1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Loa phường: “Tuyên truyền mà phát ra rả khiến người nghe bực mình là thất bại!”

(Dân trí) - Đánh giá về phản ứng của dư luận trước sự phiền nhiễu của loa phường, tiến sĩ Đào Tuấn Hậu cho rằng: “Trên cơ bản, loa phường là công cụ thông tin tuyên truyền. Tuyên truyền là để dân hiểu và làm theo. Phát thanh tuyên truyền mà không tuân thủ nguyên tắc tuyên truyền là thất bại!”.

Thời gian qua, sau đề xuất bỏ loa phường của Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nhiều người dân sống tại các thành phố trên cả nước cũng đồng tình với quan điểm bỏ loa phường vì cho rằng hình thức truyền thông này không còn hiệu quả và gây phiền nhiễu cho đời sống cư dân đô thị.

Để có thêm 1 góc nhìn khác về vấn đề này, PV Dân trí đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Đào Tuấn Hậu, giảng viên khoa Triết học - ĐH KHXH&NV TPHCM, người từng có đề tài nghiên cứu “Vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở TPHCM trong thời kỳ đổi mới”.

Không phù hợp thì nên thay thế

- Thưa ông, thời gian qua nhiều người dân Hà Nội và đô thị các tỉnh đề nghị bỏ loa phát thanh tại các phường vì hiệu quả thông tin không cao mà gây phiền nhiễu đến đời sống của người dân. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ loa phát thanh là công cụ thông tin tuyên truyền, không thể phủ nhận trước đây nó là phương tiện phổ biến thông tin hiệu quả. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ và đời sống, hầu như cá nhân, gia đình nào cũng có 1 thiết bị thông tin cho riêng mình như tivi, máy tính, điện thoại di động... thì nhiều nơi loa phường không còn cần thiết và không phù hợp. Những nơi này bỏ đi cũng là hợp lý.

Tuy nhiên, trong đời sống thì việc tuyên truyền chính sách, thông tin chính thống để giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội là không thể bỏ. Nếu bỏ loa phường thì chính quyền phải tìm những phương tiện thông tin khác thay thế tốt hơn, phù hợp hơn với đời sống người dân đô thị.

Tại nhiều nước hệ thống thông tin tiên tiến, nhanh, hiệu quả cũng không thấy người ta sử dụng loa phát thanh ở khu dân cư mà họ vẫn quản lý tốt xã hội.

Tiến sĩ Đào Tuấn Hậu: Nơi nào không phù hợp thì nên bỏ
Tiến sĩ Đào Tuấn Hậu: "Nơi nào không phù hợp thì nên bỏ"

- Vấn đề hiện nay là nhà quản lý vẫn cho loa phát thanh còn hiệu quả rất lớn ở các vùng nông thôn, cư dân còn nghèo. Nhiều thông tin chính sách của địa phương đến với dân kịp thời cũng là nhờ có loa phát thanh. Tuy nhiên, với các đô thị đông đúc như Hà Nội thì cái loa chỉa thẳng vào nhà dân với âm lượng khủng khiếp vào mỗi sáng sớm là 1 điều không hề dễ chịu gì.

- Như tôi đã nói ở trên, vấn đề tiên quyết là công cụ thông tin phải phù hợp và phù hợp hay không là tùy thuộc vào đặc điểm của từng địa phương.

Như ở Hà Nội, nhiều người dân phản ứng có thể vì 3 lý do sau: thứ nhất là nội dung thông tin không hấp dẫn; thứ 2 là ô nhiễm tiếng ồn ở đô thị đã quá tải với đời sống của người dân nên thêm tiếng loa phường vào mỗi sáng sớm và chiều tối thì càng khiến người dân khó chịu; thứ 3 là thông tin ở đô thị quá phát triển nên nội dung loa phường cung cấp không còn thiết thực với đời sống người dân.

Do đó, cần có khảo sát thực tế ý kiến người dân từng địa phương và nên dành quyền lựa chọn cho ý kiến mà nhiều người đồng tình. Ngoài ý kiến của các chuyên gia, những hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đại đa số người dân như thế này nên có những cuộc thăm dò dư luận, điều tra xã hội học để có quyết định đúng đắn nhất. Nếu người dân địa phương đó cảm thấy nó không còn phù hợp, nếu dân không thích thì bỏ là đúng thôi. Đừng vì lý do cảm tính của cá nhân lãnh đạo nào mà bỏ quên quyền lợi của người dân.

