1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đề án thuê mua nhà ở xã hội:

Kỳ I: Người lao động quá ngán cảnh thuê nhà!

(Dân trí) - Hàng ngàn hộ gia đình công chức, viên chức ở Hà Nội đang phải sống trong điều kiện chỗ ở không đảm bảo. Số lượng các gia đình trẻ chưa có nhà chiếm tỷ lệ lớn và chỉ có khoảng 30% số cán bộ công nhân viên Nhà nước được phân phối nhà ở.

10 năm tiết kiệm, mua được nhà 400 triệu

Kể từ khi lập gia đình, chị Mai làm ở một văn phòng của công ty Vincom luôn khao khát có một ngôi nhà dù bé để hai vợ chồng và đứa con có chỗ ở ổn định.

Gần 10 năm đi thuê nhà (tính cả thời gian học đại học), chị đã nếm đủ những cay đắng trong chuyện đi thuê nhà, từ chuyện chủ nhà doạ đuổi nếu không được tăng giá thuê, đến chuyện ở chung chạ, tạm bợ…

Thời gian gần đây, khi giá nhà cho thuê liên tục tăng thì nỗi bức xúc về nhà ở của gia đình chị cũng tăng theo. Chị cho biết, nếu như năm 2002, chị thuê một căn hộ tầng 5 ở khu tập thể chung cư cũ Thanh Xuân Bắc chỉ với giá 600.000/tháng thì bây giờ với căn hộ ấy đã lên tới 1,7 triệu đồng/tháng (hồi đầu năm mới chỉ 1,2 triệu đồng/tháng). Thậm chí chủ nhà còn báo trước, sắp tới sẽ tăng lên 2 triệu đồng/tháng.

Chị Mai tâm sự: “Với thu nhập như của hai vợ chồng như hiện nay thì khó có thể mua được nhà nếu trừ đi chi phí cuộc sốngvà trả tiền thuê nhà. Chỉ trừ khi có bố mẹ hỗ trợ hoặc chồng kiếm được khoản gì đột biến”.

Cùng công ty với chị Mai, chị Hoa đã chán ngán với cảnh thuê nhà suốt nhiều năm qua. Theo tính toán của chị, với công việc và thu nhập như hiện nay của hai vợ chồng thì sau 10 năm có thể dành dụm được 400 triệu đồng để mua nhà. Nhưng chị cũng không biết là lúc dành dụm được đủ số tiền ấy thì giá nhà sẽ tăng đến bao nhiêu.

Chỉ có 30% cán bộ công chức được phân phối nhà ở

Sở Xây dựng cho biết, Hà Nội vẫn còn thiếu nhà ở nghiêm trọng, nhất là đối với người thu nhập thấp, công chức, viên chức. Trong 5 năm qua (2000 - 2005), thành phố xây dựng mới trên 6 triệu m2 nhà ở nâng diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người từ 6m2 năm 2000 lên 7,5 m2 năm 2005 nhưng chủ yếu đáp ứng nhu cầu nhà ở thị trường.

Hiện quỹ nhà ở của cán bộ, công chức, viên chức, đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội rất thiếu, vẫn còn hàng ngàn hộ phải sống trong điều kiện chỗ ở không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu.

Số liệu điều tra sơ bộ cho thấy, hiện có khoảng 30% số cán bộ công nhân viên Nhà nước được phân phối nhà ở, trong đó tỷ lệ hộ các gia đình trẻ chưa có nhà ở (phải ở ghép hộ, ở tạm) chiếm tỷ lệ lớn.

Hầu hết tại các khu công nghiệp đều thiếu nhà ở cho công nhân vì số lượng lao động tăng nhanh nhưng trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp chưa tính tới yêu cầu về chỗ ở cho công nhân.

Một khảo sát cho thấy, hiện có khoảng 196.000 lao động ngoại tỉnh đến sinh sống làm việc tại Hà Nội, trong đó có hơn 19.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp, chế xuất tập trung.

Bởi vậy, giải quyết vấn đề nhà ở không chỉ đối với cán bộ công nhân viên, người làm công ăn lương từ ngân sách mà còn phải tính đến lực lượng lao động trong khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Kỳ II: Đề án được thuê mua nhà ở có khả thi?

Lan Hương