1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Mất thăng bằng” tại lễ hội Huyền Trân

(Dân trí) - Lễ hội Đền Huyền Trân ở núi Ngũ Phong (phường An Tây, thành phố Huế) có một chương trình và màn mở đầu khá hoành tráng. Nhưng càng về sau, du khách tham dự càng… mất thăng bằng.

“Mất thăng bằng” tại lễ hội Huyền Trân - 1
(Ảnh: Phước Giang)
 
Ngày mùng 9 tháng giêng, tại núi Ngũ Phong, lễ hội Đền Huyền Trân đã được tổ chức. Trước đó, ngày 21/1, tại khách sạn Hương Giang, Ban tổ chức thông báo: So với lần đầu, lễ hội Đền Huyền Trân năm nay có qui mô lớn hơn, nhiều chương trình văn hoá, thể thao phong phú, đa dạng bao gồm hai phần lễ và hội.

 

Theo kịch bản, phần hội có sự tham gia của năm đơn vị nghệ thuật của trung ương, đại diện cho văn hoá ba miền, gồm Nhà hát Chèo Trung ương, Nhà hát chèo Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật tuồng Nguyễn Hiển Đĩnh, Đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và một số đơn vị nghệ thuật của Huế.

 

Lễ hội cũng qui tụ nhiều hoạt động trình diễn, tôn vinh các làng nghề truyền thống Huế như gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, tranh in làng Sình, chằm nón Phú Cam, thúng mủng Bao La... cùng nhiều trò chơi dân gian vui nhộn, lý thú như chọi gà, trình diễn thư pháp, biễu diễn trích đoạn tuồng, ca Huế, hát sắc bùa, hát bài chòi, biểu diễn quyền cước, trình diễn trang phục truyền thống Huế...

 

Tại đây, du khách cũng sẽ có dịp thưởng thức một số đặc sản ẩm thực như đậu hủ gánh, bánh khoái Huế, rượu cần Tây Nguyên và các loại hàng gánh, đòn ngồi bình dân... Lễ hội huy động trên 600 nghệ sĩ, diễn viên và người dân tham gia. Ban tổ chức sẽ bố trí một địa điểm thuận tiện tại khu vực lễ hội cung cấp thông tin và đường  truyền internet phục vụ báo chí…

 
“Mất thăng bằng” tại lễ hội Huyền Trân - 2

Từ thông báo hoành tráng của Ban tổ chức, nhiều du khách hoan hỷ tới tham dự lễ hội (Ảnh: Nguyễn Khánh)
 

Chính thức diễn ra ngày 9 tháng Giêng (3/2/2009), lễ hội Đền Huyền Trân được xây dựng với mục tiêu sẽ là lễ hội văn hoá lớn, có ý nghĩa tri ân công chúa Huyền Trân, một nhân vật lịch sử có công mở nước, tạo lập vùng đất Thuận Hoá cách đây 700 năm; quảng bá sản phẩm du lịch mới và phát huy các giá trị của Trung tâm Văn hoá Huyền Trân đang trong thời gian tiếp tục đầu tư, hoàn thiện.

 

Tuy nhiên, ngoài phần lễ khá long trọng với đầy đủ các quan chức đủ lễ với áo dài khăn đóng và rất nhiều hoa - do các hội Liên hiệp Phụ nữ từ Trung ương đến địa phương cấp phường, xã và cả thôn, tổ tặng - thì các hoạt động còn lại đều khá nghèo nàn, xô bồ, cẩu thả.

 

Những “thương hiệu” như nhang trầm Thủy Xuân thực chất chỉ là một hộ làm nhang của xã Thủy Xuân; thúng mủng Bao La, ông chủ cho biết do BTC yêu cầu nên “lấy đại” mấy sản phẩm còn sót lại của lần trưng bầy gần nhất mang lên treo cho có. Các trò chơi dân gian, vui nhộn, lý thú; biểu diễn quyền cước; hát bài chòi… không diễn ra hoặc có diễn thì cũng nhạt, không tạo được ấn tượng tốt.

 

Về ẩm thực, ngoài một vài gánh hàng rong thì các món chay do một số ni sư bưng dọn bằng… đĩa nhựa, nước chấm được gói trong bao nilon, để du khách no lòng hơn là thưởng thức.
 
“Mất thăng bằng” tại lễ hội Huyền Trân - 3

Cơm chay được đựng vào đĩa nhựa và túi nilon (Ảnh: Nguyễn Khánh)

 

Tất nhiên, về yếu tố tâm linh, sẽ có rất nhiều người đến với Lễ hội Huyền Trân và sẽ còn nhiều người nữa tìm đến vì công trình này được Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang đầu tư khá công phu và nghiêng về tín ngưỡng Phật giáo. Nhưng quả thật, lễ hội đã diễn ra trong sự… mất thăng bằng của du khách nhiều hơn là hoan hỷ, hài lòng.

 

PVG