1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

KTT Vũng Áng: Nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị nhân lực

(Dân trí) - Hôm qua 24/4, Hội nghị sơ kết công tác chuẩn bị nhân lực cho Khu kinh tế mang tầm quốc gia Vũng Áng (Hà Tĩnh), do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng chủ trì, đã được tổ chức tại TP Hà Tĩnh.

Đã có những kết quả bước đầu về việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho KKT này, tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều vấn đề cần được hoàn thiện nếu muốn đưa khu kinh tế trọng điểm này cất cánh theo đúng lộ trình đã đặt ra.

Những kết quả bước đầu

Khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được thành lập theo quyết định số 72/2006/QĐttg ngày 3/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng diện tích quy hoạch là 22.781ha. 5 năm trở lại đây KKT này đã có những chuyển biến rất tích cực, điều đó được thể hiện số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế đã tăng từ 93 doanh nghiệp lên con số 153 và con số này chắc chắn sẽ còn tăng mạnh vào thời gian tới.

Sự phát triển của KKT Vũng Áng đã đặt ra một vấn đề rất cấp bách là làm thế nào để đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho hệ thống doanh nghiệp đầu tư tại đây. Khảo sát, đánh giá, kiểm tra thực tế tại KKT Vũng Áng nhiều đoàn công tác từ trung ương đến địa phương cho thấy, nhu cầu nhân lực của KKT Vũng Áng trong giai đoạn 2011-2015 lên đến hơn 74.000 lao động ở các cấp trình độ. Đi theo với nguồn nhân lực là vô số vấn đề cần được quan tâm đúng mức đó là hàng vạn chỗ ở cho người lao động, thu nhập, các điều kiện về y tế, vui chơi, giải trí.

KTT Vũng Áng: Nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị nhân lực
Toàn cảnh Hội nghi sơ kết chuẩn bị nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đồng chủ trì (ảnh: Văn Dũng)
 
Trước yêu cầu cấp thiết nói trên, tháng 8/2010 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị về đào tạo và đảm bảo nguồn nhân lực cho Khu kinh tế Vũng Áng. Sau hội nghị hàng loạt giải pháp đã được triển khai, để hiệu quả hơn, hai tổ công tác đặc biệt liên quan đến KKT này do hai Bộ GD&ĐT, Bộ Xây dựng đứng đầu, các thành viên là nhiều bộ ngành còn lại và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã được thành lập.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, sau gần 2 năm, việc chuẩn bị nhân lực cho toàn bộ KKT Vũng Áng đã có những chuyến biến ban đầu khá tích cực. Các cơ sở đào tạo nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và vùng lân cận đã và đang tích cực tiếp cận các doanh nghiệp, tập đoàn tại KKT Vũng Áng để tổ chức đào tạo, cung ứng nhân lực, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Phía Bộ Xây dựng khẳng định, Bộ đã chỉ đạo, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh quy hoạch các khu đô thị ở Khu KKT Vũng Áng, trong đóchú trọng quy hoạch hệ thống hạ tầng ấp ứng các dịch vụ xã hội cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp cũng đã tiến hành xây dựng khu nhà ở cho công nhân để thu hút người lao động.

Kết quả những nỗ lực nêu trên là các trường đại học, cao đẳng nghề trên địa bàn, đã đáp ứng được 14.000 lao động ở các cấp trình độ cho KKT Vũng Áng. Đáng chú ý, hiện có hơn 10.000 lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nhà thầu tại đây. Một số sự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đáng chú ý nhất là Dự án Formosa có hơn 5.300 công nhân làm việc cho công tu và 66 nhà thầu khác nhau, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng có hơn 4000 người làm việc cho nhà máy và các hạng mục công trình...

Còn vô số khó khăn

Tuy nhiên, những con số nêu trên chưa thể làm an tâm đối với những nhà hoạt định chính sách phát triển cho KKT Vũng Áng. Một số đại biểu tham dự hội nghị đã chỉ rõ, còn có quá nhiều bất cập, bất hợp lý liên quan đến đào tào nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng. Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Ngọc Phi, Trưởng BQL K KT Vũng Áng Hồ Anh Tuấn chỉ ra hàng loạt vấn đề cản trở đến việc đào tào nguồn nhân lực cho KKT này, bao gồm: các điều kiện về hạ tầng xã hội, nhà ở, các dịch vụ thương mại, tiêu dùng hầu như là con số 0, các điều kiện tối thiểu chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động.

