1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mầm non theo lính thợ đi ca

5 giờ sáng. Cả công trường thuỷ điện Lai Châu còn ngập trong sương sớm, trời lạnh buốt. Lúc này, ca ba của các cô chú công nhân trên công trường chuẩn bị kết thúc cũng là lúc bé Đỗ Đức Tú (4 tuổi) phải dậy đi học dưới bản để mẹ kịp nhận ca một.

Đã 1 năm nay, từ khi theo bố mẹ lên công tác tại thủy điện (TĐ) Lai Châu, Tú thường bắt đầu ngày học mới của mình như vậy và nhiều hôm Tú chỉ được đón về vào lúc 21 giờ đêm khi bố mẹ hết ca hai. Ở đây, không riêng Tú mà còn rất nhiều bạn nhỏ khác đang trong độ tuổi mầm non, nhưng vì chưa có trường học nên phải “đi ca” theo bố mẹ và còn nhiều cháu đành phải xa vòng tay yêu thương của bố mẹ.

 

Bố mẹ giao ca, con cũng đi ca

 

Mẹ của Tú - chị Lương Thị Loan cùng chồng là anh Đỗ Đức Thống - đều là thợ sửa chữa ôtô của Cty TNHH MTV Sông Đà 908 (Sông Đà 9) sinh Tú trên công trường TĐ Sơn La. TĐ Sơn La hoàn thành, anh chị lại tiếp tục kéo con theo lên TĐ Lai Châu. Chị Loan ngậm ngùi: “Ca một của em bắt đầu từ 6 giờ, nhưng 5 giờ 15 đã phải lên xe để ra công trường, vì vậy 5 giờ sáng mặc dù con đang say giấc em cũng phải quấn chăn cho con rồi ôm cháu đi xe máy xuống gửi dưới bản cách nơi ở khoảng 2km. Công trường chưa có trường mầm non, trường của xã vừa xa vả lại cũng không nhận sớm và chịu cho đón muộn nên em đành gửi nhà dân trong bản. Nhiều hôm vợ chồng cùng đi ca, đến gần 22 giờ đêm em mới đón con về, khi đó cháu cũng đã ngủ ngặt ngoẹo rồi. Nghĩ cũng tội và thương con lắm, nhưng đặc thù công việc, nhất là tiến độ trên công trường những ngày này đang rất gấp rút nên vợ chồng em không còn cách nào khác”.

 

Mầm non theo lính thợ đi ca

Hết ca ba, anh Hoàng Quang Trung trông con để vợ đi làm.

 

Thích nghi với hoàn cảnh và đặc thù công việc khiến các ông bố trẻ trên công trường cũng trở nên tháo vát hơn trong việc gia đình. 6 giờ sáng. Mắt còn đỏ hoe vì vừa đi ca ba về, chưa được chợp mắt, anh Hoàng Quang Trung đã phải nhận bàn giao “ca bốn” từ vợ - trông cô con gái hơn 1 tuổi kèm đứa cháu con em vợ mới 8 tháng tuổi để vợ và em kịp đi làm ca một. Anh Trung cùng vợ là Nguyễn Thuỳ Dung - đều là cán bộ Cty Sông Đà 9 - đưa con lên công trường từ sau Tết Nguyên đán. Trung giãi bày: “Sau cả đêm làm việc, về đến nhà em cũng muốn chợp mắt chút để dưỡng sức cho ca sau, nhưng vợ phải đi làm, không còn ai trông con nên đành phải cố chứ biết sao bây giờ. Việc Cty giao, vợ chồng em không thể sao nhãng, con còn nhỏ đương nhiên là sinh hoạt sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chúng em phải tự khắc phục thôi. Ở đây, nhiều anh em cũng vậy cả”.

