1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đồng Nai:

Lái xe bị xét nghiệm máu tại chỗ kiểm tra nồng độ cồn

Trong hai ngày qua, đội tuần tra kiểm soát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai và huyện Xuân Lộc đã tiến hành xét nghiệm máu tại chỗ đối với người điều khiển phương tiện giao thông để kiểm tra nồng độ cồn làm căn cứ xử phạt.

Lái xe bị xét nghiệm máu tại chỗ kiểm tra nồng độ cồn - 1
“Tôi thấy mình như là tội phạm”

Đúng 15h ngày 8/1, đội tuần tra kiểm soát giao thông của Công an Đồng Nai và Công an huyện Xuân Lộc tuần tra trên Quốc lộ 1A phát hiện một xe tải chạy từ Long Khánh ra Bình Thuận do tài xế Nguyễn Văn Tuân điều khiển. Sau khi có hiệu lệnh dừng xe, tài xế Tuân buộc phải dùng máy đo nồng độ cồn để kiểm tra. Qua 3 lần test thử, anh Tuân không chịu thổi hơi vào máy nên CSGT không thể kiểm chứng nồng độ cồn để làm căn cứ xử phạt.
 
Lập tức đại úy Nguyễn Đức Hậu viết giấy đề xuất xe cứu thương của Bệnh viện Đa khoa Xuân Lộc lại lấy mẫu máu của tài xế Tuân đưa vào máy sinh hóa để phân tích. Sau 15 phút, máy hiển thị nồng độ cồn trong máu của anh Tuân là 128,2 mg/dl, vượt ngưỡng cho phép 40%. 
 
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết những người khi vi phạm giao thông bị rút máu tại chỗ để kiểm tra nồng độ cồn đều phản ứng vì cho rằng hình thức kiểm tra này gây phản cảm. Tài xế Tuân cho biết: “Khi tôi bị đưa lại xe cứu thương để lấy mẫu máu kiểm tra nồng độ cồn, tôi có cảm giác mình như một tội phạm”. Không chỉ những người bị “xin tí huyết” cảm thấy khó chịu mà những người dân chứng kiến cũng cảm thấy lạ lùng với sự việc trên, nên tụ tập đến xem.
 
Ông L.V.H nói đây là lần đầu tiên tôi thấy kiểu xử phạt này. Nó có vẻ hơi quá và việc lấy máu những người vi phạm để kiểm tra làm người ta lầm tưởng họ là một con nghiện, bị công an phát hiện được chứ đâu biết đó là người vi phạm luật giao thông.
 
“Xét nghiệm máu tại chỗ là cần thiết”
 

Chỉ làm thí điểm để rút kinh nghiệm

 

Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc - Đồng Nai, việc áp dụng hình thức xét nghiệm máu để phát hiện tài xế uống rượu bia bảo đảm tính khách quan và an toàn vệ sinh hơn cách của CSGT hay dùng là để cho người vi phạm ngậm ống thổi của máy đo nồng độ. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng chỉ mới thí điểm từ nay đến sau Tết sau đó sẽ rút kinh nghiệm chỉ đạo thêm.

Theo đại úy Nguyễn Đức Hậu, khi phát hiện người vi phạm có mùi rượu nồng nặc, CSGT đưa máy đo nồng độ cồn họ chỉ ngậm nhưng không thổi hơi vào máy nên không thể biết được nồng độ cồn trong máu là bao nhiêu để làm căn cứ xử phạt. Vì vậy, việc xét nghiệm máu tại chỗ để phát hiện nồng độ cồn là cần thiết. Cũng theo đại úy Hậu, sau 2 ngày xét nghiệm máu tại chỗ, công an đã phát hiện 15 tài xế có uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện.

Đồng quan điểm trên, một chuyên viên Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt nhận định, việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông là rất cần thiết vì Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ nồng độ cho phép. Còn phát hiện hành vi vi phạm bằng cách nào căn cứ vào chức năng và điều kiện của mỗi đơn vị mà triển khai thực hiện.

Sẽ kiểm tra lại

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ VN, cho biết từ trước đến nay chỉ có các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu mới bị lấy máu kiểm tra nồng độ cồn tại bệnh viện tiếp nhận (trong trường hợp có dấu hiệu nghi vấn có sử dụng rượu, bia). Còn việc trực tiếp lấy mẫu máu của người tham gia giao thông trên đường để kiểm tra nồng độ cồn thì ông Quyền nói chưa được cơ quan chức năng nào thông báo. Ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng khẳng định ngành y tế không có quy định về việc lấy máu của bất kỳ người lái xe nào để xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

Theo đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, trước đây chưa có tiền lệ lấy máu tại chỗ để kiểm tra. “Mục đích kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người tham gia giao thông là tốt, tuy nhiên quan trọng là phương pháp thực hiện. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại xem cụ thể vụ việc thế nào, đồng thời sẽ rà soát lại xem cả phía công an và ngành y tế có quy định nào cho phép thực hiện như thế không” - ông Dũng nhận định.

TheoNgười lao động