1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ đưa hàng trăm trẻ ra nước ngoài làm con nuôi:

“Không ngoại trừ khả năng trục lợi”

Thông tin về vụ làm giả hồ sơ trẻ sơ sinh để cho người nước ngoài nhận làm con nuôi tại Nam Định đang gây dư luận bất bình. Trao đổi với báo chí, ông Vũ Đức Long - Cục trưởng Cục Con nuôi Quốc tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, không ngoại trừ khả năng trục lợi.

Một quy trình đúng luật mất từ 4 - 6 tháng

Xin ông cho biết quy trình để một trẻ em bị bỏ rơi được cho đi làm con nuôi người nước ngoài được tiến hành như thế nào?

Nó rất phúc tạp. Một người nước ngoài muốn xin con nuôi Việt Nam trước hết phải nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi Quốc tế (). Hồ sơ phải đầy đủ các loại giấy tờ theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu thấy hồ sơ hợp lệ, Cục Con nuôi cấp cho họ một giấy tờ xác nhận đã nhận hồ sơ. Sau đó, nếu có thông tin về trẻ em bỏ rơi được các Cơ sở nuôi dưỡng địa phương nhận nuôi thì Cục gửi thư đề nghị Cơ sở nuôi dưỡng giới thiệu trẻ.

Lúc đó, Sở Tư pháp sẽ kết hợp với Cơ sở nuôi dưỡng làm thủ tục giới thiệu đứa trẻ gửi lên Bộ Tư pháp. Trên cơ sở hồ sơ do địa phương gửi lên, Cục nghiên cứu hồ sơ, nếu thấy đầy đủ, hợp lệ thì sẽ làm một Công văn đề nghị Sở Tư pháp cùng với Cơ sở nuôi dưỡng chuẩn bị hồ sơ con nuôi.

Hồ sơ con nuôi được quyền chuẩn bị trong 1 - 2 tháng, gồm rất nhiều loại giấy tờ như Biên bản trẻ bỏ rơi, Tường trình, Quyết định nhận vào Cơ sở nuôi dưỡng, Phiếu khám sức khỏe của trẻ, một số đánh giá về trẻ...

Đồng thời sở phải có công văn xác nhận trẻ đủ điều kiện. Bước tiếp theo, Cục Con nuôi Quốc tế sẽ gửi một bộ hồ sơ hợp lệ đã nhận được cùng với Thư đồng ý đề nghị địa phương cho trẻ đi làm con nuôi.

Khi có Thư đề nghị của Cục, Sở Tư pháp sẽ trình bộ hồ sơ lên UBND tỉnh, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định đồng ý cho trẻ đi làm con nuôi người nước ngoài. Khi thủ tục được tiến hành hoàn tất thì địa phương mới tiến hành tổ chức bàn giao trẻ.

Như vậy, toàn bộ quy trình này nếu làm đúng luật thì tối thiểu phải mất 4 tháng, trên thực tế thường kéo dài lâu hơn, phải 5 - 6 tháng. Toàn bộ hồ sơ về con nuôi quốc tế được lưu lại Bộ Tư pháp trong vòng 20 năm.

Tất cả hồ sơ của trẻ đã được Công an Nam Định thẩm định

Trường hợp hồ sơ của trẻ em bị bỏ rơi được các Trung tâm Trợ giúp nhân đạo huyện ý Yên và Trung tâm Bảo trợ xã hội Trực Ninh gửi lên, các ông có nghi ngờ gì không?

“Không ngoại trừ khả năng trục lợi” - 1
  

Ông Vũ Đức Long.

Tất cả hồ sơ của trẻ em ở Nam định gửi lên đều được Sở Tư pháp địa phương đánh giá, 10 loại giấy tờ trong hồ sơ của trẻ đều được làm rất đầy đủ và đều được Công an thẩm định và cho ý kiến là hợp lệ.

Như ông nói thì quy trình để một đứa trẻ từ lúc bị bỏ rơi cho đến lúc đuợc người nước ngoài nhận làm con nuôi rất chặt chẽ, thế thì theo ông, tại sao lại xảy ra tình trạng làm giả hồ sơ về nguồn gốc của đứa trẻ?

Tôi nói quy trình chặt chẽ là từ Cơ sở nuôi dưỡng đến lúc trẻ được nhận làm con nuôi người nước ngoài. Còn lại giấy tờ trước khi trẻ vào Cơ sở nuôi dưỡng như: Tường trình, Giấy khai sinh... lại là đại vấn đề. Chẳng hạn như trẻ không bị bỏ rơi mà lại nói là trẻ bị bỏ rơi thì đó là làm giả hồ sơ của trẻ.

