1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Không vì khó mà không ra nghị quyết sau chất vấn”

(Dân trí) - “Tôi cho rằng khó không có nghĩa là không làm, là bỏ đi mà chúng ta phải có những giải pháp để giải quyết vấn đề. Tôi không ủng hộ việc cho rằng vì khó mà không ra Nghị quyết sau chất vấn” - Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu bày tỏ quan điểm.

Thưa Phó Chủ tịch, tại sao trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH lại tổ chức chất vấn ?

Mỗi năm Quốc hội họp 2 kỳ, mỗi kỳ họp chỉ có 1 tháng, lại phải giải quyết rất nhiều công việc lớn. Thời gian cho phiên chất vấn tại kỳ họp QH rất hạn chế nên khó có điều kiện để người chất vấn và người trả lời chất vấn đi đến cùng cũng như bàn giải pháp giải quyết vấn đề. Vì vậy cần thiết phải tổ chức chất vấn tại phiên họp của Thường vụ QH.

Về cơ sở pháp lý, những vấn đề mà tại kỳ họp của QH chưa chất vấn được thì QH đồng ý cho chuyển xuống phiên họp Thường vụ QH. Hoặc giữa hai kỳ họp QH, các đại biểu QH gửi chất vấn đến các cơ quan của QH và Ủy ban Thường vụ QH có quyền tổ chức chất vấn tại phiên họp của Ủy ban.

Về nội dung và tính chất vấn đề thì không có sự khác biệt giữa hai phiên chất vấn tại phiên họp của QH và chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH. Theo tôi, Ủy ban Thường vụ QH có nhiều thời gian hơn, lại là cơ quan hoạt động thường xuyên nên có điều kiện về thời gian cho người chất vấn và người trả lời chất vấn chuẩn bị vấn đề một cách cụ thể hơn.

Số lượng đại biểu QH tham dự phiên chất vấn ít hơn so với các kỳ họp Quốc hội, các thành viên UB Thường vụ cũng là những người ít chất vấn tại các kì họp Quốc hội... Liệu các phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ QH có bị “nhạt” ?

Tôi nghĩ, không nên quá lo lắng về vấn đề này bởi ngoài việc người chất vấn nêu vấn đề, trong quá trình trả lời chất vấn, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH và các đại biểu được mời đến dự phiên chất vấn cũng đều có quyền chất vấn và nêu vấn đề chất vấn.

Quan điểm của ông về vấn đề ra Nghị quyết sau khi tổ chức chất vấn?

Đây là vấn đề cần phải bàn thêm, tuy nhiên tôi nghĩ rằng, trong một số trường hợp mà người đứng đầu của tổ chức, ngành chưa thực sự làm tốt chức trách nhiệm vụ theo Hiến pháp, pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền cần ra Nghị quyết để xác định rõ trách nhiệm.

Nhưng trong Nghị quyết cũng cần đặt ra thời hạn giải quyết vấn đề và đề ra giải pháp cụ thể để nhân dân và công luận theo dõi kiểm tra. Trong những trường hợp người trả lời chất vấn đã trả lời rõ ràng thì không cần thiết phải ra Nghị quyết.

Việc ra Nghị quyết sau phiên chất vấn là vấn đề khó, thưa ông?

Tôi cho rằng khó không có nghĩa là không làm, là bỏ đi mà chúng ta phải có những giải pháp để giải quyết vấn đề. Tôi không ủng hộ việc cho rằng vì khó mà không ra Nghị quyết sau chất vấn.

Trong phiên chất vấn đầu tiên, Thường vụ dự kiến sẽ mời những Bộ trưởng nào để trả lời chất vấn?

Vấn đề này thì Thường vụ QH chưa bàn cụ thể. Hiện tại các cơ quan tham mưu của QH vẫn đang tiếp tục tổng hợp các ý kiến gửi về để lên kế hoạch tổ chức chất vấn.

Xin cám ơn ông!

Mạnh Cường (ghi)