 

Quá quen và thấm về những gian truân, khốn khó của gia đình các cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường xây dựng thuỷ điện, nhưng Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp 506 (Cty Sông Đà 5) Trương Quốc Khiêm vẫn chưa hết ái ngại. Anh kể: “Tôi đã từng chứng kiến cảnh hai vợ chồng ở xí nghiệp phải giao ca lúc 5 giờ sáng, vì không gửi được con cho ai vào giờ đó nên ông bố đành đùm con trong áo khoác, bế theo ra ngoài hiện trường để giao lại cho mẹ vừa hết ca ba. Thời tiết mùa này ở Lai Châu khắc nghiệt lắm, người lớn còn ốm hàng loạt nói chi đến trẻ con. Nhìn cảnh đó, tôi vừa thương cháu vừa ngậm ngùi nhớ tới con gái mình. Không nỡ để con phải chịu cảnh gần bố mẹ nhưng không được đến trường, tôi đành gửi con ở quê với dì. Vậy mà, biền biệt từ tháng 12/2010 đến nay, vì bận tiến độ của công trường nên tôi chưa được phép về thăm con. Nhớ con, cứ đến 17 giờ chiều, tôi bốc máy gọi về nói chuyện, lần nào cũng vậy, đáp lại, cháu chỉ hỏi mỗi câu: “Bao giờ bố về?”.

 

“Mẹ về đi, đói quá thì ăn mì tôm!”

 

Những gia đình có cả vợ và chồng cùng công tác trên công trường phải gửi con ở quê nhờ ông bà nội, ngoại, người thân trông giúp như anh Khiêm không phải là hiếm. Lính thợ Sông Đà là vậy, nơi nào cần là họ lại lên đường, vì dòng điện ngày mai của tổ quốc, họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư, chấp nhận gửi lại hậu phương những đứa con thân yêu để hoàn thành nhiệm vụ. “Không người mẹ, người cha nào muốn xa con đâu. Xa con lâu, nhớ và xót con lắm em ơi”. Trong nỗi nhớ con khắc khoải, chị Trần Thị Huệ - thợ điện Xí nghiệp Sông Đà 5 - không ngăn được nước mắt: Lần nào gọi điện về cháu cũng bảo: “Con muốn mẹ lắm, con chỉ cần mỗi mẹ thôi. Con không muốn tiền nhiều, con ăn một bữa, một bữa mẹ ăn. Mẹ về đi, nếu đói quá thì ăn mì tôm!”. Chị kể, nhiều khi gọi điện thoại về chả biết nói gì, mẹ khóc, con khóc.

 

Tủi nhất là khi con ốm đau mình không thể chăm lo. Quặn lòng hơn, sau một thời gian xa con, về đến nhà, không hiếm ông bố, bà mẹ ở đây bị con gọi thành chú, thành cô.

 

Cùng chung nỗi lòng xa cách tình mẫu tử, Cao Thị Thanh Hoà - nhân viên Ban điều hành dự án TĐ Lai Châu - bùi ngùi: “Công việc trưởng phòng kỹ thuật ban điều hành của chồng em rất bận, nhiều khi đến 2 giờ sáng vẫn còn ở ngoài hiện trường nên chúng em đành gửi cháu lớn 5 tuổi về nhờ ông bà nội ở Thanh Hoá trông giúp. Hồi cháu mới về, em gọi điện về hỏi thăm, cháu khóc cả tiếng đồng hồ. Hôm qua gọi điện, cháu nì nèo mặc cả: “Chỉ 2 tuần nữa thôi, mẹ phải về đón con lên”. Nghe ông bà kể, đêm nào đi ngủ, cháu cũng ôm ảnh cưới của vợ chồng em ngủ cùng để nghĩ rằng bố mẹ luôn bên mình, thương lắm chị ạ. Em chỉ mong trường mầm non trên công trường sớm đi vào hoạt động để đón con lên cùng đoàn tụ”.