Trong khi đó, 10 trường Đại học, cao đẳng đào tạo nghề đại diện cho 37 cơ sở đào tạo nhân lực cho KKT Vũng Áng tham dự hội nghị đồng loạt đưa ra hàng loạt khó khăn, như thiếu thông tin, thiếu vốn, thiếu trang thiết bị đào tạo, thiếu cơ chế hỗ trợ mạnh từ phía doanh nghiệp. “Năng lực chúng tôi có thể đào tạo một phần nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực kỷ thuật, nhưng vấn đề là doanh nghiệp phải bắt tay hỗ trợ chúng tôi cả về chi phí đào tạo, cam kết ký hợp đồng sau khi đào tạo. Rất tiếc hiện các cơ sở đào tạo của chúng tôi chưa được quan tâm đúng mức vấn đề này”- đại diện một trường cao đẳng đào tạo nghề của Hà Tĩnh phát biểu.

Ngoài những yếu tố khách quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, những tồn tại trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng có một phần trách nhiệm của 2 tổ công tác liên quan đến KKT này do Bộ GD&ĐT, Bộ Xây dựng và tỉnh Hà Tĩnh đứng đầu. “Thời gian đầu các tổ công tác này và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp, duy trì liên lạc với nhau tương đối tốt, nhưng về sau thì sự liên lạc đã không hiệu quả”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

KTT Vũng Áng: Nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị nhân lực
Đại biểu Hồ Anh Tuấn - Trưởng BQL Khu KKT Vũng Áng cũng cho rằng, ý thức lao động sau khi đào tạo vẫn còn thấp, còn tình trạng tự ý bỏ việc gây khó khăn cho doanh nghiệp

Xem xét cơ chế đặc thù cho KKT Vũng Áng

Trước thực trạng nêu trên, Kết luận Hội nghị Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các bộ, ban ngành trung ương và UBND tỉnh Hà Tĩnh cần phối hợp chặt chẽ, có hệ thống để sớm giải quyết những khó khăn vướng mắc, để Khu kinh tế Vũng Áng thực sự có sức thu hút đối với người lao động.
 
Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu 2 tổ công tác gồm các bộ ngành liên quan và tỉnh Hà Tĩnh phải thường xuyên duy trì thông tin, định kỳ giao ban trực tuyến qua mạng để giải quyết những vướng mắc, tồn đọng và những vấn đề phát sinh.
KTT Vũng Áng: Nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị nhân lực
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc xây dựng cơ chế đặc thù cho KKT Vũng Áng là rất cần thiết
 
Một vấn đề khác,theo Phó Thủ tướng, các bộ ngành và tỉnh Hà Tĩnh cần phải xây dựng một cơ chế đặc thù cho Khu kinh tế Vũng Áng, trong đó quan trọng nhất là xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, thực hiện nhanh, có hiệu quả chứ không phải cơ chế đặc thù là phải có tiền.
 
Phó Thủ tướng lưu tâm lãnh đạo, các ban ngành liên quan của tỉnh này phải năng động, mềm dẻo trong các chương trình thu hút người lao động của địa phương, như công bố rõ ràng các chính sách cho người lao động, gồm cả lương, chỗ̉ ở và những cơ chế hỗ trợ khác; đẩy mạnh công tác truyền thông. “Cứ như hiện nay thì thông tin về Khu kinh tế Vũng Áng đến với sinh viên, người lao động còn rất hạn chế, bất cập. Tỉnh phải có một đoàn công tác, gồm cả Đoàn thanh niên, tham gia đến tận các trường đại học, trường nghề quảng bá, giới thiệu các chính sách cơ chế, đồng thời tư vấn làm thế nào để thu hút được càng đông sinh viên, học viên về biết”- Phó Thủ tướng gợi ý một giải pháp. 

Cũng theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn không thể đứng ngoài cuộc, mà cần phải chung sức với nhà nước để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất tại Khu kinh tế Vũng Áng. Cụ thể, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng kỹ sư, công nhân, cần phải ngồi lại với các trường đào tạo, thông báo số lượng cần đào tạo, hỗ trợ kinh phí cũng như ký cam kết với sinh viên, người lao động sau khi đào tạo và thông báo rõ cơ hội thăng tiến trong quá trình làm việc.

Một vấn đề rất quan trọng khác mà Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đó là các bộ, ban, ngành Trung ương cần hỗ trợ Hà Tĩnh tối đa quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, để KKT chuyển biến nhanh hơn, có sức thu hơn nữa, xứng đáng là KKT tương lai của đất nước.

Văn Dũng