Không có "vùng cấm" thông tin về sức khỏe lãnh đạo

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, lãnh đạo Đảng, Nhà nước là người của công chúng. Dân quan tâm sức khỏe của lãnh đạo là việc hết sức bình thường. Để đáp ứng tình cảm của dân, không để thế lực thù địch lợi dụng, cần phải thông tin nhanh, kịp thời.

Nguyễn Bắc Son, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Bá Thanh, máy xúc, Hải Dương, mạng xã hội

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son. Ảnh: Hồng Nhì

Trao đổi với VietNamNet về việc cung cấp thông tin sức khỏe của các lãnh đạo, bên lề phiên họp báo Chính phủ ngày 31/7, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng uy tín, sức khỏe, hình ảnh của các vị lãnh đạo là tài sản của quốc gia nên phải cung cấp thông tin kịp thời khi cần thiết.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước là người của công chúng

Qua sự việc liên quan sức khỏe của Đại tướng Phùng Quang Thanh, hay nguyên Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh, có thể thấy người dân rất quan tâm đến sức khỏe của các vị lãnh đạo. Theo Bộ trưởng, việc cung cấp thông tin liên quan đến sức khỏe của lãnh đạo như thế nào để vừa thông tin kịp thời cho người dân biết vừa tránh được những bình luận không hay, thậm chí xuyên tạc?

Sự quan tâm của người dân tới lãnh đạo là việc tốt, nhân văn, thể hiện Nhà nước, cán bộ với nhân dân rất gần gũi nhau. Sức khỏe yếu là điều không ai mong muốn nhưng khi có sự việc gì xảy ra nên chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí, cho người dân. Việc này cũng giúp ngăn chặn những thông tin sai trái. Vừa rồi hãng tin của Đức đã phải xin lỗi vì thông tin sai về sức khỏe của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Như thế để đáp ứng tình cảm của người dân với lãnh đạo, không để các thế lực thù địch lợi dụng, cần thông tin nhanh, kịp thời mới thắng trên mặt trận này được. Thông tin chậm sẽ khiến các thế lực đưa tin sai trái, trong khi dân chưa có thông tin gì, họ sẽ có suy nghĩ tiêu cực.

Không có trong vùng cấm gì cả. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước là người của công chúng. Khi có sự việc gì thì nên chủ động cung cấp thông tin, không giấu mà phải cung cấp. Có điều là có lúc chúng ta chưa cung cấp kịp thời nên nhiều thế lực lợi dụng.

Kịp thời cung cấp thông tin

Nhưng vừa qua có vụ việc dư luận bàn tán mãi, các cơ quan nhà nước mới chịu lên tiếng?

Khi phát hiện ra thông tin sai hoặc không đúng với tình hình của địa phương, của đơn vị, của bộ, ngành mình thì người phát ngôn phải kịp thời cung cấp thông tin ngay.

Vừa rồi, cơ bản các bộ, ngành địa phương cung cấp thông tin khá đầy đủ. Họp báo Chính phủ cũng là hình thức thông tin rất kịp thời, trong đó các bộ, ngành trực tiếp trả lời câu hỏi của phóng viên. Nhưng cũng có những lúc chúng ta chưa kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí.

Như vụ việc máy xúc chèn qua người dân ở Hải Dương, lẽ ra phải có thông tin kịp thời, người phát ngôn là chánh văn phòng UBND tỉnh phải có thông tin kịp thời với báo chí ngay để khẳng định việc này diễn ra có đúng không.

Vừa qua, một số lãnh đạo ốm, lẽ ra là chuyện bình thường nhưng một số thế lực đã lợi dụng, bịa chuyện để đưa tin nói xấu Đảng và Nhà nước. Nếu không có thông tin chính thống phản bác kịp thời thì trong một khoảnh khắc nào đó, thông tin sai kia sẽ phát huy tác dụng và làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, thậm chí làm dao động, gây tâm lý không bình thường.

Cho nên việc cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí để phản bác lại những tin đồn trên mạng xã hội là việc cần phải thúc đẩy hơn nữa. Việc này đã được Ban Tuyên giáo cùng với Bộ TT&TT và Hội Nhà báo cảnh báo và yêu cầu các bộ ngành chủ động cung cấp thông tin. Thủ tướng trong các cuộc họp cũng yêu cầu cung cấp thông tin hoạt động của lãnh đạo, các cơ quan Đảng, Nhà nước kịp thời để bác bỏ những thông tin sai trái.

Trước những sự kiện chính trị lớn, các trang mạng xã hội hay xuất hiện rất nhiều thông tin tiêu cực về các vị lãnh đạo cấp cao. Làm sao để người dân và báo chí biết được để gạn đục khơi trong trước những thông tin này?

Các thế lực luôn tìm sơ hở để chống phá chúng ta, luôn luôn lợi dụng thời kỳ có những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như Đại hội Đảng tới đây để kích động, xuyên tạc. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác với các thế lực này, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền những thành tựu kinh tế của đất nước, đồng thời phản biện lại những thông tin sai trái.

Các phóng viên là những người gần như rà soát nhiều trên các trang mạng, tiếp cận nhiều thông tin trong xã hội, nếu phát hiện thông tin phải kịp thời thông báo với cơ quan chức năng, ít nhất thông báo với lãnh đạo báo, Ban Tuyên giáo, Bộ TT&TT và Hội Nhà báo. Khi chúng ta đã có thông tin cần thiết sẽ có đối sách lại.

Theo Thu Hằng - Hồng Nhì
VietNamnet