 

Ôm con mới 6 tháng tuổi, chị Nguyễn Thị Hương Vĩnh - nhân viên phát ca Sông Đà 9, có chồng làm kế toán cùng Cty - chạnh lòng: Chị em có con nhỏ trên công trường khổ lắm, nhiều khi vứt con lay lắt, gửi hết chú này đến chú kia bế đi chơi long rong. Rồi còn cảnh đêm đêm bà ru cháu, ông chăm cháu cho con yên tâm đi ca. Nhận giúp nhau không toan tính, nhiều thanh niên trẻ trở thành ông bố, bà mẹ bất đắc dĩ, người đi làm ca này, trông cho người đi làm ca khác... Hơn 2 năm từ khi công trường đi vào hoạt động, ai cũng khắc khoải, ngóng trông trường mầm non sớm đi vào hoạt động để có chốn gửi con mà yên tâm công tác.

 

Trường đã có, nhưng chưa thể hoạt động

 

Chúng tôi lên TĐ Lai Châu (xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) đúng dịp toàn công trường đang rầm rập khí thế thi đua làm việc 3 ca suốt ngày đêm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu để ngăn sông đợt 1 vào tháng 4/2012 theo nhiệm vụ Chính phủ giao. Chánh Văn phòng Ban điều hành Dự án TĐ Lai Châu Nguyễn Hữu Hiểu cho biết: Thời điểm hiện tại trên công trường có gần 4.000 CNVCLĐ đang làm việc, trong số này có hơn 300 là nữ. Dự tính, thời kỳ cao điểm, sẽ có khoảng hơn 11.000 người làm việc, kéo theo số gia đình có con nhỏ đi theo lên công trường sẽ còn tăng nên nhu cầu có trường mầm non để gửi con đang rất bức bách.

 

Mầm non theo lính thợ đi ca
Trường lớp đã xây xong, nhưng đang chờ trang thiết bị.

 

Theo đăng ký của các đơn vị gửi lên, hiện đã có gần 100 cháu trong độ tuổi từ 1 - 5 tuổi đang ở cùng bố mẹ trên công trường hoặc phải gửi về cho ông bà, người thân trông giúp có nhu cầu theo học. Chung nỗi lo với anh em, ban điều hành đã phối hợp với chủ đầu tư dự án xây dựng và hoàn thành khu cơ sở trường học có quy mô 2.000m2 với 5 phòng học, tường rào, sân chơi... có thể đáp ứng nhu cầu cho 100 cháu theo học, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có kinh phí đầu tư trang thiết bị, đồ dùng cho học tập.

 

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè Trần Đức Hiển cho biết: “Chúng tôi đang gấp rút hoàn thành thủ tục và chuẩn bị đội ngũ giáo viên giúp trường mầm non công trường có thể hoạt động tạm thời theo 1 nhánh của Trường Mầm non Nậm Hàng vào đầu tháng 5 này. Sau đó, tới 1/8 mới chính thức khai giảng và công bố quyết định thành lập trường công lập trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Trước mắt, kinh phí đầu tư trang thiết bị, đồ dùng tối thiểu để giúp trường hoạt động được cũng tầm 500 - 700 triệu đồng. Đây là số tiền quá sức với một huyện miền núi còn khó khăn nhất của Lai Châu, mặc dù chúng tôi cũng rất muốn san sẻ khó khăn với gia đình công nhân công trường”.

 

Trong chuyến xe khách từ công trường TĐ Lai Châu trở về Hà Nội vào ngày cuối tuần cùng chúng tôi có rất nhiều anh em công nhân tranh thủ nghỉ làm về thăm vợ con, có anh háo hức khoe dịp này sẽ đưa con lên cùng vì nghe nói sắp có nhà trẻ để con đi học. Chia sẻ niềm vui với anh, nhớ tới lời của Trưởng ban đại diện Công đoàn Sông Đà tại TĐ Lai Châu Đỗ Chí Tiên: Lính thợ Sông Đà là thế. Không sợ khổ, không ngại khó, chỉ lo vì mình mà con cái khổ theo. Bao thế hệ con em Sông Đà đã lớn lên cùng các công trình thuỷ điện khắp đất nước. Họ đã hy sinh tuổi trẻ của mình thì nhiệm vụ của chúng ta là lo cho con cái họ được học hành đầy đủ, để rồi mai này lớn lên, chúng sẽ lại chung tay dựng xây đất nước.

 

Theo Bảo Duy

 Lao động