1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Lũ lụt ở Lục Nam (Bắc Giang):

Lũ đi qua, nông dân khóc

(Dân trí) - Lúa đang trổ bông thì lũ ào về ngập thối rễ, ba lần cấy mà không được gặt, tiền nông dân đổ vào vụ lúa này giờ mất sạch; gặp con chưa đầy tuần, một đôi vợ chồng trẻ đã phải khóc con chết đuối...Người dân ở Bắc Giang đang méo mặt sau cơn lũ.

Chiều qua (28/9), mực nước lũ trên sông Lục Nam đã rút xuống còn 6,19 m trên mức báo động 3 là 0,3. Một số xã của huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang vẫn bị cô lập trong nước lũ như Cương Sơn, Huyền Sơn và Trường Giang. Ở các xã này, nhiều nhà dân ngập trong rác. Bà con ở những vùng bị lũ cô lập cũng đã nhận được hàng cứu trợ gồm: mỳ tôm, nước uống, chăn, màn.

Tại thị trấn Đồi Ngô (huyện Lục Nam), nước đã rút hơn 1 m so với ngày 27/9 tuy nhiên một số nơi thấp trũng vẫn còn chìm trong nước. Sáng nay, nhiều bà con ở thị trấn Đồi Ngô đã dọn dẹp nhà cửa, hong phơi giường tủ, bàn ghế, xoong nồi và các vật dụng khác. Cuộc sống của bà con bị xáo trộn trong hai ngày lũ nay đã dần ổn định trở lại. 

Lũ đi qua, nông dân khóc - 1

Hàng cứu trợ đến với người dân

 

Cấy đến 3 lần không được gặt

Tại các xã Tiên Hưng, Nghĩa Phương… nằm trên tỉnh lộ 293 nước rút và đường đã bắt đầu thông xe. Tuy nhiên khi đến các xã này chúng tôi thấy cảnh nông dân ở đây vẫn thẫn thờ, rưng rưng nước mắt ngồi nhìn những ruộng lúa đang thì con gái, lúa trổ bông ngập sâu trong nước lũ. Có những thôn từ đầu vụ đến nay cấy đến ba lần mà vẫn không có thóc ăn. Cụ Nguyễn Thị Lượng, 76 tuổi sụt sùi: “Mùa đói đã bắt đầu vây bà con khu Ngạc rồi chú ơi”.

Cánh đồng thôn Dà Khê (xã Tiên Hưng) mấy hôm trước lũ ùa về vẫn còn xanh tươi và ngát thơm mùi lúa trổ bông. Giờ đây bà Nguyễn Thị Mạch thẫn thờ nhớ lại: “khi đi thăm đồng về thấy lúa nhà mình đẹp tôi mừng thầm và hằng nghĩ là vụ này sẽ được mùa, ai ngờ chỉ sau một đêm là nước trắng trời. Hơn 2 ha lúa chìm trong biển nước. Nước có rút hết thì lúa cũng không sống được nữa”.

Lũ đi qua, nông dân khóc - 2

Lúa đang trổ bông, nay chết úng

 

Giờ thóc trong nhà chẳng còn bao nhiêu thóc lại phải nuôi ba đứa con ăn học, bà Mạch lại chỉ dựa vào 2 ha ruộng đó để trang trải cho cuộc sống nên bà không khỏi ái ngại cho tương lai: “không biết sắp tới sẽ sống bằng gì đây?”.

Giá phân bón tăng cao, bà con nông dân đổ tiền để mua phân bón cho lúa mùa này đã mất sạch. Chị Nguyễn Thị Mơ đã phải đi vay khắp “làng trên xóm dưới” mới được hơn 1 triệu cộng thêm tiền tích cóp của vợ chồng để mua lân, đạm, thuốc trừ sâu cho hơn 1ha lúa vụ này với ước vọng được mùa. Ai dè, lũ đến bất ngờ khiến nhà chị giờ đây trực chờ cái đói. 

Lũ đi qua, nông dân khóc - 3

Phơi gạo ướt.