Dư luận nghi ngờ, đặt câu hỏi liệu có sự móc nối giữa chính quyền cơ sở, Sở Tư pháp, Công an, UBND tỉnh làm thành đường dây làm giả giấy tờ đưa trẻ em đi làm con nuôi người nước ngoài. Ông nghĩ sao trước thông tin này?

Ai làm sai, ai trục lợi thì cơ quan Công an đang điều tra, làm rõ. Sai ở khâu nào thì phải xử lý khâu đó, thậm chí là xử lý hình sự.

Nhưng theo đánh giá của tôi, nếu có móc nối thì sự móc nối của họ chưa đủ để đưa trẻ em ra nước ngoài, bởi hồ sơ còn phải qua Bộ Tư pháp thẩm định, mà quy trình hồ sơ từ lúc trẻ ở Cơ sở nuôi dưỡng đến lúc chuyển lên Bộ Tư pháp được tiến hành rất chặt chẽ.

Tất nhiên, tại Cơ sở có thể có việc đạo diễn, làm sai một số giấy tờ, không loại trừ có khả năng vì mục đích trục lợi. Đó là do một số khâu trong quy trình này bị lạm dụng, cái đó phải kịp thời chấn chỉnh.

Bây giờ sai đến đâu phải sửa đến đấy, phát hiện sai là phải xử lý. Trách nhiệm phải được xác định cho rõ, nếu tất cả đều quy trách nhiệm chung là không đúng. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra, yêu cầu địa phương phải vào cuộc.

Có nghĩa là nếu bên dưới làm giả hồ sơ thì Cục Con nuôi Quốc tế cũng “chịu”, thưa ông?

Đúng là như thế, vì việc thẩm tra tính chân thực của toàn bộ các  giấy tờ kèm theo hồ sơ là rất khó nếu như ở cơ sở cố tình làm sai.

Ví dụ như trẻ không bị bỏ rơi, người ta làm biên bản thành bị bỏ rơi thì cũng khó xác định. Hay như Giấy khai sinh ở xã đã ký, đóng dấu rồi, làm sao Cục bác được. Cái này Công an phải vào cuộc.

Qua theo dõi của ông thì trong thời gian qua, số lượng trẻ em từ Nam Định được đưa đi làm con nuôi quốc tế có nhiều hơn ở các tỉnh khác không?

Số lượng trẻ em từ Nam Định đưa đi làm con nuôi người nước ngoài tuy tương đối nhiều, nhưng cũng chưa phải là nhiều nhất. Nhiều nhất hiện nay là TPHCM, tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn.

Điều tôi băn khoăn là tại sao các tỉnh lân cận Nam Định như Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam rất ít trẻ em bị bỏ rơi mà Nam Định lại nhiều? Trong đợt đi kiểm tra tất cả các Cơ sở nuôi dưỡng ở Nam Định vào tháng 1 vừa qua, tôi đã đặt thẳng nghi vấn này với bên Công an và Sở Tư pháp, đề nghị địa phương phải quan tâm.

Bị bỏ rơi vào thời điểm nhạy cảm, trẻ dễ bị làm giả giấy tờ nguồn gốc

Nhiều trẻ em đã được đưa ra nước ngoài làm con nuôi bằng hồ sơ giả, bây giờ cơ quan chức năng vào cuộc mới phát hiện ra, vậy có đứa trẻ về đuợc không, thưa ông?

Không, khả năng đưa trẻ về là không có.

Nói như thế thì việc làm giả hồ sơ, nguồn gốc của trẻ sơ sinh tại cơ sở hiện nay vẫn quá dễ dàng và hậu quả thì không thể khắc phục. Là đầu mối quản lý Nhà nước về vấn đề con nuôi quốc tế, ông có đề xuất giải pháp nào ngăn chặn tình trạng này không?

Nói làm giả hồ sơ dễ dàng hay luật không chặt chẽ thì chưa hẳn đã đúng, vì Nghị định 158, Nghị định 68, Nghị định 69 và các quy định pháp luật khác rất chặt chẽ, cụ thể về lĩnh vực này, cái chính là người ta không thực hiện theo luật.

Thông thường thì trẻ hay bỏ rơi vào những thời điểm rất nhạy cảm như đêm khuya, sáng sớm, ở những nơi vắng người...

Chính vì thế người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có thể giữ bí mật đó và từ đó đạo diễn hồ sơ của trẻ vì mục đích khác, không phải vì mục đích nhân đạo. Cái này lỗi không phải ở luật, lỗi chính là ở người thực hiện, việc một số đối tượng nói không đúng sự thật về nguồn gốc của trẻ để trục lợi là có thể.

Xin cám ơn ông!

Theo Hồng Thúy
Báo Pháp luật Việt Nam