1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đồng Tháp:

Làng hoa điêu đứng vì... trời “trở chứng” !

“Một đoàn du khách ở Cần Thơ sang, hỏi mua, tôi bấm bụng bán giá 1.000 đồng/giỏ. Du khách phấn khởi vì mua được hoa đẹp với giá hời mà đâu biết nỗi khổ của nhà vườn...”. Ông Bình Em, một người trồng hoa ở làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, xót xa nói.

Những trận mưa trái mùa liên tiếp trong suốt bảy ngày qua đã khiến các làng hoa kiểng Tết ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có làng hoa Sa Đéc, bị thiệt hại nặng.

Coi như lỗ chắc!

Chúng tôi chạy dọc Tỉnh lộ 848 qua địa phận xã Tân Khánh Đông (thị xã Sa Đéc), nhìn những ruộng hoa khoe sắc trong nắng sớm, cứ nghĩ người trồng hoa nơi đây sẽ vui. Nhưng không, tiếp chúng tôi, ông Hoàng, người có thâm niên 10 năm trồng hoa ở xã Tân Khánh Đông, buồn rười rượi. Năm nay, ông Hoàng trồng 6.000 giỏ hoa cúc mâm xôi, o bế từng ngày cho hoa trổ bông đúng dịp Tết. Không ngờ, những trận mưa đêm liên tiếp những ngày qua đã “thúc” cả đám cúc nở vàng rực. Nhờ có kinh nghiệm, ông dùng thuốc để xử lý nên kìm lại phần nào, không cho hoa nở rộ. 15% đám cúc của ông nở sớm, đành phải chuyển ra Hà Nội để bán. Tương tự, ông Trần Văn Út, ở cạnh nhà ông Hoàng, trồng hơn 13.000 giỏ hồng nhung, hồng Pháp. Qua mấy trận mưa đêm, đám hồng của ông Út ra hoa sớm hơn dự kiến, buộc ông phải huy động người nhà và thuê thêm nhân công cắt bỏ hoa nở sớm để kích hoa nở lại, kịp bán trong dịp Tết.

Kế bên ruộng hoa của ông Út là đám hoa hồng, cúc Đài Loan, cúc tiger của ông Trần Văn Tiếp cũng chịu chung số phận. Cả ngàn giỏ hồng nở sớm đã được cắt bỏ bông và cố gắng chăm sóc cây để mong “vớt vát” được phần nào. Đám cúc Đài Loan, cúc tiger thì một phần nở sớm, một phần bị đốm lá, dần dần gây thối và rụng lá. Ông Tiếp buồn bã cho biết ruộng hoa của ông bị thiệt hại đến 60%, coi như lỗ chắc.
 
Làng hoa điêu đứng vì... trời “trở chứng” ! - 1

Còn 20 ngày nữa mới đến Tết nhưng hoa hồng ở làng hoa Sa Đéc đã nở đỏ rực (Ảnh: NLĐ)

Bán đổ bán tháo

Trước tình trạng hoa nở sớm và bị một số bệnh trên thân lá, nhiều nhà vườn đã chạy đôn chạy đáo để tìm cách cứu. Sau khi cắt bỏ hết những bông nở sớm, ông Trần Văn Út cắt cơi (tỉa cành) ngay rồi phun thuốc kích thích để hoa nở đúng vào dịp Tết. Chỉ tính riêng tiền phân bón, thuốc và công lao động, mấy ngày qua, ông Út đã tốn gần chục triệu đồng. Ông Út cho rằng mình đã xử lý kịp thời, hy vọng hoa sẽ nở lại đúng vào dịp Tết, đưa ra chợ bán cũng thu hồi được vốn.

Còn ông Bình Ông, ngụ phường Tân Quy Đông, mất trắng mấy ngàn giỏ hoa hồng nhung (quy cách 1,2 m). Em ruột của ông là Bình Em cũng cùng cảnh ngộ. Mấy ngàn giỏ hoa hồng dù đã được cắt bỏ bông, kích thích cho cây ra hoa lại nhưng nguy cơ hoa nở trễ rất lớn. Nếu sau Tết hoa mới nở thì lúc đó chỉ còn biết bán đổ bán tháo để lấy tiền... thay giỏ! Trung bình, một giỏ hoa hồng bán vào dịp Tết được 10.000 - 15.000 đồng, nhưng nếu hoa nở trễ thì chỉ bán được 1.000 đồng/giỏ, có khi chỉ 500 - 700 đồng/giỏ. Ông Bình Em than: “Sau mấy trận mưa lớn vừa rồi, vườn hồng của tôi nở rộ nhưng không đồng loạt, không đúng quy cách, trong khi còn chừng 20 ngày nữa mới tới Tết, làm sao bán được!”.

Ông Trần Văn Tiếp cũng còn cả ngàn giỏ cúc Đài Loan chưa bung nụ. Sau trận mưa, ông tưới rửa liên tục và xử lý thuốc nhằm ngăn ngừa dịch bệnh nhưng đám cúc nhà ông vẫn chưa chịu hé nhụy, thậm chí còn bị đốm lá. Ông cho biết số hoa này có thể sẽ nở trễ và khi ấy chỉ có nước bán như của bỏ đi để gỡ gạc chút tiền mua giỏ làm vụ mới.

Theo Quốc Dũng
Người lao động