1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Không dùng sức mạnh buộc người dân rời không gian sống của mình”

(Dân trí) - “Nhà đầu tư có thể tạo lập những khu phức hợp nhà ở - trung tâm thương mại hoành tráng… nhưng không được dựa vào sức mạnh để khiến người khác phải ra khỏi không gian sống được cho là của mình” - Điều 58 dự thảo Hiến pháp sửa đổi nhận nhiều góp ý.

Các ý kiến góp ý sửa Hiến pháp đến thời điểm này vẫn đang diễn ra rất sôi nổi trên diễn đàn duthaoonline của Văn phòng Quốc hội. Rất nhiều ý kiến tranh luận, bàn bạc đang tập trung vào nội dung sửa các điều khoản quy định về lĩnh vực đất đai.

Độc giả Nguyễn Thành Trung chỉ rõ, hiện việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân vẫn mang đậm tính chất tinh thần vì thực tế chủ sở hữu là nhà nước. Độc giả đặt vấn đề, nên chăng quy định rõ ràng trong Hiến pháp về đại diện chủ sở hữu nhà nước, tránh tình trạng xác định sở hữu toàn dân nhưng không biết ai là chủ sở hữu.

Độc giả kiến nghị viết lại Điều 57 trong dự thảo Hiến pháp thành “Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật”.
Thực tế, người dân phải chịu thiệt thòi trong nhiều dự án thu hồi đất.
Thực tế, người dân phải chịu thiệt thòi trong nhiều dự án thu hồi đất.

Với Điều 58, quy định về một nội dung đang rất “nóng” hiện nay - vấn đề thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, độc giả Hoàng Lan cho rằng, khoản 1 nên nhấn mạnh quan điểm đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật và quy hoạch.

Khoản 3 nên sửa quy định để Nhà nước chỉ có quyền thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật, trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia. Trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định, tối thiểu phải đảm bảo ổn định đời sống người dân về lâu dài không thấp hơn trước khi bị thu hồi.

Cũng về điều luật này, độc giả Phạm Ngọc Tân kiến nghị sửa đổi mối quan hệ giữa chủ đầu tư và người dân. Cụ thể, cần làm rõ, sửa đổi mối quan hệ này trong việc thu hồi đất “để giao đất, cho thuê theo hình thức chỉ định chủ đầu tư”.

Độc giả diễn giải, trong tình huống đó, nhà đầu tư hay người dân đều là những chủ thể bình đẳng trước luật pháp; lợi ích chính đáng của họ đều phải được tôn trọng và bảo vệ như nhau, không phân biệt. Nhà đầu tư có thể tạo lập những khu phức hợp nhà ở - trung tâm thương mại, du lịch hoành tráng, hiện đại… nhưng họ phải tạo lập trong khuôn khổ sự vận động bình thường của cuộc sống dân sự, chứ không phải dựa vào sức mạnh để khiến người khác phải ra khỏi không gian sống được cho là của mình.

“Theo tôi trong tình huống Nhà nước thu hồi đất của dân để cho chủ đầu tư sử dụng, thì Nhà nước phải bảo đảm sự công bằng giữa hai bên, không được dùng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất trong trường hợp này. Chỉ khi nào đa số (có thể quy định là 95%) người dân đồng ý giao đất một cách tự nguyện thì mới bắt đầu thu hồi, cưỡng chế đất” – độc giả viết.

Độc giả Hoàng Văn Hậu cũng tán thành quan điểm xác định giá đất phù hợp với giá thị trường khi thu hồi đất. Độc giả này cũng đề xuất chỉnh lại quy định tại Điều 58 theo hướng, nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các trường hợp thu hồi đất vì mục đích kinh doanh, thương mại thì bên tổ chức thu hồi đất phải thỏa thuận với công dân và giá bồi thường như thế nào do hai bên thống nhất.

Khẳng định hoàn toàn ủng hộ ý kiến này, độc giả Lê Tấn Hanh trao đổi thêm các chi tiết, lật đi lật lại vấn đề. Theo đó, trong trường hợp bình thường, độc giả cho rằng nên bỏ từ “thu hồi đất” và “cưỡng chế thu hồi đất” bởi việc này chỉ phù hợp khi Nhà nước giải quyết hành vi lấn chiếm, sử dụng sai mục đích hay vượt quá hạn mức...

Trong quan hệ dân sự đất đai, do Hiến pháp quy định đất đai là sở hữu toàn dân nên mặc nhiên người dân chính là chủ thể hợp pháp của đất đai mà mình đang có quyền quản lý, sử dụng, dù muốn hay không. Do đó khi cần quỹ đất mục đích phát triển kinh tế - xã hội mang tính chất công ích, cộng đồng, quốc kế dân sinh, an ninh quốc phòng... thì Nhà nước phải trưng mua quyền sử dụng đất và bồi thường tài sản trên đất bao gồm cả công sức tạo lập của người dân căn cứ sức mua của thị trường tương ứng.

Đối với trường hợp cần quỹ đất cho nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... sinh lợi trên đất thì phải có cơ chế thỏa thuận bồi thường thỏa đáng, phù hợp với sức mua của thị trường và quy định giám sát của chính quyền nhằm bảo vệ quyền lợi nhân dân cũng như tổ chức, doanh nghiệp. Trong điều kiện bất bình thường, chiến tranh, địch họa thì có cơ chế trưng thu có điều kiện hồi tố bồi thường sau này, đảm bảo quyền lợi của nhân dân.
 

Điều 58 dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi

1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật. 
 
2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. 
 
3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. 

P.Thảo