1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lộ diện đường dây buôn lậu gỗ đa quốc gia

(Dân trí) - Sau vụ tạm giữ gần 200m3 gỗ trắc (thuộc nhóm 1A) trị giá gần 2 triệu USD, theo những chứng cứ thu thập được từ CQĐT Công an tỉnh Vĩnh Long, một đường dây mua bán gỗ lậu xuyên biên giới đã dần lộ diện…

Quy định một đằng, thông quan một nẻo

Theo trình bày của ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng XNK Công ty TNHH Đầu tư phát triển Lâm Nông nghiệp Việt Nam, việc thực hiện hợp đồng mua bán số gỗ kể trên là theo Hợp đồng kinh tế số 200711/09 ngày 9/11/2007 do ông Trần Vinh - Phó Giám đốc ký với Công ty G.G World Group Development Ltd (G.G Campuchia).

Tổng khối lượng mà Lâm Nông nghiệp Việt Nam mua của đối tác trên là 1.000m3 các loại gỗ nhóm I, tổng giá trị 1 triệu USD, việc thanh toán được thông qua Ngân hàng Kanadia Bank, thời hạn kết thúc hợp đồng đến hết ngày 31/3. Số gỗ bị tạm giữ nằm trong hợp đồng này, được nhập khẩu qua cửa khẩu Vĩnh Hội Đông (An Giang) và được thông quan ngày 28/1.

Tại công văn số 3797/BCT-XNK ngày 10/12/2007 của Bộ Công Thương về việc nhập khẩu gỗ Campuchia nêu rõ: “Đồng ý cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển Lâm Nông nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ từ Campuchia 1.000 m3 đã qua chế biến. Quy cách và chủng loại: đồ nội thất, gỗ xả hình vuông, hình chữ nhật với độ dày tối đa là 25cm”.

Tuy nhiên thực tế công an tỉnh Vĩnh Long kiểm tra, phát hiện đa phần số gỗ trên có rất nhiều gỗ tròn, kích cỡ hơn 25cm mà không có dấu búa kiểm lâm theo luật định. Hơn nữa các cửa khẩu nhập loại gỗ được cho phép là Bupờrăng, Bônuê, Vĩnh Xương, Tịnh Biên, Khánh Bình (không hề có cửa khẩu Vĩnh Hội Đông).

Với những giấy tờ thủ tục mập mờ, hàng hóa sai quy cách như thế nhưng 2 lô hàng trị giá hàng triệu USD vẫn qua trót lọt các trạm kiểm tra và về Việt Nam trot lọt, không gặp trở ngại nào (?).

Gian lận hồ sơ

Trong văn bản trả lời cho PC15 Công an Vĩnh Long, Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Vĩnh Hội Đông Nguyễn Thành Trí cho biết, khi làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam, Công ty Lâm Nông nghiệp khai báo đây là gỗ trắc xẻ phách nhóm I, quy cách được nhập đảm bảo theo giấy phép của Bộ Công Thương.

Việc sang mạn mặt hàng gỗ kể trên từ phương tiện Campuchia sang phương tiện Việt Nam có sự giám sát của Hải quan và bộ đội biên phòng. Cán bộ Hải quan kết hợp với Chi cục Kiểm lâm tiến hành kiểm tra 5% lô hàng thấy phù hợp với khai báo và giấy phép quy định nên đã cho thông quan.

Như vậy có thể hiểu là Công ty Lâm Nông nghiệp đã “sắp xếp” các lô hàng để qua mặt hải quan. Tuy nhiên, việc cán bộ của khẩu này cho thông quan số hàng nói trên mà không đúng chức năng (theo quyết định của Bộ Công Thương) lại không thấy nhắc đến.

Về phía đối tác mà Lâm Nông nghiệp cho rằng đã cung cấp gỗ là Công ty G.G, theo tài liệu công an Vĩnh Long, Công ty này có địa chỉ tại số 17, đường 281, Sangkat Boung Kok I, Khan Toul Kork, Phnôm Pênh (Campuchia), giám đốc là ông Yang Yin Chang.

Làm việc với Công ty G.G, CQĐT Công an Vĩnh Long đã được G.G chính thức xác nhận không lập Hợp đồng số 200711/09 ngày 9/11/2007 và Hóa đơn số 008/01 ngày 25/12/2007 (kèm theo bảng kê gỗ chi tiết); con dấu và chữ ký cũng không phải của giám đốc Chang.

Ông Chang khẳng định: “Từ trước tới nay, G.G không có mua bán gỗ với 2 Công ty TNHH Đầu tư phát triển Lâm nông nghiệp Việt Nam và Công ty Cổ phần Cao su Đắk Nông. Công ty chúng tôi thành lập từ tháng 7/2004 đến nay không thay đổi con dấu và không không hề có chi nhánh nào ở địa chỉ khác”.

Ông Chang còn cung cấp cho Công an Vĩnh Long nhiều tài liệu quan trọng đồng thời cung cấp mẫu dấu và chữ ký của ông. Đây chính là manh mối quan trọng khiến Công an Vĩnh Long quyết định trưng cầu Viện Khoa học Hình (Bộ Công an) giám định.

Qua 2 lần giám định của Phân viện Khoa học hình sự phía Nam (Bộ Công an), Đại tá Phạm Ngọc Hiền, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự xác định: Con dấu trên hồ sơ nhập khẩu do Lâm Nông nghiệp và Cổ phần Cao su Đắk Nông cung cấp là giả.

Thượng tá Hồ Minh Kha - Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về quản lý Kinh tế và Chức vụ, Công an Vĩnh Long cho biết: Với những chứng cứ và giám định như vậy, 2 công ty trên đã sử dụng hồ sơ giả để hợp thức hoá nhập khẩu gỗ lậu vào Việt Nam. Chúng tôi đang củng cố hồ sơ để tiến hành các bước xử lý tiếp theo đúng quy định của pháp luật”.

Nhật Trường