1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Lao động “nhí” đang bị vắt kiệt sức

Dù mắt thâm quầng, ngái ngủ nhưng các em phải làm cho xong sản lượng mà chủ đã giao mới được nghỉ ngơi. Hàng trăm lao động tuổi từ 12 đến 15, đang bị vắt kiệt sức tại các cơ sở sản xuất ở TPHCM, đổi lại là những đồng lương rẻ mạt.

Hơn 22 giờ, tại các con đường Phạm Văn Bạch, Nguyễn Sĩ Sách, Huỳnh Văn Nghệ (quận Tân Bình - TPHCM), hàng chục cơ sở may vẫn sáng đèn, tất bật sản xuất. Rất đông lao động miệt mài bên bàn máy.

“Ba tại chỗ”

Trong vai một người thu gom hàng may mặc trẻ em đưa lên Đắk Lắk, chúng tôi đến “đặt hàng” với một cơ sở may tại hẻm 120 đường Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình. Tại đây, chúng tôi tiếp xúc với 6 thợ, trong đó 5 em tuổi chừng 14 - 16. Căn phòng gần 20 m2 kê 5 chiếc máy may và một máy vắt sổ. Sát góc tường là nơi chứa vải và hàng đã may xong. Không gian chật chội đó là nơi làm việc, ăn và ngủ của 6 thợ.

Một cậu bé gầy nhom chỉ mặc độc chiếc quần đùi đang “cày” trên chiếc máy vắt sổ. Thân hình cậu bé như bị lấp dưới đống vải vừa cắt cao đến ngực. Khi nghe tôi hỏi, cậu ta nói tên là Lung, quê ở Thái Bình, mới 14 tuổi nhưng đã 2 năm làm thợ. Ra ngoài, Lung nói nhỏ với tôi: “Kiếm được đồng bạc khổ lắm chú ơi. Cô chủ dặn ai hỏi thì nói thế chứ tụi cháu chả thấy tiền nong gì. Mỗi tháng chỉ được 30.000 đồng tiêu vặt”.

Còn tại đường Vườn Lài nối dài ở phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, một cơ sở chưa đến 50 m2 là chỗ làm, ăn và ngủ của gần 20 thợ. Gian phòng nóng bức đến ngạt thở. Trong phòng, vải vóc và hàng may sẵn để dồn đống. Bụi vải cứ lơ lửng, đặc quánh. Hai anh em Thạch L., Thạch M. quê ở Trà Vinh mới chừng 14 tuổi nhưng phải làm việc 14 giờ mỗi ngày. Đến bữa, chủ cơ sở mua cơm hộp đến cho ăn, cứ thế tiếp tục làm cho đến khuya. Một cơ sở cạnh đó cũng sử dụng 10 lao động, trong đó có đến 3 lao động dưới 15 tuổi. Điều kiện làm việc cũng bức bối không kém.

Tận thu lao động giá rẻ

Chủ cơ sở may nơi Lung làm việc là một người phụ nữ được các thợ nhí gọi là chị Đức. Khi tôi yêu cầu phải đặt hàng gấp, số lượng lớn, chị ta cho biết: “Cứ vô tư, chúng nó sẽ may suốt đêm. Không kịp thì đưa tới mấy cơ sở bạn, chất lượng như nhau”. Nghe bà chủ nói, mấy cô bé đang hóng chuyện chợt buồn thiu quay mặt vào tường, lầm bầm: “Chỉ hàng chợ thôi may cũng đuối rồi, thêm hàng của chú nữa chắc chết quá”. Bước ra đường, tôi đụng ngay đám trẻ hàng xóm đang đá bóng, đùa vui rộn rã. Ngoái vào trong, những chiếc lưng gầy nhom của các thợ nhí đang cúi gập trên bàn máy, không khỏi chạnh lòng!

Năm em nhỏ tên Trần An, Nguyễn Chữ, Mai Dinh, Nguyễn Mạnh Linh, Mai Sáu quê ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế đang làm việc cho cơ sở may công nghiệp ở đường Nguyễn Phúc Chu, quận Tân Bình tuổi cũng chỉ từ 13 - 15. Tuổi nhỏ, năng suất không cao, các em thường xuyên bị buộc tăng ca để kịp tiến độ giao hàng. Các em cho biết mỗi tuần chỉ được nghỉ ngày chủ nhật, ngày thường phải làm đến 0 giờ. Đây là nguồn lao động giá rẻ nên các chủ cơ sở mặc sức tận thu. Bởi khi lớn thêm chút nữa, đủ tuổi lao động, các em sẽ bỏ cơ sở, xin vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp lớn.

Tương tự, theo khảo sát của chúng tôi, hàng trăm lao động trẻ em cũng đang vắt kiệt sức trong các cơ sở may ở phường 3, 13 - quận Tân Bình; các cơ sở làm nhang, làm bao bì ở phường 3, 8, 9 - quận 8...

Bị hành hạ, đánh đập

Ăn uống thiếu thốn trong khi phải làm việc đến 14 - 16 giờ mỗi ngày, thậm chí dịp Tết cũng phải làm việc trắng đêm trong những cơ sở ẩm thấp, thiếu vệ sinh, sức khỏe của những lao động nhí mau chóng kiệt quệ. Tại quận Bình Tân, trước đây đã có trường hợp lao động trẻ em làm việc quá nhiều bị ngất xỉu, những người hàng xóm phát hiện kịp thời đưa đi cấp cứu và báo với cơ quan chức năng. Tương tự là một trường hợp lao động trẻ em ở phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú bị ép buộc làm việc quá sức, không chịu nổi nên em bỏ trốn ra ngoài.

Cách đây chưa lâu, ngày 13/9, Công an quận Tân Phú phát hiện cơ sở may ở đường Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú sử dụng 5 lao động từ 12 - 17 tuổi, quê ở Bắc Giang. Các em thường xuyên bị chủ cơ sở ép buộc làm việc từ 15 - 19 giờ mỗi ngày. Nếu không nghe lệnh, các em sẽ bị chủ cơ sở đánh đập.

Theo Phạm Hồ
Người lao động