1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển hành khách bằng tàu cánh ngầm

(Dân trí) - Thời gian gần đây, hoạt động vận tải hành khách bằng tàu cánh ngầm tuyến TPHCM - Vũng Tàu liên tiếp xảy ra sự cố mắc cạn, chết máy… khiến hành khách nhiều phen hú vía.

Nguy cơ cao

Chiều 26/6/2011, 120 hành khách đi trên tàu cánh ngầm Vina Express 02 từ Vũng Tàu về TPHCM đã có phen thót tim khi con tàu này mất lái, lao vào bãi cạn dưới trời mưa to, gió lớn giữa biển nước mênh mông.

Khi trời chuyển tối, điện ở các khoang tàu tắt ngúm mà tàu vẫn bị mắc cạn càng khiến hành khách hoảng hốt cực độ. Mãi đến 20h, tàu cứu hộ và ghe của ngư dân xung quanh mới đến hỗ trợ, đưa hết hành khách sang tàu khác tiếp tục hành trình về TPHCM.

Kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển hành khách bằng tàu cánh ngầm - 1
Nhiều tàu đua nhau để tranh giành khách

Trước đó, tối ngày 30/5, 50 hành khách cũng mắc kẹt hơn 3 tiếng đồng hồ trên tàu cánh ngầm của Công ty cổ phần Dòng Sông Xanh (Greenlines) khi tàu của hãng này mắc cạn. Chuyến tàu xuất phát từ TPHCM đi Vũng Tàu, khi tới một nhánh sông Dinh (Bà Rịa Vũng Tàu) thì bị vướng bãi cát bùn, không di chuyển được.

Theo Chi cục Đường thủy nội địa Phía Nam, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tàu chở khách tốc độ cao (tàu cánh ngầm) bị mắc cạn hoặc hỏng máy trên đường hành trình. Ngoài ra, thuyền trường các tàu thường không tuân thủ quy định giảm tốc độ khi đi qua những khu vực đông dân cư, bến khách ngang sông, khu vực luồng giao nhau…

Thậm chí, thời gian qua còn có hiện tượng các tàu đua nhau để giành khách. Những hiện tượng trên gây mất trật tự an toàn giao thông thủy, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông thủy là rất cao; đặc biệt là trong mùa mưa bão, lũ lụt hiện nay.

Cảnh báo trên của Chi cục Đường thủy nội địa Phía Nam không khỏi khiến người ta nhớ đến vụ hai tàu cánh ngầm Greenlines 10 và Petro Express 2 đâm nhau trên sông Sài Gòn vào cuối năm 2009 khiến hàng trăm hành khách khiếp vía, 8 người nhập viện. Trước đó, trong năm 2008 cũng đã xảy ra 1 vụ tai nạn tàu cánh ngầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai làm chết 1 người.

Chấn chỉnh

Trước tình trạng tàu cánh ngầm hoạt động bát nháo như trên, Chi cục Đường thủy nội địa Phía Nam yêu cầu Sở Giao thông Vận tải của các tỉnh thành từ Quảng Ngãi đến Cà Mau chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển hành khách của tàu cánh ngầm, nghiêm cấm các hành vi chạy đua tranh giành khách gây mất an toàn, tạo sóng làm ảnh hưởng đến các công trình ven sông và các phương tiện khác.

Kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển hành khách bằng tàu cánh ngầm - 2
Tàu cánh ngầm tại TPHCM được nhiều hành khách trong và ngoài nước ưa chuộng

Đồng thời phải kiểm soát chặt và buộc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng tàu cao tốc như trên phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của phát luật, tuân thủ lịch trình xuất bến, bố trí nhân viên lái tàu có bằng cấp, chuẩn bị đầy đủ áo phao cứu sinh…

Đặc biệt, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam nghiêm cấm hành vi điều động tàu rời cảng khi thời tiết không cho phép. Tuyệt đối không được chở vượt quá số lượng hành khách theo quy định, lập danh sách hành khách cho mỗi chuyến đi.

