1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Cục trưởng Cục kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân:

Khu vực rò phóng xạ đã an toàn

(Dân trí) - Đã nhiều ngày qua, sự cố rò rỉ chất phóng xạ tại ngôi nhà số 628 Bạch Đằng, Hà Nội khiến người dân ở khu vực này hết sức lo lắng. Người dân càng hoang mang hơn khi các thông tin về chất phóng xạ bị thất thoát không thống nhất, chỉ số bức xạ tại khu vực này hiện nay như thế nào cũng chưa ai được biết.

Chiều 7/6, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với  Tiến sĩ Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, xung quanh sự việc này. Tiến sĩ Ngô Đặng Nhân cho biết:

 

Hộp kim loại bị lấy cắp bán sắt vụn có chứa 0,05gram nguồn đồng vị phóng xạ Eu-152 ở dạng bột, kích thước nhỏ bằng đầu bút bi. Phóng xạ nằm trong một ampul (hình viên thuốc con nhộng làm bằng chất thạch anh) và được bảo vệ trong chì. Khi người ta đập hộp chứa thì phóng xạ rơi ra.

 

Ngày 31/5, ngay sau khi phát hiện ra địa điểm rơi vãi phóng xạ, các đơn vị kỹ thuật của Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung xuống ngay hiện trường để đo đạc đánh giá sự nhiễm bẩn phóng xạ, đã phát hiện một vị trí trong nhà (nơi nguồn chất phóng xạ rơi xuống) có suất liều rất cao. Suất liều phóng xạ đo ở đây là 1200 micro Sivert/giờ, cao gấp hàng ngàn lần so với phông phóng xạ môi trường (0,24 micro Sivert/giờ).

 

Do người trong gia đình đi lại nên nguồn phóng xạ phát tán tới cửa ra vào. Tuy nhiên, suất liều đã giảm, chỉ còn 3 micro Sivert/giờ, và khi ra đến đường đi thì không còn sự nhiễm bẩn phóng xạ nữa. Suất liều ở ngoài đường và hai nhà liền kề (626 và 630) ở mức phông phóng xạ môi trường.

 

Sự rơi vãi phóng xạ chỉ khu trú trong nhà 628 và đã khắc phục được bằng biện pháp tẩy xạ nên có thể nói không ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh.

 

 

Khu vực rò phóng xạ đã an toàn - 1
 

Công nhân đang tiến hành tẩy xạ
tại nhà 628 Bạch Đằng.

Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi đặt ra nhiều giả thuyết, dựng nhiều kịch bản như: Nguồn phóng xạ bị chủ nhà đập rơi xuống sẽ phân bố như thế nào? Có người khác cùng ở đấy không? Gia đình sinh hoạt ở đó ra sao? Trẻ nhỏ có chơi ở đấy không? Nguồn phóng xạ có còn ở đâu nữa không?... Sau đó, chúng tôi đã cùng anh em bên Cục Bảo vệ An ninh kinh tế (A17 Bộ Công an) trực tiếp ngồi nghe chị Hoa kể lại tại trụ sở Công an Phường để loại bỏ những kịch bản sai, chọn ra 1-2 kịch bản tương đối gần với sự việc đã xẩy ra để tiếp tục xử lý tính toán.

 

Sau một thời gian tẩy xạ, hôm qua (6/6) chúng tôi đã kiểm tra và khẳng định phông phóng xạ trong nhà chị Hoa đã trở lại phông cho phép. Như vậy, có thể nói ngôi nhà chị Hoa cũng như toàn bộ khu vực này đã an toàn. Chất phóng xạ rơi trên nền bê tông, nhà lại có mái che và được tẩy xạ kịp thời nên có thể loại bỏ khả năng chất phóng xạ lan theo đường nước ngầm cũng như rơi vào hệ thống cấp nước sạch.

 

Công tác tẩy xạ được thực hiện như thế nào thưa ông?

 

Đã chuyển đi toàn bộ những vật dụng trong nhà có nhiễm xạ, đã bóc nền nhà và chuyển đi, tường nhà được làm sạch phóng xạ.

