1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện khó tin ở một vùng quê:

Không nộp đủ thì xã… “cấm cửa”

Ở xã Hải Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, không hiếm những đứa trẻ sống ngoài vòng pháp luật với chung một nguyên nhân, bố mẹ chúng là “con nợ” của xã. Không chỉ vậy, đòn hiểm cắt điện giữa mùa hè sẽ được áp dụng đến khi nào… nộp đủ thì thôi.

Tuyệt đường sinh sống

Anh Nguyễn Văn Tích và chị Phạm Thị Nga ở cùng thôn Tân Lộc yêu nhau say đắm. Gia đình ủng hộ, Đoàn Thanh niên cơ sở viết giấy giới thiệu để đoàn cấp xã ủng hộ, tác thành.

Ngày 3/11/2008, khi anh Tích, chị Nga đi đăng ký kết hôn, xã thẳng tay chối từ. Trong sổ Theo dõi nghĩa vụ và đóng góp của gia đình do UBND xã Hải Lộc cấp thì phần quy định có ghi rõ ràng: “Mỗi khi đến giao dịch với địa phương, phải xuất trình sổ kế hoạch gia đình”. Theo ông Nguyễn Văn Thoa (bố anh Tích), gia đình ông còn thiếu xã khoản tiền mua vật tư phòng chống bão lụt năm 2008.

Khoản phí mua vật tư ấy chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng ông quyết không đóng bởi theo ông, đó là khoản thu vô cùng phi lý. Nghiêm trọng hơn, khoản thu ấy lại xuất hiện ngay sau khi xã thoái trả lại dân hai khoản thu sai khác.

Theo tìm hiểu của mình, ông Thoa biết, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định miễn 2 loại phí An ninh quốc phòng và phí Phòng chống thiên tai từ 1/1/2008. Không hiểu vì sao UBND xã Hải Lộc vẫn thực hiện thu hai loại phí này, chỉ có điều xã đổi tên thành “quỹ”. Khi bị người dân phát hiện, “nuốt” không trôi, xã đành phải thoái trả.

Vừa trả lại tiền dân xong, ngay lập tức xã lại đứng ra thu một loại phí khác có tên: Phí mua vật tư phòng chống bão lụt. Trên mỗi tờ phiếu thu (không có dấu), chính quyền sở tại nhấn mạnh cụm từ “huyện giao”.

Không nộp đủ thì xã… “cấm cửa” - 1

Về nhà chồng nhưng chị Nga (giữa) vẫn chưa có giấy đăng ký kết hôn. (Ảnh: NTNN)

Anh Trịnh Văn Thành ở thôn Đa Phạn đã có 2 mặt con. Thế nhưng, các con anh giờ vẫn chưa có giấy khai sinh. Ngay cả chuyện anh lấy vợ, xã cũng không “chứng thực”. Hôm xuống Ủy ban đăng ký kết hôn, anh Thành mới ngã ngửa khi biết gia đình mình còn nợ khoản tiền tương đương với 1,5 tấn thóc. Với khoản lãi ròng là 20%, mấy năm qua, anh đã phải lăn lộn khắp nơi làm thuê làm mướn để trả dần. Hiện anh vẫn nợ chừng 500 nghìn đồng. Còn nợ thì xã còn... cấm cửa, nên anh vẫn phải chịu cảnh hôn nhân không giá thú, các con anh không có giấy khai sinh.

Trong căn nhà rộng chưa đầy chục mét vuông, chỉ có mỗi chiếc giường ọp ẹp, anh Thành lo lắng: “Không có giấy khai sinh thì không biết vài năm nữa, con tôi sẽ đi học thế nào!”.

Không dừng lại đó, việc bị “cấm vận” đã đẩy gia đình anh vào ngõ cụt. Mấy năm trước, anh muốn vay vốn ngân hàng mua thuyền đánh bắt hải sản nhưng không có dấu xác nhận của xã nên đành chịu. Năm ngoái, anh phiêu dạt vào Bình Dương làm thuê và đón vợ vào, thế nhưng vì không có hôn thú nên chính quyền địa phương không cho hai người sống chung. Cảnh làm thuê, thu nhập bọt bèo mà lại phải thuê hai chỗ ở, không chịu nổi, anh lại phải đẩy vợ về quê.

Không nộp đủ thì xã… “cấm cửa” - 2

Bị “tuyệt đường” làm ăn, anh Trịnh Văn Thành chỉ có gian nhà trống hoác. (Ảnh: NTNN)

Trao đổi với chính quyền xã, chúng tôi được ông Dương Văn Hùng - Thường trực Đảng uỷ, cán bộ văn phòng xã, ráo hoảnh cho hay, việc xã từ chối giao dịch, không cho dấu đối với những hộ gia đình nợ đọng tiền đóng góp là đúng với... quy định của Nhà nước. Theo ông Hùng, việc “phong toả con dấu” cũng là thể hiện tính... công bằng xã hội. Ai hoàn thành thì được phép giao dịch, còn ai chưa hoàn thành thì đương nhiên xã có quyền... đóng cửa mời về!