Tuy nhiên, những biện pháp kiểm soát chặt chẽ trên vẫn khó khiến hành khách an tâm khi hầu hết tàu cánh ngầm đang hoạt động trên địa bàn TPHCM nói riêng và ở khu vực phía Nam nói chung đều là tàu cũ. Hiện TPHCM có gần 20 tàu cánh ngầm đang hoạt động, hầu hết trong số đó đều đã hoạt động trên 15 năm.

Do vậy, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam yêu cầu các chủ tàu phải thường xuyên đưa tàu đi kiểm tra kỹ thuật định kỳ theo quy định. Trường hợp tàu bị sự cố kỹ thuật phải hủy chuyến để tiến hành sửa chữa. Khi tàu xảy ra sự cố, tai nạn phải đem tàu đến cơ quan đăng kiểm để kiểm tra, xác nhận trước khi đưa vào hoạt động trở lại.

Ngoài ra, một nguy cơ khác mà hành khách phải lưu tâm là tàu cánh ngầm đều đăng ký là phương tiện thủy nội địa, tài công và yêu cầu kỹ thuật đều theo tiêu chuẩn phương tiện thủy nội địa. Nhưng các tàu tuyến TPHCM - Vũng Tàu lại hoạt động trên tuyến hàng hải, nhiều đoạn chạy ven biển, sóng lớn nên nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
 

Liên tiếp các vụ tai nạn sà lan tông cầu

Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM liên tục xảy ra tình trạng sà lan chở hàng tông vào hệ thống trụ cầu, gây hư hại hệ thống cầu băng sông của TP. Vào lúc 3h00 ngày 18/7, tàu kéo SG-1755 kèo theo sà lan SG-1828 chở 350m3 đất đỏ do ông Mai Văn Thảo điều khiển lưu thông từ Đồng Nai về cầu Bình Điền. Khi sà lan được kéo từ ngã ba Tân Thuận vào khoang thông thuyền cầu Tân Thuận I thì gặp 1 tàu đi ngược chiều.


Khi né tàu ngược chiều, mũi sà lan SG-1828 đã va đụng vào trụ chống va cầu Tân Thuận I. Trụ chống va cầu Tân Thuận I bị nghiêng, các thanh chằng bị bung các mối hàn. Sau khi sà lan đụng vào trụ chống va thì sà lan bị phá nước, lật úp cùng 350m3 đất.

Kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển hành khách bằng tàu cánh ngầm - 3
Sà lan lật úp sau khi tông vào trụ cầu (ảnh: sở GTVT)

Theo Trạm Quản lý đường thủy nội địa số 3, tai nạn xảy ra do sà lan đi theo con nước, tốc độ cao nên khi tránh tàu ngược chiều đã không làm chủ được hướng di chuyển của sà lan. Đáng nói là trước khi tai nạn này xảy ra, lái tàu kéo (kéo sà lan) Mai Văn Thảo đã bị cảnh sát giao thông đường thủy tạm giữ bằng điều khiển tàu do vi phạm nhưng ông Thảo vẫn tiếp tục điều khiển tàu và để xảy ra tai nạn trên.

Trước đó, vào ngày 8/7, cầu Nhị Thiên Đường I (cầu cũ) cũng bị tàu kéo sà lan tông vào trụ cầu làm hỏng các dầm của nhịp khoang thông thuyền. Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành khắc phục sự cố trên.


Kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển hành khách bằng tàu cánh ngầm - 4
Trụ chống va cầu Tân Thuận I hỏng nặng sau vụ va chạm ngày 18/7 (ảnh: Sở GTVT)

Theo Khu Quản lý giao thông đường thủy, hiện trên địa bàn TPHCM có đến 208 cầu có tĩnh không dưới 3m (chiếm 88% số lượng cầu toàn TP) nên nguy cơ bị các phương tiện giao thông thủy đâm, va quẹt là rất cao. Trong số đó, cầu Bình Lợi là một trong những cây cầu thường xuyên hứng chịu những tai nạn trên.

 Tùng Nguyên