1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Lao đao làng đèn trời

(Dân trí) - Lệnh cấm sản xuất và đốt, thả đèn trời được ban ra khiến người dân “đất tổ” đèn trời Đông Hưng (Thái Bình) lao đao trước nguy cơ thất nghiệp. Cùng với đó là nỗi lo ô nhiễm do những nguyên vật liệu thừa không biết dùng vào việc gì.

Ngậm ngùi “giải nghệ”

Đông Hưng, Thái Bình được coi là “đất tổ” của nghề làm đèn trời. Bao đời nay, nghề truyền thống này vẫn là kế sinh nhai của rất nhiều người dân nơi đây. Mỗi năm, các xưởng sản xuất đèn trời trong huyện cung ứng cho thị trường cả nước hàng triệu chiếc đèn.

Sau những vụ đèn trời gây hoả hoạn, lệnh cấm sản xuất, buôn bán, đốt và thả đèn trời được ban ra từ ngày 17/7/2009. Đến 15/9/2009, lệnh cấm chính thức có hiệu lực. Trước đó, những người dân nơi đây vẫn hy vọng sẽ cố thêm được một mùa trung thu.

Cả xã Phú Châu có 3 cụm cơ sở sản xuất đèn trời lớn với hơn 54 hộ sản xuất lao đao vì mất nghề, mất thu nhập. Sau khi lệnh cấm được ban hành, lượng khách đến đặt hàng giảm rõ rệt. Đèn thành phẩm chất đống trong kho chờ khách.
 
Lao đao làng đèn trời  - 1
Biển hiệu nhà chị Thuý cất trong kho mấy tháng nay.

Chị Hoàng Thị Thuý (thôn Tăng) là một trong những hộ sản xuất đèn lớn nhất xã. Xưởng nhà chị có hơn 20 nhân công, mỗi vụ tiêu thụ khoảng 20.000 chiếc đèn, thu lãi gần 50 triệu đồng. Cho đến thời điểm này, dù đã ngừng sản xuất nhưng trong nhà chị Thuý vẫn còn hơn 6.000 chiếc đèn thành phẩm. Đống nguyên vật liệu trị giá trên 30 triệu đồng đang nằm mốc trong kho mà không biết sử dụng vào việc gì.

Chị Thúy cho biết: “Gia đình tôi đã thuê nhân công và mua nguyên vật liệu từ đầu năm bằng vốn vay của ngân hàng với lãi suất cao. Bây giờ đèn có mà không được bán, nguyên liệu không biết để làm gì. Gia đình đã phải huỷ nhiều hợp đồng khá lớn, tiền nhân công vẫn nợ không trả được, hai vợ chồng lại thất nghiệp, không biết xoay xở thế nào đây”.

Từ ngày không làm đèn, chị Thuý và chồng quay ra chẻ tre (nguyên liệu làm khung đèn) tồn trong nhà để bó chổi tre và làm que hương, nhưng thu nhập cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Cùng nỗi trăn trở với chị Thuý, anh Phạm Thanh Tùng - chủ nhiệm Câu lạc bộ đèn trời xã Phú Châu - thở dài: “Theo thống kê, cả xã còn khoảng 4,5 vạn chiếc đèn tồn đọng, tính giá 5.000đ/chiếc đã lên tới hơn 200 triệu. Đó là chưa kể đến đống nguyên vật liệu tồn đọng khá lớn của các hộ sản xuất”.

Cũng giống như ở Phú Châu, nhiều hộ gia đình ở xã Đông Quang và xã Phú Xuyên cũng ngày đêm lo lắng, tìm kế sinh nhai sau khi “giải nghệ” đèn trời. Chị Nguyễn Thị Hoài (Đông Quang) nói trong nước mắt: “Hàng chục năm nay nhà tôi làm đèn trời, tiền nuôi các cháu ăn học cũng đều từ đèn mà ra. Bây giờ hai cháu đều đang học đại học mỗi tháng mất 3, 4 triệu. Mất nghề, đeo nợ, gia đình tôi thực không biết làm gì”.

Nỗi lo ô nhiễm... mỡ

Buộc phải “chia tay” với nghề truyền thống, các hộ sản xuất đèn trời ở Đông Hưng lo tìm kế sinh nhai mới. Anh Phan Kế Sơn, Trưởng công an xã Phú Châu, cho biết: “Các hộ đã thống kê số lượng đèn tồn đọng của các hộ và đưa đơn kiến nghị lên xã, mong nhận được sự hỗ trợ để qua giai đoạn khó khăn ban đầu, nhưng thực tình xã vẫn chưa nhận được “hồi âm” của các bộ ngành về việc này. Một số hộ vẫn lén lút tiêu thụ đèn tồn đọng, còn cầu thì họ ắt cung mà. Tuy nhiên lệnh cấm chưa ban hành chế tài sử phạt kèm theo nên chúng tôi vẫn chỉ biết tuyên truyền và yêu cầu từng hộ làm cam kết thôi”.
 
Lao đao làng đèn trời  - 2
Danh sách các hộ có sản phẩm tồn đọng được đưa lên UBND xã Phú Châu.

Những ngày qua, nhiều hộ đã lên UBND xã Phú Châu để làm biên bản chứng nhận những nguyên vật liệu có thể tái sử dụng để thanh lý. Tuy nhiên, cả xã đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm... mỡ. Mỡ dùng để thấm bấc, hiện xã vẫn chưa biết phải xử lý thế nào.

Cả xã Phú Châu hiện còn tồn đọng khoảng 6 tấn mỡ nước, có hộ còn tồn tới 400 kg. Đây là loại mỡ bẩn, chuyên để nấu bấc đèn trời. Cứ 10.000 chiếc đèn trời phải dùng tới 300 kg mỡ để làm bấc. Mỗi cân mỡ bẩn loại này cũng có giá tới 18.000 đồng.

“Bây giờ không làm đèn, nhà ai cũng chất đống hết can này đến can kia trong bếp. Ruồi, muỗi, chuột, bọ và mùi hôi thối bốc lên không thể chịu được nhưng chúng tôi không biết phải thiêu huỷ như thế nào” - chị Thuý than thở.

Không ít gia đình lén lút đổ mỡ bẩn ra mương nước gây ô nhiễm nghiêm trọng. Váng mỡ đục ngàu nổi lềnh phềnh trên mương máng dẫn ra cánh đồng. Đại diện trạm y tế xã Phú Châu lo lắng: “Nếu cứ tình trạng để như thế này lâu thêm, tôi e rằng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân”.

Anh Sơn cho biết: “Loại mỡ này rất khó thiêu huỷ, ăn thì không ăn được, chôn cũng không thể phân huỷ mà đổ ra sông thì ô nhiễm môi trường chỉ còn cách đốt. Mà gần 6 tấn mỡ đốt đến bao giờ cho hết cháy, khói và mùi cũng sẽ gây ảnh hưởng cho bà con trong xã”.

Gánh nặng mưu sinh cùng với nỗi lo ô nhiễm đang khiến bao hộ ở “đất tổ” đèn trời Đông Hưng ngày đêm lo lắng.

Tiến Nguyên - Thiên Hà