1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lập điểm sơ cấp cứu chỉ mong… không có việc làm!

(Dân trí) - Hơn 10 năm qua, những bác xe ôm, hàng rong nơi ngã ba Yên Lý (Diễn Châu, Nghệ An) vẫn thầm lặng với công việc cứu giúp người bị TNGT , tai nạn lao động mà không màng toan tính thiệt hơn. Nay, Điểm sơ cấp cứu chính thức được thành lập nhưng họ chỉ mong… không có việc phải làm.

A lô, Điểm sơ cấp cứu xin nghe!

Gần 2 tháng nay, ngoài nhiệm vụ tại Đội an ninh Công an xã Diễn Yên, (Diễn Châu, Nghệ An) anh Lê Đức Sơn (SN 1974) luôn phải kè kè thêm chiếc điện thoại. Đó là số điện thoại “đường dây nóng” của Điểm sơ cấp cứu Hội chữ thập đỏ mà anh Sơn là Điểm trưởng.

Điểm sơ cấp cứu Chữ thập Đỏ đặt tại nhà ông Hoàng Văn Dự (xóm 16, xã Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An)
Điểm sơ cấp cứu Chữ thập Đỏ đặt tại nhà ông Hoàng Văn Dự (xóm 16, xã Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An)

Chuông đổ, Điểm trưởng Sơn bấm nút nghe: “A lô, Điểm sơ cấp cứu xin nghe”. Một tay nghe điện thoại, một tay ghi chép các thông tin cần thiết như địa điểm xảy ra, tình trạng người bị nạn… Điện thoại ngắt, anh Sơn tiếp tục bấm máy cho 2 thành viên của kíp trực tức tốc lên đường.

“Luôn có 2 người trực tại Điểm, khi nào có tin báo là lên đường ngay. Nếu không thể đi được thì tôi có trách nhiệm “điều phối” anh em trong điểm để ứng cứu các nạn nhân một cách nhanh nhất”, anh Lê Đức Sơn cho biết.

Điểm sơ cấp cứu Chữ thập Đỏ được đặt ngay tại nhà thành viên Hoàng Văn Dự (xóm 16, xã Diễn Yên). Điểm được chính thức thành lập ngày 17/5/2017, sau hơn 10 năm hoạt động một cách tự phát. Đây cũng là Điểm sơ cấp cứu Chữ thập Đỏ đầu tiên của tỉnh Nghệ An.

Anh Lê Đức Sơn - người duy nhất ăn cơm Nhà nước, cũng chính là điều phối viên của Điểm
Anh Lê Đức Sơn - người duy nhất "ăn cơm Nhà nước", cũng chính là "điều phối viên" của Điểm

“Từ hồi được thành lập, anh em được trang bị bông băng, thuốc men, cáng, nẹp, thiết bị y tế… phục vụ cho việc sơ cứu những người bị nạn. Các thành viên cũng được tham gia lớp tập huấn kỹ năng Sơ cấp cứu do ngành y tế tổ chức. Cái gì cũng bài bản, quy củ hơn”, Điểm trưởng Lê Đức Sơn cho biết.

Mô hình hỗ trợ, giúp đỡ những người bị tai nạn giao thông trên cung đường Quốc lộ 1 giao cắt với Quốc lộ 48 qua địa bàn xã Diễn Yên đã có từ hơn 10 năm trước. Ngày ấy, 5 tài xế xe ôm không ai trả lương nhưng đã ghé vai vào cứu chữa những người bị nạn. Từ 5 người, nhóm tăng lên 20 người. Không chế độ, không hỗ trợ, không thiết bị y tế, chỉ bằng tấm lòng mà làm.

Khi Điểm sơ cấp cứu này chính thức thành lập, có tất cả 13 thành viên. Ngoài Điểm trưởng Lê Đức Sơn “ăn cơm nhà nước”, 12 thành viên còn lại người làm tài xế taxi, người làm xe ôm, người bán hàng rong hay công an viên xóm. Tất cả họ đều “vác tù và hàng tổng”.

Ông Hoàng Văn Dự - người đã biến căn nhà bám mặt tiền Quốc lộ 1 thành trụ sở Điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ đầu tiên của tỉnh Nghệ An
Ông Hoàng Văn Dự - người đã "biến" căn nhà bám mặt tiền Quốc lộ 1 thành trụ sở Điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ đầu tiên của tỉnh Nghệ An

“Thấy người bị nạn thì mình giúp thôi chứ có phải vì tư lợi hay này nọ gì đâu. Khi tôi nói vợ cho mượn nhà để làm Điểm sơ cấp cứu, lúc đầu bà ấy không đồng ý đâu. Nói thế chứ phụ nữ họ hay lo, họ lo cũng có cái lý của họ. Tôi làm công tác tư tưởng mãi bà ấy mới chịu. Mình làm bằng cái tâm nhưng nhiều người không hiểu, cứ cho rằng mình làm để được cái này, cái nọ, cũng buồn lòng lắm”, ông Hoàng Văn Dự (SN 1959) tâm sự.

Đang ăn, nghe người bị nạn là đặt bát chạy!

Ngoài việc mưu sinh, công việc không kém phần quan trọng và luôn được ưu tiên hàng đầu của các thành viên là ứng cứu, giúp đỡ những người bị thương tích do TNGT hay tai nạn lao động.

