1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lãnh đạo Vietnam Airlines nói gì về “vụ kiện triệu đô”?

(Dân trí) - Trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Phạm Ngọc Minh - Tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định: “Thời điểm này chưa phải lúc đặt ra vấn đề ai phải chịu trách nhiệm cho vụ kiện 5,2 triệu Euro mà Vietnam Airlines đang đeo đuổi”.

Thưa ông, hoàn cảnh phát hiện hai bức thư được cho là bằng chứng cho sự thông đồng gây hại cho Vietnam Airlines (VNA) như thế nào? Và liệu rằng, việc sử dụng hai bức thư này có vi phạm quyền cá nhân về thư tín?

Ông Nguyễn Văn Du, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra VNA: Trong quá trình theo đuổi vụ kiện, năm 2005, luật sư của VNA phát hiện ông Lebarati và luật sư của Falcomar có hai bức thư đề ngày 23/9/1996 và 13/11/1996. Hai bức thư có nội dung dàn xếp, thông đồng để gây bất lợi cho VNA tại toà.

Đại ý, ông Liberati đề nghị luật sư Falcomar thay đổi lời khai theo hướng Falcomar thuê ông này làm việc cho VNA. Ngay khi phát hiện 2 bức thư này, chúng tôi đã trao đổi với phía luật sư của hãng tại Italia và thống nhất chỉ cung cấp văn bản này trước toà.

Ông Phạm Ngọc Minh - Tổng giám đốc VNA: Tháng 10/2005, chúng tôi đã gửi bản sao bức thư này tới toà án sơ thẩm Roma. Ngày 17/3, VNA sẽ có đơn chính thức gửi tới Viện trưởng viện công tố Italia, chánh án Toà án tối cao Italia, chủ tịch đoàn luật sư Roma (Italia), chủ tịch đoàn luật sư Paris (Pháp) cung cấp đầy đủ hai bức thư kể trên.

Phía VNA cho biết, chỉ đến khi nhận được lá thư đòi bồi thường của luật sư Liberati, hãng bay mới biết đến bản án thua kiện? Điều này khiến VNA vào thế đã hết thời hạn kháng án, không thể bảo vệ quyền lợi của mình?

Ông Nguyễn Văn Du: Trên thực tế, sau lần duy nhất nhận được giấy triệu tập của Toà Sơ thẩm Roma vào năm 1994, VNA hoàn toàn không nhận được bất cứ thông báo, giấy triệu tập tới các phiên toà tiếp theo nào. Ngay cả bán án số 8395 ngày 7/3/2000 của Toà Sơ thẩm Roma cũng không được tống đạt đến VNA. Thậm chí, đại sứ quán Việt Nam tại Italia cũng không biết tới phán quyết kể trên.

Ông Phạm Ngọc Minh: Vụ kiên liên quan tới VNA diễn ra trong nhiều năm liền, từ phiên toà đầu tiên vào ngày 30/11/1995 cho đến tận năm 2002 - chỉ khi nhận được thư đòi tiền của ông Liberati kè theo phần trích lại bản án 8395 thì VNA mới biết có bản án này. Vào thời điểm đó, theo luật của Italia thì đã hết thời gian kháng án. Vì vậy, VNA không có điều kiện, cơ hội để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thưa ông Minh, trên thực tế TCty Hàng không Việt Nam toàn ngành đã giải thể và thành lập Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam trên cơ sở hãng hàng không quốc gia làm nòng cốt. Tình tiết này có được xem xét tại toà án Roma?

Ông Phạm Ngọc Minh: Từ khi vụ kiện xảy ra tới thời điểm này, Vietnam Airlines đã trải qua vài lần thay đổi. Khi VNA có đơn chính thức, cơ quan chức năng của Pháp đã khẳng định: họ chỉ thực hiện thi hành phán quyết được quyết tại Roma (Italia) mà không đi vào bản chất vấn đề.

Cái khó nhất của chúng ta là hiện nay không còn thời hiệu kháng cáo. Mục tiêu của VNA là mở lại vụ kiện. Phiên xử tháng 4 tới đây có thể thay đổi tình thế.

Kinh phí của VNA để theo hầu toà là bao nhiêu?

Ông Phạm Ngọc Minh: Có thể nói chi phí để theo kiện hoàn toàn không lớn, nhỏ hơn rất nhiều so với con số chúng ta dự kiến. Nhưng dù lớn, VNA vẫn quyết tâm theo đuổi để bảo vệ quyền lợi chính đáng không chỉ của VNA mà cho cả giới làm ăn của Việt Nam tại nước ngoài.

Trong trường hợp trong phiên xử sắp tới, toà án Roma có phán quyết bất lợi cho VNA, VNA có tiếp tục theo đuổi hay không?

Ông Phạm Ngọc Minh: Nếu phiên xứt xử vào ngày 24/4 tới đây có phán quyết bất lợi cho VNA, chúng tôi sẽ xem xét tới khả năng gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan tài phán quốc tế.

Nếu những bằng chứng mới đươc phát hiện cho thấy sự thông đồng giữa luật sư Liberati với luật sư của công ty Falcomar không được xem xét, có thể VNA sẽ gửi đơn đến Toà án tại Việt Nam đề nghị xét xử hành vi móc ngoặc, gây bất lợi cho VNA.

Phúc Hưng (ghi)