1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hải Phòng:

Lợi dụng dự án “hô biến” hàng triệu m3 đất?

(Dân trí) - Một dự án chống sạt núi được thành phố phê duyệt với kinh phí đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng mặc dù triển khai đã hơn 1 năm nay nhưng chống trượt núi chưa thấy, chỉ thấy hàng triệu m3 đất tại đây đã bị đào bới đem ra ngoài.


Chống sạt lở đâu chưa thấy chỉ thấy núi bị khoét sâu hàng trăm mét khối đất đá.

Chống sạt lở đâu chưa thấy chỉ thấy núi bị khoét sâu hàng trăm mét khối đất đá.

Chống sạt núi hay khai thác đất đá?

Từ nhiều năm nay, núi Xuân Sơn trên địa bàn thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, TP Hải Phòng xuất hiện vết trượt nứt đất đá lớn, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống các hộ dân sinh sống phía dưới chân núi và người tham gia giao thông trên tuyến đường 357.

Trước thực trạng trên, ngày 24/11/2015, UBND TP Hải Phòng có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng chống sạt lở tại đây với nguồn kinh phí 11,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 50%, còn lại ngân sách huyện đối ứng. Thành phố cũng giao huyện An Lão làm chủ đầu tư dự án trên và đơn vị đầu mối là Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện. Dự án thực hiện trong 3 năm (từ 2015 đến 2017)

Theo phương án thi công công trình được các cơ quan chuyên môn của TP Hải Phòng phê duyệt, nhà thầu sẽ đào, bóc bỏ lớp đất phong hóa phía ngoài sườn núi có cung trượt từ cao độ +60m xuống tới chân núi.


Đất đá được đào bới từ dự án chống sạt được chở đến nhiều công trình san lấp trên địa bàn

Đất đá được đào bới từ dự án chống sạt được chở đến nhiều công trình san lấp trên địa bàn

Ngay sau khi Dự án được phê duyệt, huyện An Lão đã tổ chức đấu thầu thi công. Đơn vị trúng thầu là liên danh nhà thầu: Công ty TNHH xây dựng thương mại Hoa Phượng Đỏ và Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô.

Điều đáng nói, đến nay dù dự án đã được thực hiện hơn 1 năm nhưng việc chống trượt chẳng thấy đâu, chỉ thấy nhà thầu huy động thiết bị, máy móc, nhân công tập trung khoét sâu lòng núi để lấy đất mang ra ngoài.

Có mặt tại chân núi Xuân Sơn, phóng viên Dân trí ghi nhận tại đây có khoảng 3 chiếc máy xúc, máy đào cùng hàng chục công nhân đang hối hả làm việc. Đất được máy đào đưa ra ngoài, sau đó được máy xúc múc lên những chiếc xe tải đang chờ sẵn phía dưới. Khi đã đầy đất, hàng chục chiếc xe rầm rập chạy ra đường 357 và tỏa đi nhiều hướng. Chỉ chưa đầy 1 tiềng đồng hồ, theo quan sát của phóng viên, đã có tới 16 xe tải chở đầy đất từ chân núi chạy ra phía ngoài.

Hàng triệu m3 đất bị “hô biến”, dân khổ vì ô nhiễm

Theo phản ánh của một số người dân sinh sống ngay tại chân núi Xuân Sơn, từ khi dự án được thực hiện (cuối năm 2015 cho đến nay), trừ những ngày mưa bão, còn lại ngày nào nhà thầu cũng tổ chức đào bới đất từ trong lòng núi. Mỗi ngày ước chừng có tới hàng trăm lượt xe chở đất từ đây đi. Mỗi lần xe đi từ trong núi ra, đất cát vương vãi xuống đường, bụi bay mù mịt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân.

Để tận mắt chứng kiến, phóng viên đã mất nhiều ngày theo chân những đoàn xe tải chở đất trên và phát hiện, đất khai thác từ núi Xuân Sơn được chở đến cho hầu hết các công trình san lấp mặt bằng trên địa bàn TP Hải Phòng như công trình đường công vụ ra đê biển tại xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy; Dự án đường nông thôn mới tại xã An, Thái huyện An Lão và đi huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương).

Một chủ thầu xây dựng ở huyện An Lão "bật mí", cứ ở đâu có công trình san lấp là họ vận chuyển đất đá từ đây đến. “Sở dĩ nhiều công trình thích lấy đất đá của họ vì giá cả hợp lý và đáp ứng yêu cầu tiến độ”, chủ thầu này nói.

Còn theo nhận định của một cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hải Phòng thì với tốc độ khai thác tại núi Xuân Sơn như trên, chỉ với thời gian hơn 1 năm, có thể có tới hàng triệu m3 đất đá đã bị “hô biến”.

“Chưa kể việc khác thác kiểu khoét sâu vào lòng núi như thế này sẽ làm quả núi hẫng phía dưới, không có điểm tựa khiến vết nứt phía trên ngày càng rộng. Hàng nghìn m3 đất đá có thể đổ ập xuống phía dưới bất cứ lúc nào”, vị cán bộ này nhận định.

Hải Sâm - Tuấn Hợp