1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Làng giáp ranh “mỏi mắt” chờ sổ đỏ

(Dân trí) - Nằm ở vùng giáp ranh giữa Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, các xã phía nam huyện Hải Lăng vẫn gây ra nhiều tranh cãi về địa giới hành chính, khiến hàng trăm hộ dân bị “treo” sổ đỏ dù đã sống ổn định lâu nay.

Thôn Câu Nhi (Hải Chánh, Hải Lăng) là thôn cực nam của tỉnh Quảng Trị, giáp với huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế). Từ khi có Nghị định 364/CP ngày 01/11/1995 của Thủ tướng Chính phủ phân định địa giới 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế thì thôn này được chia đôi. Trên bản đồ hành chính, xóm Bến Trải thuộc địa phận Thừa Thiên - Huế, còn các xóm Cầu, Bến Lúa, Bàu Mang thuộc Quảng Trị.

Kể từ sau Nghị định 364, đã 13 năm nay, theo thói quen từ trước, những sinh hoạt kinh tế, xã hội và quyền lợi chính trị của người dân xóm Bến Trải (kể cả bầu cử) vẫn gắn với xã Hải Chánh.

Tuy nhiên, do “vướng” sự phân chia địa giới nói trên nên trong khi 139 hộ thuộc các xóm còn lại của thôn đều đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (“Sổ đỏ”) thì 23 hộ của xóm Bến Trải vẫn “ngoài vùng phủ sóng” dù xã Hải Chánh đã nhiều lần lập hồ sơ đề nghị huyện Hải Lăng giải quyết.
 
Làng giáp ranh “mỏi mắt” chờ sổ đỏ - 1

Ông Bùi Hữu Sơn - Chủ nhiệm HTX Nam Hải cho biết:
cánh rừng này do chưa có chủ nên trở thành nơi tranh chấp giữa nhân dân 2 xã. (Ảnh: Nguyên Sa)

Ông Bùi Văn Năng (85 tuổi, xóm Bến Trải) cho biết: Theo gia phả của dòng tộc, tổ tiên ông đã khai hoang, định cư ở xóm Bến Trải này từ năm 1420 và sinh sống ổn định, sinh con đẻ cái nhiều thế hệ ở đây. Trả lời PV, ông Nguyễn Văn Chương - Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cũng cho rằng người dân xóm Bến Trải luôn tuân thủ quy định về đất đai, và đủ điều kiện để được cấp “sổ đỏ”.

Tuy nhiên, huyện Hải Lăng không dám ký hồ sơ cấp “sổ đỏ” cho 23 hộ dân này vì trên giấy trắng mực đen, đó là đất và dân của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngược lại, người dân không nộp hồ sơ lên huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) vì tham gia sinh hoạt chính trị ở xã Hải Chánh nên huyện này cũng không thể xem xét, phê duyệt.

Theo phản ánh của người dân, hiện 504 ha đất của xóm vẫn coi như chưa có chủ, nên đã trở thành nơi tranh chấp giữa 2 xã Phong Thu và Hải Chánh, không ít lần đã có va chạm giữa người dân với nhau. Trước thực trạng đó, xã Hải Chánh đã có công văn gửi cấp trên đề nghị giải quyết dứt điểm nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ.

Cũng như xóm Bến Trải, tình trạng “cha chung” nói trên cũng khiến 34 hộ ở thôn Phú Kinh Phường (xã Hải Hòa), 42 hộ thôn Tân Phương Lang (xã Hải Xuân) 46 hộ thôn Tân Lập (xã Hải Ba) và xã Hồng Thủy chưa được cấp “sổ đỏ”, thậm chí có nơi người dân còn không thuộc sự quản lý hành chính nào.

Ông Nguyễn Duy Bích - Phó trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hải Lăng thừa nhận: hiện huyện đã nhận được hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” của các xã nói trên, nhưng không thể ký duyệt. Cứ như vậy, người dân vùng giáp ranh vẫn phải ngóng từ năm này sang năm khác để nhận được quyền lợi chính đáng mà đáng ra họ đã được nhận nhiều năm nay. 

Nguyên Sa