1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Làn sóng giảm lỗ chứng khoán ngày càng mạnh

Diễn biến ảm đạm của thị trường ngày 23/4 kết thúc với chỉ số VN-Index mất 37,7 điểm, rơi xuống mức 931,18 điểm. Với mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 4 đến nay, khả năng chạm ngưỡng 900 điểm là hoàn toàn có thể.

Blue-chips ồ ạt bán tháo giá sàn

Tính đến ngày 23/4, thị trường đã điều chỉnh giảm tròn 30 phiên giao dịch. Chỉ số VN-Index đã mất tổng cộng 239,49 điểm. Mặc dù thị trường có thêm một số tin tốt nhưng xu hướng bán tháo ồ ạt vẫn tiếp diễn với cường độ ngày càng mạnh về cuối phiên.

Sau khi giảm với mức độ mạnh thời gian qua, nhiều CP bắt đầu xuống đến mức giá trước thời điểm tăng. Tuy nhiên, xu hướng bán sàn với hầu hết các blue-chips trong phiên chứng tỏ NĐT đang bị áp lực tâm lý chi phối và nhu cầu cắt giảm lỗ dù hiện mức lỗ đã khá lớn.

Từ góc độ phân tích kỹ thuật, VN - Index đang thử thách ngưỡng 920 điểm (tương đương Fibonacci Retracement 38,2%) - theo lý thuyết đây là mức cản rất mạnh. Nếu xuyên thủng mức này thì ngưỡng hỗ trợ tiếp theo là 850 điểm (Fibonacci Retracement 50%) và "thành luỹ" cuối cùng là 750 điểm (Fibonacci Retracement 61,8%).

 

Với phiên giảm rất mạnh ngày 23/4, đường biểu diễn VN-Index đã rơi ra ngoài cận dưới của dải bollinger. Như vậy, khả năng lớn VN-Index một vài phiên tới sẽ phục hồi trở lại.

Thống kê của TTGDCK TPHCM cho thấy tổng khối lượng chào bán phiên này đạt 8,65 triệu CK, giảm 2,4% so với phiên trước trong khi tổng lượng đặt mua chỉ có 5,33 triệu CK, giảm tới 36%.

Quy mô lệnh mua trung bình đạt 847 CK/lệnh, khá nhỏ so với quy mô lệnh bán 1.627 CK/lệnh. Chênh lệch cung cầu khá lớn khiến xuất hiện lệnh bán sàn rất mạnh ngay từ đầu phiên với một số CP như AGF, CII, KDC, PVD, ITA, VSH.

Một số blue-chips khác tuy không đến nỗi chạm sàn nhưng mức độ giảm cũng rất lớn và hầu hết không "trụ" được trong đợt đóng cửa như FPT đợt 3 khớp sàn 456.000đ/CP (-24.000đ), bất chấp nhiều thông tin hấp dẫn vừa được FPT công bố tại ĐHCĐ vừa qua. Lượng CP bị bán tháo gấp gần 4 lần chào mua khiến dư bán sàn vẫn ế trên 142.000 CP.

REE cũng trong tình trạng tương tự khi lượng cung giá sàn quá lớn đợt 3 đã khiến giảm ngay 11.000đ/CP. STB (giảm 5.000đ/CP, PPC (-3.000đ/CP)... Dư bán sàn với những mã này cũng thuộc hàng lớn nhất thị trường. VN-Index đợt mở cửa chỉ mất 28,3 điểm nhưng đến đợt 3 đã mất 37,7 điểm.

Ngưỡng 900 điểm có vững?

Xu hướng bán tháo giá sàn có thể được giải thích từ tâm lý lo sợ thị trường sẽ điều chỉnh sâu hơn. Ngoài ra, một nguồn tiền không nhỏ sẽ chảy ra khỏi thị trường trong các cuộc bán đấu giá cổ phần lần đầu mà gần nhất là công ty phân đạm và hoá chất dầu khí ngày 21.4 vừa qua.

Rõ ràng khả năng hấp thu các đợt đấu giá khổng lồ sắp tới sẽ tác động đến thị trường từ góc độ cân đối lại nguồn lực, làm giảm sức mua ngắn hạn. Thứ tự xếp hạng ưu tiên mua của các blue-chips cũng sẽ bị đảo lộn và củng cố xu hướng cơ cấu mạnh danh mục đầu tư.

Mặc dù mới đây, bài báo trên tờ Strait Times tiếp tục cảnh báo về khả năng suy giảm mạnh tới 30% của TTCKVN, thậm chí còn sụt giảm nhiều hơn trong năm nay, song một ý kiến trái ngược thì cho rằng mức hỗ trợ 900 điểm (một mốc ước đoán chẵn) vẫn rất mạnh.

Tuy nhiên, đáng lo ngại là sức cầu vẫn chưa thực sự khả quan nên khả năng phục hồi thực sự hoặc chuyển sang giai đoạn đi ngang vẫn khá "mờ mịt". Tổng giá trị thị trường khớp lệnh ngày 23.4 đạt 424,7 tỉ đồng, giảm xấp xỉ 27% so với phiên trước.

Giao dịch thỏa thuận có cao hơn, đạt 173 tỉ đồng nhưng chủ yếu là nhờ giao dịch 155,7 tỉ đồng trái phiếu của NĐTNN. Nhìn chung, các giao dịch của NĐTNN với các mã chủ chốt vẫn cân bằng cả mua lẫn bán nên không tác động nhiều tới cung cầu.

Theo Hoàng Nguyên
Báo Lao động