1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

“Kiệt tác” từ bẹ chuối khô

(Dân trí) - Lâu nay cứ nghĩ bẹ chuối khô chỉ có thể làm thức ăn chăn nuôi, chất đốt hoặc... vứt đi. Nhưng khi về xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, chúng tôi được chứng kiến những “kiệt tác” từ bẹ chuối khô xuất khẩu ra nước ngoài.

Để được tận mắt chứng kiến quy trình làm ra những món hàng xuất khẩu độc đáo từ bẹ chuối khô, chúng tôi tìm về xã Quảng Long, đến một lớp học nghề đan hộc bẹ chuối của xã.
 
“Kiệt tác” từ bẹ chuối khô - 1
Phụ nữ hào hứng tham gia làm các sản phẩm mỹ nghệ từ bẹ chuối khô

Thoăn thoắt vắt sổ cho xong chiếc hộc, chị Trần Thị Lan Hương, một học viên cho biết: “Tôi vào nghề đã được hơn 3 tháng nay. Ban đầu tôi thấy hơi khó khăn để đan được chiếc hộc đẹp và ưng ý, nhưng giờ thì quen tay rồi. Một ngày tôi có thể đan được 3 chiếc hộc lớn mà chỉ cần tranh thủ vào thời gian rảnh rỗi thôi”.

Quảng Long là một xã thuần nông với gần 6.000 nhân khẩu. Kinh tế chủ yếu là làm ruộng, trồng cói. Do đất đai ít, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn nên không có các nghề phụ. Hàng năm số lao động dư thừa trong xã chiếm tỷ lệ cao, lên tới 1.700 lao động. Nhiều thanh niên trong xã phải tha hương đi các tỉnh làm ăn. Nhưng từ khi nghề đan hộc bẹ chuối xuất hiện, đã tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây, tăng thu nhập và cải thiện đời sống kinh tế hộ gia đình.

Nghề đan hộc bẹ chuối phát triển ở Quảng Long từ năm 2008, do công ty Bao tiêu sản phẩm Truờng Phúc kết hợp với UBND xã Quảng Long giới thiệu và dạy nghề cho người dân, có hỗ trợ về tài chính và học việc. 
 
“Kiệt tác” từ bẹ chuối khô - 2
Một số sản phẩm được làm từ bẹ chuối

Ông Lê Minh Được, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ cộng đồng, giải thích: “Một học viên chỉ cần học từ 9 - 10 ngày là có thể làm hộc bẹ chuối thành thạo, nghề không đòi hỏi nhiều về sức khỏe và công sức nên lứa tuổi nào cũng có thể làm được. Nguyên liệu người dân cũng có thể tận dụng từ bẹ chuối gia đình trồng được. Một hộc bẹ chuối nhỏ có giá 9.000đ, hộc lớn là 16.000đ. Đặc biệt nghề này tận dụng được tối đa thời gian rảnh rỗi trong một ngày nhưng thu nhập lại khá ổn định”.

Hiện nay, các lớp học nghề đan hộc bẹ chuối thu hút cả những người có độ tuổi 60, hay những người tàn tật. Một người bình thường đan mỗi ngày được 2 - 3 cái hộc, tuơng đương từ 35 - 40.000đ/ngày. Ban đầu chỉ có thôn Thổ Ngõa, nhưng đến nay hầu hết các thôn trong xã đều tham gia và nhận sản phẩm về làm, một số xã lân cận như Quảng Phong, Quảng Bình... Các sản phẩm sẽ đựơc công ty Truờng Phát tiêu thụ và xuất khẩu sang các nuớc châu Âu, Phi, Mỹ.

Chị Nguyễn Thị Tâm, người trực tiếp đào tạo nghề cho bà con tâm sự: “Để làm hộc, giỏ hoa từ bẹ chuối phải qua nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên phải căng khung bằng các sợi đay vào đáy rồi dùng kĩ thuật vê. Bẹ chuối do công ty Trường Phát cung cấp thường là bẹ chuối tây, màu trắng, đựơc sấy khô, dẻo, đảm bảo không mốc”.
 
“Kiệt tác” từ bẹ chuối khô - 3
Nghề mới này phù hợp với lao động nữ

Qủa thật, nếu không trực tiếp chứng kiến tận mắt các công đoạn sản xuất thì ít ai nghĩ nhưng chiếc hộp xinh xắn này lại đựơc làm từ một nguyên liệu đơn giản, sẵn có, giá thành rẻ như bẹ chuối. Sắp tới, xã Quảng Long khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng chuối tây để chủ động nguồn nguyên liệu.

Ông Lê Bá Tân, Chủ tịch UBND xã Quảng Long cho biết: “Hiện chúng tôi đã có 300 lao động đang làm nghề đan hộc bẹ chuối trong toàn xã. Tới đây chúng tôi sẽ đào tạo thêm 200 lao động để thành lập một tổ hợp, phát triển thành làng nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây. Đồng thời xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Việc mở các lớp đào tạo nghề đan hộc bẹ chuối đang trở thành hướng đi tăng thu nhập, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cho nông dân”.

Lan Anh