 

Có thông tin một số em nhỏ ở khu vực này đã dùng bột trắng trong hộp đó bôi lên mặt. Liệu có chất bột bảo vệ bên ngoài phóng xạ và nếu có thì mức độ nguy hiểm với các em nhỏ đến đâu?

 

Không có chuyện đó. Chỉ có một Ampul bao quanh chất phóng xạ và được đặt bên trong hộp chì, không hề có bất cứ loại bột nào nữa.

 

Chất phóng xạ dạng bột thì ít mà những bột trắng ta nhìn thấy ở hiện trường rất nhiều. Tôi nghĩ rằng đó không phải là bột phóng xạ. Nếu có vài em nhỏ chơi ở đấy lấy mà bôi lên mặt thì cũng cần quan tâm vì trên thực tế các em đã ở trong vùng nhiễm bẩn phóng xạ.

 

Việc khám sức khoẻ cho những người bị nhiễm xạ ra sao?

 

Gia đình chị Hoa đã đi khám sức khỏe tại Viện Y học và U bướu quân đội, nơi chuyên phát hiện các bệnh lý nhiễm xạ của Cục quân y. Kết luận của Viện cho biết: đến nay chưa phát hiện có dấu hiệu nhiễm xạ ở những người đã trực tiếp tiếp xúc với nguồn phóng xạ nói trên. Điều này phù hợp với tính toán của các chuyên gia là dù cả gia đình có sống đủ 24 giờ liên tục trong 5 ngày (từ 26-31/5) thì cũng chỉ chịu liều bức xạ tối đa là 5 mili Sivert và mức nhiễm xạ này vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Tiêu chuẩn Việt Nam 6866:2001.

 

Trên thực tế, những người trong căn nhà này đã không ở nhà liên tục trong thời gian nói trên. Tuy nhiên, việc theo dõi và kiểm tra sức khỏe sẽ được tiếp tục thực hiện định kỳ trong vòng 6 tháng và Viện Công nghệ xạ hiếm có trách nhiệm thanh toán các chi phí này.

 

Hơn nữa, trong buổi trao đổi với bà con ở Phường Bạch Đằng, phía Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã hứa sẵn sàng đưa mọi người có nhu cầu đi khám sức khoẻ, đặc biệt nghe nói có các cháu đã ngồi chơi trong nhà chị Hoa nếu cần đi khám, đề nghị liên hệ ngay với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam.

 

Vì sao có thông tin không thống nhất về loại chất phóng xạ bị thất thoát? Có thông tin nói rằng đó là chất Eu-152, nguồn thông tin khác lại cho rằng đó là chất Eu-203?

 

Vấn đề chỉ là sự hiểu lầm. Thực chất, đó là đồng vị Eu-152 sản phẩm ở dạng Eu2O3 chứ không phải là chất Eu-203 như một số thông tin đã đưa.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa có thông báo số 1426/TB-BKHCN ngày 7/6 về việc mất nguồn phóng xạ và biện pháp khắc phục sự cố. Theo đó, Bộ đã nghiêm túc nhận thiếu sót trong trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân khi để xảy ra sự cố mất nguồn phóng xạ nêu trên.

 

Thanh tra Bộ KH&CN cũng đã ra quyết định số 66/QĐ-Ttra xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ đối với Viện công nghệ xạ hiếm với số tiền là 44 triệu đồng,  tước quyền xử dụng giấy phép hoạt động bức xạ của Viện công nghệ xạ hiếm trong thời hạn 3 tháng. Ngoài ra, quyết định còn buộc Viện này phải thực hiện mọi biện pháp khắc phục hậu quả, chịu các chi phí cho việc tìm kiếm, khắc phục hậu quả của việc thất thoát nguồn  phóng xạ này gây ra.

 

Cũng ngay sau khi sự cố xảy ra, Bộ KH&CN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ và an ninh các nguồn phóng xạ.

 

Đức Hòa (thực hiện)

Dòng sự kiện: Vụ phóng xạ Cô ban