 ngày, chị Hà đã tỉnh táo, tuy nhiên tình trạng tổn thương não của chị vẫn phải được theo dõi tiếp.

 

Nguyên nhân gây nên tình trạng trên với chị Hà và gia đình là do máy phát điện sử dụng nhiên liệu đốt và được đặt trong nhà. Xăng được đốt cháy trong khi chạy máy phát điện sẽ tiêu thụ khí ôxy, đồng thời sinh ra khí thải của máy chứa nhiều Các-bon-đi-oxít (CO2). Khí này chiếm mất chỗ của ôxy trong không khí, gây ngạt thở.

 

Đặc biệt, trong khí thải của máy phát điện còn có khí Các-bon-mô-nô-xít là một khí rất độc. Tình trạng này cũng xảy ra khi sử dụng các loại bếp, động cơ khác có sử dụng nhiên liệu, đặc biệt các nhiên liệu có các bon (xăng, dầu, khí gas, than, củi) trong các phòng kín. Đây là nguyên nhân gây ra các trường hợp ngộc độc nặng, thậm chí tử vong hoặc di chứng lâu dài về thần kinh trên người.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, khi nghi ngờ có người bị ngộ độc khí thải từ máy phát điện, cần nhanh chóng mở rộng các cửa, khẩn cấp đưa nạn nhân ra nơi thoáng khí rồi gọi cấp cứu và đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Nếu nạn nhân thở yếu hoặc ngừng thở thì hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt và gọi cấp cứu y tế hỗ trợ.

Cách đây hai tháng, BV Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TPHCM) cũng đã tiếp nhận 18 người ngộ độc tại một nhà nghỉ. Nguyên nhân vụ ngộ độc là do khí CO2 thải ra từ máy phát điện của nhà nghỉ, do không có ống dẫn ra ngoài nên mọi người hít phải và ngất xỉu.

 

Đối phó với nguy cơ thiếu điện trong mùa hè, nhiều hộ gia đình cần tới máy phát điện. Tuy nhiên, các nhà sản xuất máy phát điện khuyến cáo, mặc dù hoạt động của máy gần như được tự động hoá hoàn toàn nhưng khi khách hàng sử dụng không đúng cách sẽ xảy ra các sự cố gây hậu quả khó lường như chập cháy, khí thải không thoát ra ngoài gây ngộ độc hàng loạt.

 

Để phòng tránh ngộ độc, không nên sử dụng các loại động cơ, bếp sử dụng nhiên liệu trong phòng, nhà kín hoặc các khu vực kín khác. Với máy phát điện nên đặt ở nơi thoáng khí, riêng biệt với khu sinh hoạt hoặc nghỉ ngơi.

 

Theo Nguyễn Thanh Xuân

Nông Thôn Ngày Nay