1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Không thể nói cứ tăng giá là giảm thuế”

(Dân trí) - Nhằm kiềm chế giá cả leo thang, bắt đầu từ 8/8, nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế nhập khẩu. Giảm thuế có phải là biện pháp “căn cơ” để bình ổn giá trong những tháng cuối năm? ông Hà Huy Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) chia sẻ với Dân trí những vấn đề liên quan.

Giảm thuế nhập khẩu là một trong những nhóm giải pháp để bình ổn và tiến tới giảm tốc độ tăng giá. Theo đó, có hai nhóm mặt hàng chính sẽ được giảm thuế nhập khẩu: nhóm mặt hàng đang có chỉ số tăng giá cao và những mặt hàng đang được bảo hộ, duy trì thuế suất cao.

Thưa ông, giảm thuế nhập khẩu đối với những nhóm mặt hàng này sẽ tác động như thế nào đến việc kiềm chế giá thị trường đang tăng mạnh như hiện nay?

Việc kiềm chế giá là do Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giảm thuế nhập khẩu chỉ là một giải pháp. Nếu chúng ta thực hiện tốt các giải pháp kia, cộng với việc giảm thuế nhập khẩu thì chắc chắn sẽ có những tác động tích cực làm giảm tốc độ tăng giá chung hiện nay.

Người ta vẫn lo ngại việc giảm thuế nhập khẩu sẽ không hạn chế được“cơn bão tăng giá” nếu chúng ta không thực hiện việc kiểm tra, giám sát về giá, thưa ông?

Chính xác là như vậy. Về phần thuế chúng ta sẽ phải thực hiện nhiều biện pháp, trong đó kiểm tra giá bán của doanh nghiệp là một biện pháp kèm theo với biện pháp giảm thuế nhập khẩu.

Ngoài ra chúng ta có thể giảm thời hạn nộp thuế cho doanh nghiệp, hoặc thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất… tất cả nhóm giải pháp này là đồng bộ.

Theo quy luật, trong những tháng cuối năm sẽ có nhiều mặt hàng tăng giá, đợt giảm thuế nhập khẩu lần này có phải là lần điều chỉnh cuối cùng không, thưa ông?

“Không thể nói cứ tăng giá là giảm thuế” - 1
  

Ông Hà Huy Tuấn.

Đó là quy luật bấy lâu nay của chúng ta, nhưng việc giá cả những tháng cuối năm có tăng hay không đôi khi có những yếu tố tác động nhất định. Theo tôi, nếu chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp một cách hợp lý, và một khi chúng ta đã cân đối cung cầu về một mặt bằng mới thì khả năng tăng giá là khó xảy ra.

Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào giá thế giới, chúng ta đã hội nhập thì những điều kiện của thị trường thế giới cũng là một tác nhân cần phải xem xét.

Khó nhưng giá cả vẫn có thể tăng vào những tháng cuối năm, và như vậy chúng ta còn phải tiếp tục điều chỉnh thuế nhập khẩu thêm một lần nữa?

Vấn đề quan trọng nhất ở đây là dùng giải pháp nào để xác định nguyên nhân tăng giá chứ không thể nói cứ tăng giá là giảm thuế. Thuế chỉ là một giải pháp và nó không phải là giải pháp duy nhất.

Trong các giải pháp mà ông nói thì người ta quan tâm nhiều nhất đến vấn đề quản lý giá. Phải chăng công tác này đang có vấn đề?

Chúng ta biết nền kinh tế có rất nhiều mặt hàng, nếu để quản lý tốt tất cả các mặt hàng đó có lẽ cũng không phải là cách tiệm cận hợp lý, nhưng cách của chúng ta là tập trung vào các mặt hàng trọng tâm, trọng điểm nên trong thời gian vừa qua chúng ta đã làm một cách đầy nỗ lực và đã nhận được phản hồi tích cực từ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trong những năm vừa qua không phải lúc nào giá cũng tăng như năm nay, như vậy để đánh giá việc tăng giá là do đâu thì công tác quản lý giá chỉ là một khí cạnh. Nếu nhìn nhận công tác quản lý giá tốt hay không tốt thì phải xem xét thêm.

Có ý kiến cho rằng chúng ta không nên can thiệp vào sự biến động của giá cả mà cứ để thị trường tự điều tiết?

Ở đây có mục tiêu dài hạn và mục tiêu trước mắt. Mục tiêu dài hạn của chúng ta là tiến tới một nền kinh tế thị trường phát triển lành mạnh. Để tiến tới cơ chế đó trong điều kiện của Việt Nam thì phải có lộ trình, hiện nay chúng ta đang nằm trong lộ trình đó.

Khi một mặt hàng chủ đạo tăng giá thì kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng, chúng ta chưa có lời giải cho vấn đề “giá ăn theo giá”, thưa ông?

Như tôi đã nói thì các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ, còn trong các nguyên nhân gây ra vấn đề tăng giá, việc “giá ăn theo giá” có thể là do tâm lý, nhưng cũng có thể đầu vào của doanh nghiệp tăng cho nên đẩy giá tăng theo.

Tuy nhiên phải ghi nhớ rằng chúng ta đang tiến tới nền kinh tế thị trường thì doanh nghiệp không được phép đẩy giá một cách tự do, mà giá đến đâu còn phụ thuộc vào người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng sản phẩm đó có chấp nhận được hay không.

Điều quan trọng là chúng ta phải phân tích rõ nguyên nhân và kết hợp với nhiều giải pháp như giảm thuế, kiểm tra, giải thích, thông tin tuyên truyền… để doanh nghiệp và người tiêu dùng thấy rõ đâu là giải pháp mà do nguyên nhân khác quan và đâu là nguyên nhân chủ quan để loại trừ những yếu tố “thời cơ” nhằm phản ánh đúng giá trị thực của các sản phẩm.

Với việc giá cả tăng cao như vừa qua thì chúng ta có loại trừ hiện tượng đầu cơ, thưa ông?

Cái này Cục quản lý giá cũng đang kiểm tra, còn có yếu tố đầu cơ hay không thì chắc sau quá trình kiểm tra sẽ có kết luận.

Xin cám ơn ông!

Trong nhóm mặt hàng thứ nhất gồm ba nhóm mặt hàng nhỏ là lương thực, thực phẩm, nhóm hàng liên quan thiết yếu đến đời sống nhân dân. Hai là nhóm về thức ăn chăn nuôi. Ba là nhóm hàng vật liệu xây dựng, nhóm hàng phục vụ sản xuất. Lương thực, thực phẩm thì từ 20 - 60% giảm xuống 10 - 40%. Nhóm hàng thức ăn chăn nuôi là 5 - 10% giảm xuống 2 - 5%. Nhóm mặt hàng vật liệu xây dựng có mức thuế 5 - 10 - 12% như hiện nay sẽ giảm xuống 5 - 8 - 10%.

 

Đối với nhóm mặt hàng đang duy trì thuế suất cao thì chúng ta tập trung vào sáu nhóm mặt hàng gồm hoá mỹ phẩm, quạt điện, điều hoà nhiệt độ, tủ lạnh, máy khâu, ô tô. Mức giảm thuế dự kiến của nhóm hàng này là từ 40 - 80% như hiện nay xuống mức tương ứng từ 30 - 70% tuỳ theo nhóm mặt hàng.

Trần Hưng (thực hiện)