1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn (1959-2009):

Lời tri ân xuyên thế kỷ

(Dân trí) - Ngay dưới chân Tượng đài TNXP tại Quảng Bình, chương trình “Huyền thoại một con đường” đã được tổ chức hoành tráng và xúc động, như một lời tri ân sâu sắc gửi tới hàng vạn bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến…đã hy sinh cho công cuộc thống nhất Tổ quốc.

Trường Sơn nay nhớ Trường Sơn xưa 

Chương trình “Huyền thoại một con đường” quy tụ trên 500 nghệ sĩ tham gia, được dàn dựng mang đậm chất sử thi hoành tráng. Được tố chức ngay dưới chân tượng đài Thanh niên xung phong (TNXP) giữa núi rừng di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, từng lời hát, từng thước phim lịch sử như làm sống lại khí thế hào hùng của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Một chương trình nghệ thuật đậm chất sử thi anh hùng ca đã làm tất cả những người tham dự bồi hồi xen lẫn tự hào.
 
Đến dự có các ông Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; ông Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ tướng Chính phủ; các cựu chiến binh đường Trường Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và nhiều tỉnh, thành trong cả nước và nhiều đoàn nước ngoài.
 
Lời tri ân xuyên thế kỷ - 1

Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến tham dự chương trình.

Phần mở đầu chương trình tái hiện những năm tháng mở đường đầy khó khăn, gian khổ. Phần hai của chương trình là sự chi viện tổng lực của miền Bắc và ý chí quyết tâm xây dựng con đường huyết mạch giao thông chiến lược. Phần cuối là thắng lợi của con đường Hồ Chí Minh lịch sử và con đường Hồ Chí Minh trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay.

Chương trình có sự góp mặt của hàng trăm cựu chiến binh bộ đội Trường Sơn, TNXP, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông cách đây 50 năm đã chung tay xây dựng, chiến đấu và bảo vệ trên con đường xẻ dọc núi rừng mang tên Trường Sơn - Hồ Chí Minh, con đường của tinh thần, trí tuệ và máu xương của cả một dân tộc đang rừng rực quyết tâm đánh thắng ngoại bang.
 
Lời tri ân xuyên thế kỷ - 2

Chương trình được tổ chức với quy mô hoành tráng ngay dưới chân Tượng đài TNXP.

Hơn 20 tiết mục ca múa nhạc truyền thống giúp những người hôm nay hiểu thêm sự hy sinh của một lớp người sinh ra trong chiến tranh, hun đúc lòng yêu nước và căm thù xâm lược trong bom đạn chiến tranh. Họ là bộ đội, là TNXP, là dân công hỏa tuyến, là giao liên… tất cả đều tìm lại được hình ảnh của mình trong trang vàng chói lọi của lịch sử dân tộc.

Chương trình là lời tri ân sâu sắc của thế hệ người Việt Nam trong thế kỷ 21 đối với sự hy sinh cao cả của những con người máu đỏ da vàng đã làm nên kỳ tích vang dội thế giới trong thế kỷ 20.
 
Lời tri ân xuyên thế kỷ - 3

Chương trình gây xúc động mạnh với người xem.

"Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng những kỳ tích của con đường lịch sử, những chiến công của những người đã sống, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, trên mọi tuyến đường nói chung và ở Quảng Bình nói riêng sẽ được lưu danh muôn thuở và luôn ngời sáng trong trang sử chống ngoại xâm của dân tộc ta." - ông Phan Lâm Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình xúc động.

Sự ghi nhận kịp thời, xứng đáng

50 năm trước, từ khi con đường Trường Sơn được mở, đã có trên 223 nghìn cán bộ, chiến sỹ TNXP, dân công hỏa tuyến, bộ đội Trường Sơn đã vĩnh viễn nằm lại nơi đại ngàn. 30 nghìn người khác để lại một phần máu xương mình để xây nên con đường huyền thoại. Hàng vạn người khác đã chiến đấu, đã dâng hiến tuổi xuân cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Trường Sơn, với hơn 17.600 km chiều dài, 2.000 km đường giao liên và đi qua 3 nước. Con đường được xây nên bởi trí tuệ, tinh thần quả cảm và sự hy sinh của cả một lớp người.
 
Lời tri ân xuyên thế kỷ - 4

Chương trình kết thúc, để lại ấn tượng đẹp với hàng triệu khán giả cả nước.

Hôm nay, sau đúng 50 năm Đảng và Nhà nước ta đã chính thức phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 8 TNXP đã hy sinh tại hang Núi Chiềng (còn gọi hang Tám Cô), sự hy sinh bi tráng nhất và đại diện nhất cho sự hy sinh của Đảng, của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh.

Đó là 8 TNXP quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa), thuộc đại đội 217, Đội TNXP 25, Ban xây dựng 67, Đoàn 559, hy sinh ngày 14-11-1972, tại Km 16+200, Đường 20 Quyết Thắng, thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Km 16 là "túi bom" trên tuyến đường chiến lược này. Tháng 6/1972, 8 TNXP được điều về chốt giữ với nhiệm vụ thông đường cho người và xe từ hậu phương lớn đến với tiền tuyến lớn. Mỗi ngày, cung đường này phải chịu hàng vạn tấn bom đạn của giặc Mỹ, nhưng với tinh thần “tất cả cho miền Nam ruột thịt”, họ đã kiên cường bám trụ trong bom đạn để giữ cho giao thông được thông suốt.

Ngày 14/11/1972 trong khi 8 TNXP đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom thì máy bay Mỹ ập đến trút trận mưa bom. 8 TNXP anh hùng đã chạy vào tránh bom trong hang Núi Chiềng, nơi trú ẩn của họ mỗi khi máy bay Mỹ càn quét. Trận bom điên cuồng chưa qua, một quả tên lửa được bắn ngay cửa hầm nơi 8 TNXP trú ẩn làm khối đá khổng lộ lăn xuống lấp kín cửa hang.

Khi tiếng gầm rú của máy bay địch đã xa dần, đại đội 217 nghe tiếng kêu cứu từ hang đá vọng ra thảm thiết. Mọi biện pháp có thể đều được sử dụng: dùng xe bánh xích kéo đá, thậm chí có người còn nghĩ đến việc dùng thuốc nổ phá đá. Nhưng cuối cùng, khối đá vô tri đã không nhúc nhích. 9 ngày trôi đi, những tiếng kêu cứu “Các anh ơi, cứu chúng em với”, những tiếng gọi “Mẹ ơi”, “Bầm ơi” đã yếu dần rồi lịm tắt. Cả 8 người anh hùng tuổi 20 đã nằm lại trong hang đá lạnh.

Câu chuyện về sự hy sinh bi tráng của 8 TNXP tại hang Tám Cô đã lan truyền trên toàn mặt trận, làm tăng thêm lòng căm thù giặc, nhân lên quyết tâm đánh thắng quân xâm lược. Đó là tấm gương để những lớp cán bộ, chiến sỹ, dân công kiên trung với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đánh thắng quân xâm lược và thống nhất tổ quốc. Đó cũng là tấm gương của lòng yêu nước, giúp  những người sinh ra, lớn lên trong hòa bình hiểu sâu sắc hơn về một thời của máu và hoa.

Hồng Kỹ