1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Làm nhục người khác chỉ bị 9 tháng tù treo?

(Dân trí) - Hành vi dùng phân làm nhục người khác đã được thể hiện rõ ràng trong cáo trạng, thế nhưng tại phiên tòa sơ thẩm vừa diễn ra ngày 24/3 tại TAND huyện Mỹ Hào (Hưng Yên), các bị cáo chỉ phải chịu hình phạt 9 tháng tù treo.

Giải quyết mâu thuẫn bằng… phân

Lần theo hồ sơ vụ án, có thể tóm tắt diễn biến vụ việc như sau: Sáng 29/9/2006, chị Nguyễn Thị Phương đang trông xe đạp tại Trung tâm y tế (TTYT) huyện Mỹ Hào thì có Nguyễn Ngọc Huy lái chiếc xe ôtô 4 chỗ đến cổng TTYT.

Huy tự ý xuống xe mở cổng TT để lái xe vào nhưng không được chị Phương đồng ý (gia đình Huy thường nhận chở bệnh nhân chuyển viện đã nhiều năm nay). Giữa Huy và chị Phương đã xảy ra to tiếng, xô xát. Được mọi người can ngăn nên lúc đó chưa xảy ra hậu quả gì. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó…

Theo cáo trạng của VKSND huyện Mỹ Hào: “Khoảng 4 giờ chiều hôm đó, chị Nguyễn Thị Phương (SN 1958), là điều dưỡng viên của TTYT huyện Mỹ Hào, đi từ TT ra ngoài cổng thì gặp một số người nhà của Nguyễn Ngọc Huy, gồm Trà Thị Thêm (SN 1956, mẹ ruột Huy), Nguyễn Ngọc Hà (SN 1977, chị gái Huy) và Lê Thị Huế (SN 1978, vợ Huy) - đều ở xã Phùng Chí Kiên, Mỹ Hào, Hưng Yên.

Bà Thêm chửi bới, rồi xông vào túm đánh chị Phương. Còn Huế tay phải cầm một mảnh báo trong có bọc phân người đập vào chị Phương, chị Phương đưa tay lên đỡ thì bị bọc phân đập vào tay, vào mặt và dính đầy đầu tóc, quần áo. Thêm còn lấy tiếp phần phân rơi vãi, trát vào mặt, đầu tóc để làm nhục chị Phương”.

Vụ việc hết sức nghiêm trọng, xảy ra ngay trước cổng TTYT huyện Mỹ Hào nhưng đã không được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời. Đến khi công luận lên tiếng, công an huyện Mỹ Hào mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Huế và Trà Thị Thêm về tội “làm nhục người khác”, theo điều 121, khoản 1 BLHS.

Một bản án chưa đủ tính răn đe

Ngày 24/3, TAND huyện Mỹ Hào đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 2 bị cáo trên với tội danh “làm nhục người khác”. Điều đáng nói là, mặc dù tội danh đã rõ ràng nhưng cả 2 bị cáo đều một mực không nhận tội, còn đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa thì xuýt xoa: “Quá trình điều tra vụ án, 2 bị cáo đã đến cơ quan thi hành án của huyện nộp 500.000 đồng, để khắc phục thiệt hại đã gây ra, hành động này được coi là tình tiết giảm nhẹ”.

Thẩm phán Nguyễn Đức Dương, Phó chánh án - Chủ tọa phiên toà vặn: “Bị cáo nộp số tiền trên vì mục đích gì?” Bị cáo Thêm trả lời: “Nộp tiền vì luật sư (bào chữa cho bị cáo) bảo nộp thì cứ nộp thôi chứ chả biết nộp tiền gì và để làm gì?”

Chủ toạ hỏi tiếp: “Bị cáo làm nhục người ta, xong có đến xin lỗi người ta không?” Bị cáo nói: “Tôi đến đền tiền, cho sự việc nó xong đi, nhưng chị Phương không đồng ý, chị ấy nhất định kiện mẹ con tôi ra toà, tôi phải chịu”.

Ngay sau khi nghe đại diện VKS đọc bản luận tội, cả 2 bị cáo đều nói mình bị oan và không thừa nhận hành vi làm nhục người khác của mình. Chỉ đến khi các lời khai của những nhân chứng trực tiếp chứng kiến sự việc được HĐXX công bố, hành vi phạm tội của hai mẹ con Huế mới được làm rõ.

Tài liệu có trong hồ sơ vụ án cho thấy, hành vi làm nhục người khác của Trà Thị Thêm và Lê Thị Huế là có tổ chức, được chuẩn bị từ trước. Huế đã mang chất bẩn từ nhà đến cổng cơ quan chị Phương, đợi chị Phương ra để  thực hiện hành vi làm nhục…

Chị Nguyễn Thị Phương - bị hại trong vụ án, bức xúc nói: “Tôi cho rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật đã không công tâm khi điều tra vụ án. Bởi sự việc diễn ra ngay trước cổng cơ quan tôi trong giờ hành chính, xuất phát từ việc tôi ngăn cản Huy, không cho gây rối trật tự ở cơ quan tôi, vì thế Huy không thể đứng ngoài vụ việc này.

Thậm chí ngay sau khi tôi vào báo cáo Ban giám đốc quay trở ra, người nhà Huy vẫn tiếp tục xông vào để đánh tiếp. Khi tôi đến báo công an xã, thay vì chủ động tham gia bảo vệ hiện trường, đề nghị sự hỗ trợ của cấp trên, thì họ lại bảo tôi về nhà viết đơn đem đến nộp. Sau nhiều ngày thấy vụ việc chưa được xem xét, tôi làm đơn gửi đến các cơ quan ngôn luận, thì họ mới khởi tố vụ án…”.

HĐXX cũng đã công bố lời khai của ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó trưởng ban Công an xã Phùng Chí Kiên, cho thấy ông Tuấn đã không làm đúng chức năng nhiệm vụ của một người phụ trách ANTT của địa phương. Sau khi nghe tin báo, ông có xuống hiện trường, nhưng không ghi lại biên bản hiện trường, không thu thập chứng cứ ngay và báo cáo CQĐT cấp trên, mà chỉ khuyên người bị hại về nhà viết đơn trình báo sự việc để gửi lên xã.

Sau một hồi đôi co, ngoan cố không chịu nhận tội, cuối cùng bản án đã được tuyên. Bị cáo Trà Thị Thêm và Nguyễn Thị Huế mỗi người bị tuyên phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo. Hai bị cáo phải bồi thường danh dự cho bị hại số tiền trên 3 triệu đồng.

Sau khi tòa tuyên án, bị hại Nguyễn Thị Phương cho biết: “Tôi sẽ kháng án. Điều tôi mong muốn là các bị cáo phải nhận ra lỗi lầm của mình. Tại phiên toà hôm nay, các bị cáo đều khăng khăng không nhận tội, cũng chưa xin lỗi tôi câu nào, nhưng tôi càng không thể hiểu nổi HĐXX, vẫn nói được rằng: “Tại phiên toà hôm nay, các bị cáo thành khẩn khai báo nên toà coi đó làm tình tiết giảm nhẹ”?

Vụ án kết thúc trong không khí bức bối ngột ngạt. Người nhà bị cáo thì hằm hè đe dọa phóng viên và một số nhân chứng có mặt tại phiên tòa, bị hại bức xúc vì phán quyết của Tòa không mang tính răn đe.

Đức Sơn