“Đang ăn, có người báo là đặt bát mà chạy. Nửa đêm, đang ngủ, có người cần giúp đỡ là tung chăn ra mà đi. Mình chậm trễ, xe cấp cứu ở xa, nhỡ người bị nạn có mệnh hệ gì thì day dứt lắm”, anh Trịnh Văn Phương (SN 1972), thành viên của Điểm chia sẻ.

Hơn 10 năm qua, giúp đỡ được bao nhiêu người bị nạn, các thành viên trong Điểm không ai nhớ nổi. Có những người được cứu sống do giúp đỡ kịp thời, có người vĩnh viễn ra đi vì vết thương quá nặng. Có người được giúp, khỏi bệnh, tìm gặp hay đơn giản là một cú điện thoại cũng đủ để những thành viên trong điểm ấm lòng. Có người chả bao giờ nói nổi một lời cảm ơn...

Anh Trịnh Văn Phương đã từng bị người nhà nạn nhân túm cổ đòi đánh vì nhầm là... người gây tai nạn
Anh Trịnh Văn Phương đã từng bị người nhà nạn nhân túm cổ đòi đánh vì nhầm là... người gây tai nạn

“Có khi nghe tin có người bị nạn, anh em chạy ra, sơ cứu, nẹp vết thương, đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đưa vào viện xong mới kịp gọi người nhà đến. Đến nơi, họ tưởng mình là người gây tai nạn, xông vào bóp cổ, đòi đánh. Chuyện ấy xảy ra như cơm bữa. Cũng phải thông cảm cho họ thôi, tính mạng người thân bị đe dọa khó mà giữ bình tĩnh được”, anh Phương tâm sự.

“Sinh nghề, tử nghiệp”, những thành viên của Điểm sơ cấp cứu nhẹ tênh xem đây chỉ là một chút khó khăn mình phải vượt qua. Hiện giờ, trang thiết bị phục vụ cho sơ, cấp cứu đã đầy đủ, khi ra hiện trường, họ có găng tay bảo hộ. Trước đây, cứ tay trần mà xông vô cứu người, kể cả khi người bị nạn đầy máu me mà không kịp nghĩ, nhỡ họ mang mầm bệnh truyền nhiễm trong người thì sức khỏe của mình cũng bị đe dọa.

Chỉ mong… không có việc phải làm

Đối với các thành viên của Điểm sơ cấp cứu, việc làm của họ không phải là việc gì quá to tát. Với họ, việc gì có lợi cho xã hội, có ích đối với người khác thì làm thôi. Hơn nữa, thấy người cần giúp đỡ, không thể làm ngơ mà bỏ đi.

Cuốn sổ phân công lịch trực và các vụ tai nạn được các thành viên của Điểm sơ cấp cứu xử lý
Cuốn sổ phân công lịch trực và các vụ tai nạn được các thành viên của Điểm sơ cấp cứu xử lý

Thời gian đầu, ngay chính vợ con họ cũng chưa hiểu, chưa thông cảm được hoặc không muốn cha mình phải “vác tù và” hay đối mặt với rủi ro trong quá trình làm việc. Khi hiểu rồi, những người vợ lại hết sức ủng hộ chồng mình làm việc nghĩa.

“Cái “nghề” này tốn áo lắm. Mỗi lần đưa người bị nạn đi cấp cứu, máu nhuốm đỏ cả áo, không dám mặc lại đành vứt đi, về bà ấy lại phải mua cái mới”, anh Phương cười.

Hồi cuối năm ngoái, các thành viên trong nhóm họp tổng kết. Gọi là tổng kết chứ thực chất là ngồi lại với nhau, vừa hàn huyên tâm sự, vừa chia sẻ vui buồn trong cái “nghiệp” cứu người.

Ông Nguyễn Hữu Sinh: Bất kỳ lúc nào người bị nạn cần giúp đỡ, chúng tôi sẵn sàng có mặt
Ông Nguyễn Hữu Sinh: Bất kỳ lúc nào người bị nạn cần giúp đỡ, chúng tôi sẵn sàng có mặt

Họp tan, các thành viên thống nhất, góp tiền “đụng” con lợn rồi chia nhau mang về cho vợ. “Tôi nói dối là quà của anh em tặng Tết, cảm ơn bà đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho chồng. Bà ấy tủm tỉm cười. Sau cái vụ “góp tiền mua thịt” này cũng bị lộ, may mà bà ấy cũng không nói gì”, ông Nguyễn Hữu Sinh – thành viên lớn tuổi nhất nhóm hóm hỉnh.

Rồi ông nghiêm nét mặt, ra chiều ưu tư lắm. “Ngày xưa, Bác Hồ chúc lực lượng chữa cháy thất nghiệp. Giờ tôi cũng mong anh em trong Điểm không có việc phải làm. Không có ai cần phải cứu giúp, không ai bị tai nạn, không còn người chết hay thương tích vì tai nạn, chúng tôi "thất nghiệp" lại thấy vui”.

Bà Phan Thị Nguyên – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ huyện Diễn Châu: “Mặc dù không có bất kỳ chế độ hỗ trợ nào nhưng điều rất đáng được ghi nhận là các thành viên Điểm sơ cấp cứu làm việc hết sức nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết. Bên cạnh giúp đỡ người bị nạn, nâng cao giá trị của Hội chữ thập Đỏ, các thành viên còn là những tuyên truyền viên tích cực góp phần giảm thiểu tai nạn thương tích trong cộng đồng cũng như nâng cao ý thức chấp hành Luật ATGT đường bộ cho người dân”.

Hoàng Lam