“Đòn hiểm” cúp điện

Bà Trần Thị Vấn (thôn Thắng Hùng) năm nay tuổi đã xấp xỉ 60. Ngôi nhà cấp bốn thấp lè tè của bà nằm chìm hẳn trong con ngõ cũ kỹ, rêu phong. Bà đang có khách. Khách chẳng đâu xa, vẫn là những người hàng xóm có nét mặt khắc khổ, gầy mòn. Họ đến để biếu bà tiền. Người 5 nghìn, người 10 nghìn, người chỉ có vài trăm đồng nhàu nhĩ. Ai cho gì bà cũng nhận và cảm ơn bằng nước mắt lã chã. Bà cần tiền để ra Hà Nội thăm anh con trai đang nằm điều trị ở Viện bỏng. Mấy hôm trước, đi làm thuê trên biển, gặp tai nạn, con trai bà bị bỏng toàn thân, bệnh viện tỉnh lắc đầu, bảo phải ra trung ương mới mong cứu được.

Không nộp đủ thì xã… “cấm cửa” - 3

Bà Vấn được hàng xóm ủng hộ tiền để đi thăm con. (Ảnh: NTNN)

 

Nghèo xác xơ vậy nên từ trước đến nay, gia đình bà là nạn nhân thường xuyên của những “tuyệt chiêu” oái oăm của chính quyền sở tại. Trong tất cả các... “võ hiểm” thì không món nào bà hãi hùng bằng “cú đòn” cúp điện.

Theo bà Vấn và nhiều hộ dân khác thì mỗi năm, cứ đến chừng tháng 4, tháng 5 là xã mở “chiến dịch” huy động các khoản đóng góp. Nhà nào chưa xong “bổn phận” thì ngay lập tức bị trừng phạt bằng “biện pháp tối ưu”: Đưa vào danh sách cắt điện. Giữa cái nắng nóng hầm hập ngày hè, không điện nghĩa là không quạt, không nước.

Gia đình bà Vấn bị cắt điện năm 2004. Khi ấy, bà có đứa cháu chưa đầy 3 tháng tuổi. Cái nóng như đốt như thiêu làm cháu bà khóc đến lạc giọng. Ban ngày, bà bế cháu lê la khắp xóm để “hưởng” nhờ tí quạt, đến đêm về nhà quạt tay phành phạch mà vẫn ngột ngạt. Không ngủ được bà lại bế cháu ra sân, đổ nước lênh láng, lót nilon để nằm cho mát. Nhưng rồi, biện pháp thủ công ấy cũng chẳng ăn thua. Mồ hôi bà, mồ hôi cháu cứ vã ra, quện vào nhau mặn chát. Xã còn tuyên bố, sẽ phạt nặng những ai dám cho các hộ bị cắt điện đấu nhờ đường dây. 

Chị Lê Thị Sông (thôn Thắng Hùng) có chồng là anh Hoàng Văn Hiển bị tâm thần. “Mùa đóng góp” năm nay, bởi không hoàn thành nghĩa vụ nên nhà chị cũng có 2 tháng “vượt qua thử thách”. Không có điện giữa những ngày hầm hập nóng, chị lại phải ngửa mặt đi mượn, đi vay...

Tháng 5/2008, UBND huyện Hậu Lộc đã thành lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra các lĩnh vực như Kinh tế- Xã hội- Ngân sách xã- Đất đai và Xây dựng ngân sách tại xã Hải Lộc. Chỉ điểm qua công tác quản lý thu chi năm 2006, đoàn thanh tra đã phát hiện hàng loạt những khoản thu chi bỏ ngoài ngân sách và một số loại quỹ quản lý, sử dụng không đúng quy định hiện hành. Theo đó, trong chi chít các khoản mà xã tiến hành thu năm này thì đã có đến 16 khoản “có vấn đề”. Đó là các khoản: Đóng góp xây dựng trường; Đóng góp xây dựng ngân sách; Bổ sung xây dựng trường; Phạt vi phạm dân số; Phạt nợ tồn đọng; Thu nợ tồn đọng; Phạt vi phạm nghĩa vụ quân sự; Phạt vi phạm VSMT; Thuế đất ở; Thu quỹ nghĩa vụ công ích; Thu quỹ giao thông nông thôn; Thu quỹ an ninh quốc phòng; Quỹ đền ơn đáp nghĩa; Quỹ phòng chống thiên tai; Quỹ bảo trợ trẻ em; Quỹ chất độc da cam; Quỹ vì người nghèo; Quỹ khuyến học.

 

Theo Đào Thanh Tuy
Nông thôn ngày nay