Được tôn trọng đời sống cá nhân là 1 quyền lợi chính đáng của người dân. Như ở nước ngoài có chùa nhưng nếu đánh chuông không đúng giờ giấc làm ảnh hưởng đến đời sống cư dân xung quanh cũng bị cấm, có thể bị người dân kiện ra tòa. Loa phường cũng vậy, âm thanh của nó nếu vượt 1 mức độ nào đó cũng có thể xem là ô nhiễm tiếng ồn, chỉa loa vào nhà người dân là không tôn trọng đời sống cá nhân của họ.

Ở các tỉnh thì người dân ít phản ứng, nhưng ở các đô thị như Hà Nội, TPHCM thì lối sống cá nhân đang phát triển rất mạnh và tâm thế muốn được tôn trọng đời sống cá nhân của thị dân ngày càng cao nên tiếng loa phường trở nên phản cảm với họ.

Cần tôn trọng nguyên tắc tuyên truyền

- Có nhiều ý kiến cho là loa phường vẫn còn giá trị vì nó giúp cho công tác thông tin chính sách của quận - thành, chỉ đạo hoạt động chung của phường, khu phố... được dễ dàng và nhanh chóng hơn. Ngoài ra, tác dụng tuyên truyền chính sách, lối sống, định hướng dư luận chính thống của loa phường là mục tiêu không thể thay thế hay loại bỏ. Ông nghĩ sao về điều này?

-Với thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì việc thông tin hoạt động của khu phố, của phường có thể bằng rất nhiều cách. Như ở TPHCM, các phường hầu như đều không còn loa phường, mỗi khu phố có 1 bảng tin, có hoạt động gì lớn thì tổ trưởng tổ dân phố đến từng nhà gửi thư mời, thông báo... Vì địa giới 1 phường hiện không rộng lắm, việc đi lại cũng rất dễ dàng. Còn chính sách của quận – huyện, thành phố, trung ương thì người ta có thể tiếp xúc qua nhiều kênh như tivi, radio, báo chí...

Còn về mục tiêu tuyên truyền thì chúng ta cần xem xét lại vấn đề nguyên tắc tuyên truyền. Trong tác phẩm Hồ Chí Minh toàn tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài học hay về công tác tuyên truyền, tôi xin trích dẫn nguyên văn 1 số câu như: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”... “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”.

Như vậy, tuyên truyền cho người dân nông thôn và thành thị thì phải có nội dung và công cụ tuyên truyền khác nhau. Nếu loa phát thanh đặt ở phường ra rả phát mà để người dân phản ứng, nghe mà bực mình thì làm sao họ hiểu, họ nhớ chứ đừng nói là làm theo. Tuyên truyền mà không tuân thủ các nguyên tắc tuyên truyền thì coi như thất bại. Vậy thì có cần thiết phải giữ lại không? Nếu nhất thiết phải giữ lại thì cũng phải có cách điều chỉnh cho phù hợp với tình hình xã hội thực tế hiện nay.

- Vậy theo ông, nếu Hà Nội và các địa phương khác kiên quyết giữ lại loa phường thì cần phải điều chỉnh như thế nào?

- Như đã phân tích ở trên, loa phường hiện nay lạc hậu về công nghệ, nghèo nàn về nội dung và gây ô nhiễm tiếng ồn. Thấy được khuyết điểm thì phải khắc phục từng khuyết điểm như thay đổi công nghệ và cách thức chuyển tải nội dung, cải tiến nội dung để tránh nhàm chán và đơn điệu; cân nhắc giờ phát phù hợp, địa điểm đặt loa phù hợp, chú ý âm lượng để không gây ô nhiễm tiếng ồn, chỗ nào người dân phàn nàn phải tìm hiểu để điều chỉnh cụ thể cho hợp lý...

Với 1 công cụ thông tin tuyên truyền như loa phát thanh thì phải xem xét trên khía cạnh các nguyên tắc tuyên truyền, phải hấp dẫn người nghe thì mới giúp họ hiểu, nhớ và làm theo. Nó phải đạt tới những lợi ích như: Giúp cho người dân có thông tin hữu ích, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; Góp phần làm cho nhân dân hiểu biết chủ trương, chính sách, luật pháp bằng các hình thức thể hiện nội dung sinh động; Góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội; Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương...

- Xin cảm ơn ông!

Tùng Nguyên (thực hiện)