Khi đến xã Nghĩa Phương chúng tôi được chứng kiến cảnh bà con phơi thóc ướt, phơi gạo mà cám cảnh. Nhà bà Dương Thị Định có 7 tạ thóc của vụ trước nay lũ về không chạy kịp nên ướt hết. “Thóc ngâm hơn 1 ngày trong nước giờ gần như mọc mầm, thấy trời nắng nên tôi cứ phơi ra cho khỏi tiếc của trời”, bà Định buồn rầu.

Nhưng buồn bã hơn là cảnh bà con Khu Ngạc (xã Nghĩa Phương) cấy đi cấy lại đến ba lần vụ này mà đến khi lúa đang trổ bông thì lũ về ngập hết cả cánh đồng. Tại cánh đồng Khu Ngạc, chúng tôi thấy một biển nước mênh mông. Thỉnh thoảng có những ngọn lúa thoi thóp đâm lên. Những chiếc lá lúa hở ra sau khi nước rút đã bắt đầu khô héo, rễ cũng đã bắt đầu đen, thối hi vọng để cứu lúa là không thể. Nhưng ở một góc nhỏ của cánh đồng Khu Ngạc, những nông dân cần mẫn vẫn đang đi “rửa lúa”.

Lũ đi qua, nông dân khóc - 4

Cố rửa lúa với hi vọng còn nước còn tát

“Tôi lấy nước té lên ngọn lúa cho sạch đất phù sa nhưng không biết lúa có sống nổi không”, bà Nguyễn Thị Huệ nói trong vô vọng. Xã Nghĩa Phương có 859 ha lúa bị ngập và hi vọng chờ nước rút để cứu lúa là không thể. 

Ông Nguyễn Thanh Nghị - Chủ tịch xã Tiến Hưng - cho biết: “xã có 198 ha lúa bị ngập lụt và không còn hi vọng cứu được. Về lâu dài khi nước rút chúng tôi sẽ khuyến cáo bà con trồng cây thích hợp với vụ mùa”.

Đôi vợ chồng trẻ bất hạnh

Người bố Vũ Đức Phong khóc ngất trước tấm di ảnh của đứa con trai 3 tuổi khi chúng tôi đến. Cậu con trai kháu khỉnh, bụ bẫm, khuôn mặt trắng hồng luôn tươi cười giờ chỉ là hình ảnh trong tâm trí của người mẹ trẻ. Chị Phạm Thị Chiên đã cạn khô nước mắt vì đứa con trai bé bỏng ra đi trong mưa lũ.

Buổi trưa ngày 26/9 mãi là buổi trưa định mệnh với vợ chồng anh Phong. Sau khi xem hết chương trình phim truyện trên VTV1 thì vợ chồng anh đi ngủ cùng cậu con trai Vũ Đức Khánh. Lúc đó, ngoài trời mưa to như trút nước, ngập gần đến bậc thềm nhà. Anh chị Phong cứ tưởng rằng cháu Khánh cũng nằm ngủ. Ai ngờ khi tỉnh dậy không thấy con đâu, anh Phong nháo nhào hô hoán cả nhà đi tìm. Chạy khắp nhà và hàng xóm không thấy cháu Khánh đâu khiến ai trong nhà cũng hoảng sợ. 

Một tia điện chẳng lành chạy qua tim anh Phong, anh liền đi ra cây khế gần ao của nhà thì rụng rời chân tay nhìn đứa con nhỏ nằm đó. Anh bế xộc cháu lên và gọi nhưng không thấy cháu thưa. Đến khi mẹ anh Phong nói “nó bị chết đuối rồi” anh mới tin là sự thật.

Lũ đi qua, nông dân khóc - 5

Anh Phong thắp hương cho đứa con trai nhỏ

Ngày 26/9 là ngày thứ 6 mà vợ chồng anh Phong được gần con sau hơn 4 tháng tha hương vào miền Nam kiếm sống. Gia cảnh nghèo khó khiến vợ chồng anh phải để lại đứa trẻ cho bà nội ở quê để vào Nam với hi vọng thay đổi cuộc sống. Nhưng khi vào đây, hai vợ chồng gặp hết chuyện không may này đến chuyện không may khác khiến anh chị phải về quê với ý nghĩ rằng nghèo khó mà được gần con còn hơn ở nơi đất khách quê người. 

Những người trong xã Tiến Hưng ai cũng thương cho cảnh ngộ bất hạnh của đôi vợ chồng trẻ gặp phải trong mưa lũ. 

Quảng Dân