1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Không thể để "cán bộ cứ làm sai, Nhà nước cứ bồi thường"

(Dân trí) - Liên quan đến thông tin năm 2017 tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường gần 33 tỷ đồng nhưng người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại chỉ hoàn trả trên 166 triệu đồng, ông Trần Việt Hưng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước khẳng định, tới đây việc này sẽ thay đổi.

Ông Huỳnh Văn Nén (ngồi giữa) được bồi thường 10 tỷ đồng cho hơn 17 năm ngồi tù oan (Ảnh: Trúc Hà).
Ông Huỳnh Văn Nén (ngồi giữa) được bồi thường 10 tỷ đồng cho hơn 17 năm ngồi tù oan (Ảnh: Trúc Hà).

Theo ông Trần Việt Hưng, Luật tố tụng hình sự quy định cán bộ, công chức không phải hoàn trả khoản tiền nhà nước đã bồi thường oan sai, trừ khi mắc lỗi cố ý. “Nếu cố ý dẫn tới oan sai và bị xử lý bằng bản án hình sự thì cán bộ, công chức đó phải hoàn trả 100% số tiền mà Nhà nước đã bỏ ra bồi thường. Còn lỗi vô ý thì có thể bị từ 1-36 tháng lương”- ông Hưng nói.

Thực tế, việc buộc cán bộ làm sai hoàn trả tiền cho ngân sách nhà nước trong năm 2017 chủ yếu trong lĩnh vực thi hành án dân sự và quản lý hành chính. Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả thuộc cơ quan giải quyết trách nhiệm bồi thường và phải căn cứ theo quy định pháp luật.

“Nhưng theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước mới có hiệu lực thì đã có rất nhiều quy định cụ thể về căn cứ hoàn trả, đặc biệt trong trường hợp nhiều người cùng vi phạm. Tới đây việc hoàn trả của cán bộ làm sai sẽ trúng và thực chất hơn. Số liệu thuyết phục hơn”- ông Hưng khẳng định.

Trong khi đó, ông Đỗ Đức Hiển - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp thừa nhận tỷ lệ hoàn trả của cán bộ, công chức chưa cao. “Đây là thực tế thời gian qua và sắp tới việc triển khai Luật mới thì tỷ lệ hoàn trả sẽ có cải thiện”- ông Hiển cho hay.

Như Dân trí đã phản ánh trước đó, năm 2017 các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 109 vụ việc (trong đó có 54 vụ việc thụ lý mới), đã giải quyết xong 40/109 vụ việc với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 29,14 tỷ đồng. 69 vụ việc còn lại đang tiếp tục giải quyết.

Bên cạnh đó, TAND các cấp đã thụ lý giải quyết 23 vụ án dân sự đối với các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường. Cơ quan chức năng đã giải quyết xong 9 vụ với số tiền Nhà nước phải bồi thường gần 3,7 tỷ đồng; còn 14 vụ đang tiếp tục giải quyết.

Tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là 32,82 tỷ đồng - giảm 20,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả chỉ thực hiện đối với 9 vụ việc, với tổng số tiền là 166,6 triệu đồng. Trong đó, việc hoàn trả được thực hiện trong hoạt động quản lý hành chính (3 vụ với số tiền 35,2 triệu đồng), thi hành án dân sự (4 vụ với số tiền 26,74 triệu đồng) và tố tụng (2 vụ với số tiền 102,6 triệu đồng).

Thế Kha